Vụ 3 học sinh bị cô giáo cho bạn đánh tím mông: Sức mạnh "quyền lực" ngay trong học đường

Tào Nga Thứ năm, ngày 27/01/2022 19:00 PM (GMT+7)
Trước vụ việc giáo viên cho cán sự lớp đánh bạn tím mông, chuyên gia giáo dục đã lên tiếng cảnh báo.
Bình luận 0

Mới đây, một vụ giáo viên cho cán sự lớp đánh bạn tím mông khiến dư luận bức xúc. Theo đó, chị Bùi Thị Mai (trú xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), mẹ của học sinh Vũ Sinh H bức xúc cho biết, vài ngày trước, con trai chị (học lớp 3E, Trường Tiểu học Ngũ Đoan) kêu mệt mỏi, đau nhức cơ thể sau khi đi học về. Ngày 25/1, khi tắm cho cháu, chị và người thân phát hiện H bị bầm tím mông.

Qua lời kể từ cháu H, chị được biết do con trai không hoàn thành bài tập về nhà nên cô giáo yêu cầu nằm sấp trên bàn, cho 7 bạn cán bộ lớp dùng thước gỗ đánh roi vào mông. Ngoài ra, hai bạn khác cùng lớp H cũng chịu trận đòn roi tương tự.

Ông Nguyễn Sĩ Thinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngũ Đoan đã xác nhận cô giáo Vũ Thị Hoài, chủ nhiệm lớp 3E đã giao một số học sinh làm cán sự có nhiệm vụ kiểm tra bài cũ. Nếu bạn nào chưa làm sẽ bị cán sự lớp đánh đòn. Hiện nhà trường đã tạm đình chỉ công tác đối với cô giáo Vũ Thị Hoài để làm rõ sự việc.

Vụ 3 học sinh bị cô giáo cho bạn đánh tím mông: Sức mạnh "quyền lực" ngay trong học đường - Ảnh 1.

Cơ quan công ai lấy lời khai của các cháu ban cán sự lớp 3E . Ảnh: Nguyễn Đại

Liên quan tới vụ việc, trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Các thầy cô giáo hiểu hoàn toàn sai giữa hình phạt và bạo lực, bạo hành. Nếu ngay từ đầu thầy cô có quy định nghiêm túc và hình phạt phù hợp thì học sinh sẽ biết điểm dừng, biết đâu là vấn đề mình cần chú ý và những điều cần tránh. Từ đó, học sinh sẽ thực hiện trong khuôn khổ. 

Ở đây, cô giáo đã đưa ra hình thức "luật" không hợp lý là sử dụng bạo lực để trừng phạt học sinh không học hành nghiêm túc. Bên cạnh đó, cô giáo còn dạy cho học sinh là cán sự lớp hành hạ bạn mình. Điều này vừa vi phạm luật bảo vệ chăm sóc trẻ em vừa khiến cho học sinh đối xử tồi tệ với nhau thay vì yêu thương, chia sẻ cho nhau. Hình thức phạt này diễn ra ở nhiều ngôi trường, đặc biệt là những nơi bị áp lực về mặt thành tích.

Nếu có cạnh tranh sẽ xảy ra mâu thuẫn. Thực tế việc đánh giá học sinh, khen ngợi học sinh giỏi, chê bai học sinh kém dẫn đến mâu thuẫn giữa học sinh càng cao. Giáo viên ở đây lại sử dụng học sinh để phạt học sinh thì tình trạng này còn nghiêm trọng hơn".

Theo bà Hương, dùng cán sự lớp là "công cụ" để "cai trị" các bạn trong lớp dù không bị ảnh hưởng tâm lý nhiều nhưng đạo đức bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với những học sinh cán sự lớp sẽ nghĩ rằng mình có quyền đánh người khác và sẽ sử dụng quyền hành đó để bắt nạt, o bế bạn bè. Những bạn "dưới trướng" sẽ nhận thức được sức mạnh của quyền lực và sẽ dẫn đến cách xử lý không hợp lứa tuổi như sử dụng quà cáp, nịnh nọt để các bạn xí xóa cho mình. 

"Nhiều phụ huynh than phiền với tôi, sau một thời gian con làm lớp trưởng, lớp phó hay dùng roi để giữ trật tự lớp thì đã thay đổi tính tình trở nên hung tính hơn và đánh các em nhiều hơn", bà Hương cảnh báo.

Với những học sinh không làm bài tập hoặc sai phạm, bà Hương cho hay: "Giáo viên có thể phạt bằng cách cho học sinh đó làm bài tập trong giờ ra chơi, làm tăng cường bài tập. Giáo viên cũng có thể yêu cầu học sinh thực hiện một công việc đặc biệt khác như dọn dẹp một khu vực trong trường, trợ giúp các bạn khác điều gì đó hoặc đứng ở góc lớp khi không có học sinh trong lớp để suy nghĩ về việc làm của mình. Chép phạt cũng là hình thức được nhiều nước áp dụng vì vừa có tác dụng tăng cường kỹ luật, vừa rèn chữ viết và bài học cho học sinh".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem