Vụ 3 nam sinh lớp 8 nghi xâm hại nữ sinh lớp 6: "Lỗ hổng" trong trường học?

Tào Nga Chủ nhật, ngày 18/12/2022 14:11 PM (GMT+7)
Vụ 3 nam sinh lớp 8 nghi xâm hại nữ sinh lớp 6 xảy ra khiến mọi người giật mình và cảnh báo tình trạng chỉ chạy theo kiến thức hiện nay ở các gia đình, trường học.
Bình luận 0

Vụ việc 3 nam sinh lớp 8 nghi xâm hại nữ sinh lớp 6 đang khiến dư luận hoang mang, lo lắng. Theo thông tin sơ bộ, sự việc trên xảy ra từ giữa tháng 11/2022. 3 nam sinh lớp 8 bị nghi ngờ xâm hại tình dục một nữ sinh lớp 6, ngay tại khu vực vệ sinh trong Trường THCS Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. 

Thầy Nguyễn Phúc Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Thắng cho hay, nhà trường báo cáo cho công an toàn bộ sự việc cụ thể. Vụ việc vẫn đang trong quá trình xác minh, tuy nhiên, đây cũng cảnh báo tới gia đình, nhà trường trong việc giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Vụ 3 nam sinh lớp 8 nghi xâm hại nữ sinh lớp 6: "Lỗ hổng" trong trường học? - Ảnh 1.

Trường THCS Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa - nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Hải Vương.

Từ vụ 3 nam sinh lớp 8 nghi xâm hại nữ sinh lớp 6: Cảnh báo việc chỉ chạy theo kiến thức

Thầy giáo Sinh học Đinh Đức Hiền cho hay: "Tôi vô cùng bàng hoàng và đau lòng. Trong đầu tôi luôn hiện lên câu hỏi là phải làm thế nào với các em bây giờ, và nếu là sự thật thì tại sao lại dẫn đến sự việc như trên. Tôi nghĩ nếu có vụ việc xảy ra thì trước hết là phải bằng mọi cách ổn định tâm lý cho các em, bảo mật thông tin tuyệt đối về người bị hại. Rõ ràng đây là bài học vô cùng đắt giá cho chính cha mẹ, nhà trường, lời cảnh tỉnh cho toàn xã hội về câu nói trẻ con thì biết gì".

Theo thầy Hiền, việc giáo dục giới tính hiện nay chưa thực sự được quan tâm đúng mức, phần lớn đang dừng ở mức phong trào, dưới hình thức các buổi sinh hoạt, phổ biến kiến thức thông thường. Có thể do e ngại mà từ người lớn đến học sinh ít dám đề cập đến vấn đề này. Nhưng rõ ràng thế là chưa đủ. Chính vì sự mập mờ, thiếu rõ ràng càng khiến học sinh tò mò và khi càng hiếu kì các em sẽ tìm đến các nguồn thông tin mà người lớn khó kiểm soát.

Việc giáo dục giới tính không chỉ nên dừng lại ở mức độ sinh lý mà học sinh cần được giáo dục ở mức độ đạo đức và phát luật liên quan, cần chỉ cho học sinh cái sai và hậu quả thực tế là gì.

Việc tham vấn tâm lý cho học sinh là vô cùng cần thiết nhưng trường học hiện nay đang không có hoặc yếu việc này. Ngay tại hệ thống trường tư, trường quốc tế cũng chưa được đầu tư bài bản, thiếu nhân lực, trường công thì gần như là không có. Những vấn đề liên quan đến giáo dục giới tính sẽ có nhiều chuyện khó nói trước đám đông, do vậy nhu cầu được chia sẻ riêng tư là rất lớn.

Mặt khác giáo dục giới tính hiện nay đang quên đi một đối tượng vô cùng quan trọng là phụ huynh học sinh. Không ai khác, cha mẹ mới là người gần con cái nhất nhưng cha mẹ lại không đủ kiến thức, đồng thời không đủ kỹ năng để chia sẻ với con cái. Đồng thời cha mẹ vì quá bận rộn với công việc mà thiếu sự quan tâm với những đứa trẻ.

Tự do trong khuôn khổ ở trường học

Liên quan đến vụ việc trên, thầy Hiền cho rằng, việc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là vấn đề xâm hại tình dục không chỉ là trách nhiệm của gia đình và nhà trường mà là của toàn xã hội. Nhưng trước hết gia đình và nhà trường là những nơi gần các em nhất.

Dù ở bất kỳ hình thái xã hội nào thì giáo dục gia đình vẫn luôn là nền tảng, giáo dục gia đình tốt. Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, dạy bảo, quan tâm con cái đúng cách sẽ tạo nên những đứa trẻ tốt trong xã hội. Khi đến tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi rất nhiều, những bé gái rất cần có mẹ bầu bạn, trong khi đó những bé trai lại rất cần người cha. Cha mẹ cần có kỹ năng trong việc chia sẻ, tham gia các lớp về giáo dục giới tính để có kiến thức và kỹ năng cần thiết. Nếu chúng ta cứ mải chạy theo đồng tiền, mải chạy theo sự nghiệp mà quên đi những đứa con thì hậu quả sẽ thật khôn lường.

Với hệ thống trường học hiện nay, đặc biệt là hệ thống công lập, việc chạy theo kiến thức, sĩ số lớn khiến việc giáo dục kỹ năng, đạo đức, giới tính bị xem nhẹ. Chúng ta cần những chỉ đạo mạnh mẽ của các cấp có thẩm quyền, sự chủ động từ phía nhà trường. Hiện nay công việc nhà trường đang quá tải, để chia sẻ chúng ta cần huy động các nguồn lực xã hội, ban phụ huynh, các tổ chức xã hội. Các tiết học về Sinh học, Giáo dục pháp luật… cần được lồng ghép các kiến thức giáo dục giới tính, đạo đức, pháp luật liên quan.

Hiện nay tham vấn học đường, tham vấn tâm lý cho học sinh còn rất thiếu và yếu. Thiếu về nhân lực và biên chế, vì thế các tổ chức xã hội, tổ chức đoàn đội nên góp sức vào việc này. Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm không của riêng ai, vì đó là tương lai của đất nước.

Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh, Hiệu trưởng Trường Tuệ Đức, TP.HCM cho hay: "Hiện nay nhiều người đòi hỏi phải tôn trọng tuyệt đối tự do cho học sinh, thầy cô không nên giám sát chặt nhất cử nhất động của học sinh. Ngay cả chuyện học sinh hút thuốc, xem văn hóa phẩm đồi trụy trong trường cũng là bình thường vì "tuổi đó nó thế". Trường học mà học sinh được làm mọi thứ theo ý các em mới là phát huy tính sáng tạo, độc lập và tạo ra môi trường hạnh phúc cho các em.

Tuy nhiên với tôi, trước khi được tự do thì học sinh cần phải học các tuân thủ theo luật, quy định ứng xử. Còn kiểu tự do theo kiểu "thả rông" thì đó là hoang dã chứ không thể là tự do một cách văn minh chúng ta cần hướng tới".

Công an Quảng Ngãi điều tra vụ nữ sinh bị nhóm nam sinh lớp 8 xâm hại. Clip: VTC Now

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem