Vụ 5 bệnh viện từ chối bệnh nhân: Sứ mệnh cao nhất của cơ sở y tế là cứu sống mạng người

Mỹ Quỳnh - Hoàng Dũng Thứ hai, ngày 16/08/2021 11:58 AM (GMT+7)
Theo các luật sư, cơ sở y tế từ chối bệnh nhân nguy kịch có thể mang dấu hiệu "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, khoảng 21h tối 13/8, chị Ngô Phượng (trọ tại khu phố Tân An, phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) thấy bố mình là ông Ngô D. nôn ói và bất tỉnh nên đã kêu cứu. 

Chủ nhà trọ gọi xe cứu thương không được nên đã hỗ trợ chở ông D. bằng xe tải đến Trung tâm Y tế TP.Dĩ An để cấp cứu.

Tuy nhiên, ông D. bị từ chối với lý do Trung tâm Y tế TP.Dĩ An đang điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Vụ 5 bệnh viện từ chối bệnh nhân: Trong hoàn cảnh nào, sứ mệnh cao nhất của cơ sở y tế vẫn là cứu người - Ảnh 1.

Ông D qua 5 cơ sở y tế nhưng không được cứu chữa kịp thời. Ảnh Gia đình cung cấp.

Gia đình tiếp tục đưa người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa Ngọc Hồng nằm trên đường Nguyễn Trãi, TP.Dĩ An và được đưa vào phòng khám làm test nhanh Covid-19 (có thu phí) với kết quả âm tính. 

Sau đó, các bác sĩ tại phòng khám Ngọc Hồng hỏi tiền sử bệnh, biết ông D. từng bị đột quỵ thì bác sĩ tại phòng khám nói tình trạng quá nặng, đề nghị cho bệnh nhân lên tuyến trên.

Trong đêm, gia đình tiếp tục đưa ông D. đến 3 cơ sở y tế khác là Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện đa khoa An Phú (TP.Thuận An) và Phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh (TP.Dĩ An) nhưng các cơ sở này đều từ chối tiếp nhận.

Vụ 5 bệnh viện từ chối bệnh nhân: Trong hoàn cảnh nào, sứ mệnh cao nhất của cơ sở y tế vẫn là cứu người - Ảnh 2.

Giấy tờ xét nghiệm của nạn nhân. Ảnh người nhà cung cấp.

Sau khi bị 5 cơ sở y tế nói trên từ chối, gia đình đành bất lực đưa ông D. quay trở về phòng trọ. Đến 1 giờ sáng 14/8, ông D. trút hơi thở cuối cùng.

Ông C. (chủ nhà trọ), là người trực tiếp đưa bệnh nhân đi cấp cứu cho biết, ông D. từng bị đột qụy nên khả năng cao là bệnh cũ tái phát, nếu được cấp cứu kịp thời có thể đã cứu chữa được. "Đến chỗ nào chúng tôi cũng van xin, năn nỉ nhưng họ đều lắc đầu. Thấy người hấp hối mà không cấp cứu, thử hỏi y đức ở đâu” - ông C. nói.

Trên mạng xã hội, dư luận cũng tỏ ra rất bức xúc trước cái chết oan uổng của ông. Nhiều người đặt ra câu hỏi về y đức, đạo đức nghề nghiệp của các bác sĩ khi từ chối bệnh nhân đang cần cấp cứu.

UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu làm rõ vụ việc 5 cơ sở y tế từ chối tiếp nhận khiến ông D tử vong.

Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?

Liên quan đến vụ việc này, luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, cơ quan nhà nước cần lảm rõ trách nhiệm của 5 cơ sở y tế từ chối tiếp nhận để cấp cứu dẫn đến cái chết thương tâm của ông D.

Theo luật sư Thường, các cơ sở y tế không thể đưa ra lý do đang căng sức phòng chống dịch Covid-19 nên từ chối tiếp nhận bệnh nhân, bởi ngày 13/8 Bộ Y tế đã ban hành công văn số 6589 quy định các cơ sở khám bệnh nhà nước và tư nhân tuyệt đối không từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng, nguy kịch tới khám và điều trị; cần nghiêm khắc xử lý các cơ sở khám, chữa bệnh nếu vi phạm 

Vụ 5 bệnh viện từ chối bệnh nhân: Trong hoàn cảnh nào, sứ mệnh cao nhất của cơ sở y tế vẫn là cứu người - Ảnh 4.

Theo luật sư Thường, sứ mệnh của cơ sở y tế đều phải đặt mục tiêu cứu mạng người là quan trọng nhất. (Ảnh: NVCC)

Các cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm nếu không tiếp nhận khiến bệnh nhân tử vong. Nếu Thanh tra Sở Y tế tỉnh và Cơ quan Công an vào cuộc điều tra, làm rõ có kết quả sẽ xử lý riêng từng đơn vị. Nếu xác định có lỗi của cơ sở y tế nào có thể sẽ xem xét xử lý trách nhiệm của người phụ trách.

Theo quy định, nếu người có trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng làm chết người có thể bị xem xét "tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015. 

Mức phạt tù tối đa đến 12 năm và bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm (Áp dụng theo điểm 1.10 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19).

"Dù bất cứ hoàn cảnh nào, sứ mệnh của cơ sở y tế đều phải đặt mục tiêu cứu mạng người là quan trọng nhất. Vì tính nhân văn và y đức, xã hội khó có thể chấp nhận lý do vì tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong những ngày qua căng thẳng và quá tải mà các cơ sở y tế từ chối tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân để dẫn đến cái chết thương tâm cho nạn nhân" - luật sư Thường nhận định.

Ứng phó trong trường hợp khẩn cấp

Nêu quan điểm dưới góc độ pháp luật về vụ việc người đàn ông ở Bình Dương tử vong sau khi bị 5 cơ sở y tế từ chối cấp cứu, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật ( Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: Về nguyên tắc, các bệnh viện phải tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào. 

Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh/người nhà người bệnh trước khi chuyển đi bệnh viện khác. Thường trực cấp cứu ngoại viện phải luôn sẵn sàng và khẩn trương ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. 

Luật sư Bình dẫn chứng, Điều 53 Luật Khám chữa bệnh quy định trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là tổ chức việc cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời cho người bệnh. Thực hiện quy định về chuyên môn kỹ thuật và các quy định khác của pháp luật có liên quan... 

Ngoài ra khi việc cấp cứu vượt quá khả năng chuyên môn thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây: 

a) Tổ chức hội chẩn theo quy định tại Điều 56 của Luật này; 

b) Mời cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác đến hỗ trợ cấp cứu; 

c) Chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp.  

Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm ưu tiên mọi điều kiện về nhân lực và phương tiện tốt nhất cho việc cấp cứu người bệnh. 

 Đối với vụ việc người đàn ông ở TP. Dĩ An tử vong, luật sư Bình cho rằng nếu cơ quan chức năng xác định nguyên nhân tử vong là do các bệnh viện từ chối có thể xem xét trách nhiệm hình sự.

Ngày 16/8, UBND TP.Dĩ An cho biết, sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thành phố đã tiến hành mời 5 cơ sở y tế mà người dân phản ánh không tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu khiến ông N.D (tạm trú phường Tân Đông Hiệp) tử vong vào ngày 14/8.

Tại buổi làm việc, đại diện 5 cơ sở y tế đã nhận một phần trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc đáng tiếc và gửi lời chia buồn đến gia đình bệnh nhân.

Tuy nhiên, các cơ sở này cho rằng, về mặt khách quan, do bệnh nhân trở nặng và các cơ sở y tế không đủ năng lực, thiết bị y tế để chữa trị, đồng thời nhiều y - bác sĩ được điều động tham gia chống dịch dẫn đến thiếu nhân lực trong khám chữa bệnh tại cơ sở.

Qua sự việc trên, TP.Dĩ An yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân, ngoài tham gia phòng chống dịch bệnh, cần tiếp tục đồng hành cùng ngành y tế địa phương hỗ trợ kịp thời công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

Đặc biệt là cấp cứu các ca bệnh nặng trong phạm vi năng lực điều trị, các cơ sở y tế tư nhân tuyệt đối không từ chối nhận bệnh nhân với bất cứ lý do nào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem