Vào thời nhà Thanh, một vụ án kỳ lạ đã xảy ra, tai tiếng của nó lớn đến nỗi thậm chí còn kinh động tới hoàng đế Càn Long. Chuyện xảy ra trong một yến tiệc sau khi cáo lão về quê của viên quan đại thần họ Lương. Được biết, ông cũng là một trọng thần được hoàng đế yêu quý.
Những người đến dự buổi tiệc đều là những quan lại có chức tước cao trong triều đình. Không ngờ, tiệc vừa bắt đầu chưa lâu thì nhiều khách mời ôm bụng vật vã, có người còn gục chết ngay tại chỗ. Vì chủ nhà và khách mời đều là quan chức, quý tộc có địa vị cao nên vụ án này đã thu hút sự chú ý của của dân chúng và triều đình.
Hơn chục quan khách đã chết trong khi dùng bữa nên vụ việc này đã trở thành vụ án lớn. Huyện lệnh vô cùng lo lắng, nếu không giải quyết đến nơi đến chốn, ông ta có thể mất chức. Vì thế ông không dám để xảy ra bất cứ sai sót nào. Ông lập tức dẫn thuộc hạ đến hiện trường điều tra.
Họ gói ghém toàn bộ số thực phẩm đã sử dụng ngày hôm đó về để kiểm tra, nhưng dù họ có thử cách nào cũng không tìm thấy chất độc trong thức ăn. Huyện lệnh còn cẩn thận mua hai con chó lớn về và cho chúng ăn thử thức ăn của bữa tiệc nhưng sau khi ăn hết, chúng cũng không có biểu hiện gì bất thường mà vẫn rất khỏe mạnh.
Tuy nhiên, có một điểm mà huyện lệnh luôn cảm thấy rất khó hiểu là hôm diễn ra yến tiệc có rất đông quan khách nhưng chỉ có một số người chết vì độc, trong khi có nhiều người lại không có biểu hiện gì. Vụ án này cuối cùng được bẩm báo lên triều đình, khiến vua Càn Long rất tức giận. Càn Long đã hạ lệnh cho huyện lệnh thời hạn 7 ngày để giải quyết triệt để vụ án.
Huyện lệnh quay về liền ra lệnh cho thuộc hạ rà soát một lần nữa các mối quan hệ của Lương đại thần. Thế nhưng, ông không thể tìm ra ai có mâu thuẫn tới mức phải ra tay tàn độc như vậy. Thấy không còn cách nào khác, huyện lệnh đành tống giam tất cả người hầu cận của đại thần để tra khảo kỹ càng mong tìm ra hung thủ thực sự.
HUNG THỦ BẤT NGỜ LỘ DIỆN
Thời hạn hoàng đế cho không còn nhiều, huyện lệnh đã tìm rất nhiều ngỗ tác (tên gọi của pháp y thời bấy giờ) tới khám nghiệm nhiều lần với hy vọng tìm ra manh mối. Sau nhiều lần khám nghiệm, một ngỗ tác đã có phát hiện mới.
Theo vị ngỗ tác này, khu vực tổ chức yến tiệc vốn là trong khu vườn của phủ đại thần, vốn đã được xây dựng từ rất lâu. Lương đại thần đã nhậm chức và sinh sống ở Bắc Kinh nên phủ không được quét dọn. Sau khi Lương đại thần về quê, ông liền ra lệnh tổ chức yến tiệc ở trong vườn.
Do gia nhân trong phủ đại thần không quét dọn cẩn thận nên trên cây vẫn còn mạng nhện giăng đầy. Vì thế, vị ngỗ tác này đã đưa ra một giả thuyết táo bạo dựa trên cuốn "Thiên ti chi độc" là những người bị chết đều là do trúng độc từ tơ nhện.
Theo những ghi chép trong "Thiên ti chi độc", một số loài nhện có độc tính rất mạnh, mạng nhện do chúng giăng cũng rất độc. Có thể trong bữa tiệc, mạng nhện đã bị gió thổi bay vào rượu và tan chảy ngay sau đó. Các vị quan khách uống rượu nên đã bị trúng độc.
Huyện lệnh nghe có lý liền ra lệnh thuộc hạ lấy một ít tơ nhện trên cây hòa với rượu rồi cho chó uống. Sau khi uống, con chó liền lăn ra chết. Ông lấy số rượu còn sót lại trước đó mang đi thử độc, quả nhiên xác định có độc tính rất mạnh. Vậy là vụ án đã được giải quyết nhanh chóng. Hóa ra kẻ sát nhân thực sự chỉ là... mạng nhện.
Thật may mắn, nhiều người đến dự tiệc vốn không thích uống rượu nên đã thoát được một đại nạn. Lúc này, huyện lệnh và mọi người mới hiểu lý do vì sao một số quan khách lại bình an. Cuối cùng, những người hầu của Lương đại thần đã được giải oan. Càn Long đã kết luận vụ án chỉ là sự cố bất ngờ; đáng tiếc là những vị quan khách đã chết một cách vô tội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.