Vụ án dâm ô với trẻ em ở Lai Châu: Nhiều tình tiết cần làm sáng tỏ

Thứ ba, ngày 28/06/2011 10:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 9.12.2010, anh Chài, bố cháu Thoa, có đơn trình báo với Công an huyện Than Uyên về việc anh Tuyên - giáo viên chủ nhiệm lớp 3 có hành vi dâm ô với cháu Thoa - học sinh của anh Tuyên, vào chiều ngày 6.12.2010 tại lớp học.
Bình luận 0

Ngày 9.12.2010, anh Nguyễn Văn Chài - bố cháu Nguyễn Thị Thoa (SN 2002) có đơn trình báo với Công an huyện Than Uyên về việc anh Phạm Văn Tuyên - giáo viên chủ nhiệm lớp 3 Trường Tiểu học Bản Lun, xã Tà Mung, huyện Than Uyên, có hành vi dâm ô với cháu Thoa - học sinh của anh Tuyên, vào chiều ngày 6.12.2010 tại lớp học.

Công an huyện Than Uyên sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Văn Tuyên để điều tra. Ngày 10.6.2011, TAND huyện Than Uyên đã xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên Phạm Văn Tuyên phạm tội "Dâm ô với trẻ em" và kết án 4 năm 6 tháng tù giam đồng thời buộc Tuyên bồi thường danh dự, nhân phẩm cho em Nguyễn Thị Thoa.

img
Người nhà bị cáo Tuyên đau khổ và cho rằng Tuyên bị xử oan.

Gia đình anh Tuyên cho rằng toà xử như vậy là không có căn cứ bởi chứng cứ duy nhất để kết tội anh Tuyên ngoài những lời khai của gia đình cháu Thoa thì chỉ có bản giám định pháp y tình dục số 06 ngày 7.3.2011 của tổ chức giám định pháp y tỉnh Lai Châu kết luận: "Màng trinh của cháu Thoa bị rách 1/3 ở vị trí 9 giờ, 3 giờ; chưa rách tới gốc màng trinh".

Nhưng căn cứ này không thỏa đáng vì: Vụ việc (nếu có) xảy ra vào ngày 6.12.2010 nhưng mãi đến đầu tháng 3.2011 mới giám định thì kết quả có chính xác? Những lời khai của nạn nhân Thoa cũng như người nhà nạn nhân và những người được nghe kể lại vụ việc (từ Thoa) ghi trong hồ sơ vụ việc có nhiều mâu thuẫn về thời gian, nhân sự, địa điểm; không có nhân chứng chứng kiến trực tiếp vụ dâm ô này.

Thêm vào đó, tại phiên tòa ngày 10.6, anh Nhượng là người phiên dịch từ tiếng phổ thông ra tiếng dân tộc và ngược lại cho những người không biết tiếng phổ thông tham gia tố tụng, tuy nhiên anh Nhượng dịch sai, dịch không khách quan và đại diện Viện KSND đã đề nghị thay người phiên dịch khác. Nhưng theo gia đình bị cáo, anh Nhượng cũng là người phiên dịch trong suốt quá trình điều tra, truy tố, vậy sự phiên dịch của anh Nhượng có đảm bảo được tính khách quan của vụ án?

Với những cơ sở trên, bị cáo đã làm đơn kháng án và gia đình bị cáo đã có đơn kêu oan. Thiết nghĩ, các ngành chức năng tỉnh Lai Châu cần làm sáng tỏ những vấn đề bị cáo và gia đình bị cáo phản ánh để bản án của tòa tuyên phạt đúng người, đúng tội; đảm bảo công bằng xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem