Vụ án kỳ quặc tại Trung Quốc: "Thủ phạm" trở thành thương nhân giàu có

Thứ hai, ngày 16/08/2021 14:34 PM (GMT+7)
Vụ án kỳ quặc tại Trung Quốc khi "thủ phạm" sau khi tự thú lại trở thành thương nhân giàu có. Câu chuyện diễn ra thế nào?
Bình luận 0

Ở Sa Thổ Tập (Sơn Đông) có người họ Mã, tuy xuất thân nghèo khổ nhưng tướng mạo tuấn tú, nếu được mặc trang phục sang trọng thì không khác gì công tử của gia tộc lớn.

Do vậy nên họ Mã được cha mẹ yêu chiều từ nhỏ, dù gia cảnh không khá giả nhưng lại không phải làm nông, năm 13 tuổi bèn được lên huyện lỵ để theo người cậu học buôn bán.

Cậu của họ Mã là chủ một hàng thuốc trong thành, cuộc sống tương đối giàu có. Người cậu ngày thường chăm chỉ làm ăn, khi nhàn rỗi thường uống rượu. Họ Mã vì thế sau khi đến học việc cũng thường được sai đi lấy rượu. Đối diện hàng thuốc có một quán rượu, ông chủ họ Thôi, xét ra cũng là thân thích với cậu của họ Mã dù chỉ là họ hàng xa.

Ông chủ Thôi có vợ Văn Thị, tuy tuổi đã gần trung niên nhưng nhan sắc cũng còn lưu mấy phần. Họ Thôi tuy là chủ quán rượu nhưng hầu hết việc kinh doanh là do vợ quản lý.

Bà chủ họ Văn không chỉ có nhan sắc bên ngoài mà trong lòng cũng còn nhiều ý phong lưu. Khi họ Mã mới đến hàng thuốc của cậu, Văn Thị vì thấy người thanh niên có chút phong độ nên vô cùng thích thú.

Mỗi lần họ Mã đi lấy rượu cho cậu, Văn Thị lại rót đầy một ít. Người cậu dần dần thấy được ý tứ đằng sau nên giao hẳn việc đi lấy rượu cho họ Mã. Từ đấy, mỗi ngày bà chủ hàng rượu được gặp họ Mã một lần.

Ngắm nhìn người có ngoại hình trẻ đẹp cũng là sở thích của con người, vốn không có gì để bàn. Nếu chỉ xét thị giác mà nói thì nhìn ngắm người đẹp và cảnh đẹp không có nhiều khác biệt, cả hai đều là cái đẹp làm vui lòng người.

Tuy vậy đối với con người, nhiều hơn một cái nhìn cũng là nhiều hơn một câu chuyện. Văn Thị từ nhìn ngắm họ Mã mà trong lòng nảy sinh ý đồ bất chính. Năm họ Mã 18 tuổi, họ Văn đã dùng nhiều thủ đoạn mà đạt được ý đồ nơi khuê phòng.

Họ Mã vốn đang tuổi thiếu niên, khó lòng mà ngăn cản được sức dụ dỗ của người như Văn Thị. Việc được một lần thì sẽ không khó để có trăm nghìn lần sau. Từ ấy họ Mã và bà chủ họ Văn trở thành một cặp "vợ chồng" bí mật. Do tuổi tác chênh lệch mà cả hai đều giấu kín kẽ nên suốt một thời gian dài sự việc không bị phát giác.

Có một lần họ Mã cùng phụ việc trong hiệu ra ngoài chơi bời, được nửa đường thì gặp mưa to gió lớn. Họ Mã bị lạc đường nên đến khi quay về thì hiệu thuốc đã đóng cửa. Vì sợ người cậu trách mắng nên họ Mã cứ quanh quẩn bên ngoài.

Đúng lúc ấy quán rượu đối diện đang dọn dẹp, Văn Thị thấy họ Mã bên ngoài liền gọi vào. Hôm ấy ông chủ Thôi có việc đi xa, họ Văn bèn đưa họ Mã lên lầu, để họ Mã ở lại. Không ngờ ông chủ Thôi đi được nửa đường thì gặp mưa nên quay về. Nghe thấy tiếng gõ cửa bên ngoài khiến họ Mã kinh hãi không ngừng. Trong khi đó Văn Thị lại rất bình tĩnh, trấn an rồi dặn họ Mã lẩn trốn rồi đi xuống mở cửa như không có gì xảy ra.

Họ Mã tranh thủ lúc Văn Thị xuống đón chồng đã lẻn ra ngoài lúc nào không hay. Ông chủ Thôi do đường xa mệt mỏi nên về đến nhà một lúc liền ngủ say. Họ Mã lúc trốn hoảng hốt nên để rơi mũ bên trong.

Đợi ông chủ Thôi ngủ say, Văn Thị liền mở cửa sổ kiểm tra họ Mã ở đâu. Họ Mã thấy cửa sổ mở liền ra dấu cho họ Văn ném mũ của mình xuống.

Không ngờ Văn Thị lại hiểu sai ý thành giết người diệt khẩu nên bèn lấy dao sát hại ông chủ Thôi rồi gọi họ Mã vào. Họ Mã thấy ông chủ Thôi bị giết thì hồn bay phách lạc.

Văn Thị lại trấn an rằng như vậy cũng tốt, từ nay có thể chung sống lâu dài mà không biết rằng họ Mã chẳng những không có ý này mà ngược lại còn thấy lương tâm cắn rứt, sợ hãi tinh nhân quá tàn nhẫn.

Họ Mã càng nghĩ càng thấy sợ. Sống với người phụ nữ như thế này liệu có khác gì làm bạn với hổ. Nghĩ là làm, tranh thủ họ Văn sơ ý, họ Mã lập tức vung dao sát hại tình nhân rồi vội vàng chạy về quê. Họ Mã vừa rời đi một lúc thì có một thợ mộc đi qua quán rượu. Người thợ mộc vốn có ý với Văn Thị, khi đi qua thấy quán rượu không khóa cửa bèn lén lút đi vào.

Biết trước ông chủ Thôi có việc đi xa, người thợ mộc vốn mang ý tình tứ đến để gặp Văn Thị, không ngờ khi bước vào thì lại thấy trong nhà là hai thi thể.

Người thợ mộc thấy cảnh trước mặt thì nhanh chóng bỏ chạy mà không để ý trong lúc hoảng loạn đã vô tinh dẫm vào vết máu đọng trên sàn. Do vậy, đến khi vụ án được phát hiện thì người thợ mộc bị xem là hung thủ giết người.

Vụ án kỳ quặc tại Trung Quốc: "Thủ phạm" sau khi tự thú lại trở thành thương nhân giàu có - Ảnh 1.

Dụng cụ tra tấn trong nha môn. Nguồn: Sohu

Người thợ mộc dù không giết ông chủ Thôi và Văn Thị nhưng vẫn bị quy là kẻ giết người và bị kết án tử hình do sự tra tấn bức cung của quan huyện. Họ Mã ở nhà vài ngày, rồi quay lại hiệu thuốc của người cậu.

Người cậu kể lại cho Mã tường tận việc vợ chồng chủ quán rượu đối diện bị giết, kẻ sát nhân là một thợ mộc và sẽ nhanh chóng bị xử tử. Họ Mã bàng hoàng rồi thú thật với cậu bản thân đã giết Văn Thị.

Quyết tâm tự thú

Người cậu vội bịt miệng cháu lại, mắng Mã là kẻ liều mạng. Dù vậy, khi đã biết tin người thợ mộc bị oan, Mã vẫn quyết định chạy ngay đến huyện nha tự thú. Sau khi tra rõ nguyên cố, quan huyện đã miễn cho họ Mã án tử nhưng vẫn phải chịu tội nặng. Còn người thợ mộc tuy được phán vô tội nhưng vẫn bị răn đe vì đã toan làm điều bất chính.

Trong Hán Văn, cấu tạo của chữ "Sắc" có một chữ "Đao" bên trên như ngụ ý về một hung khí có thể giết ngưòi. Kết cục của Văn Thị là thích đáng còn ông chủ Thôi thì lại thật oan ức. Người thợ mộc vừa thoát khỏi án oan nhưng cũng đã được cảnh cáo một lần để chừa thói xấu. Riêng Mã có bài học nhớ đời để từ đó chuyên tâm hành thiện.

Vụ án kỳ quặc tại Trung Quốc: "Thủ phạm" sau khi tự thú lại trở thành thương nhân giàu có - Ảnh 2.

Hình minh họa: trên "Sắc" có "Đao". Nguồn: Sohu

Sau vụ án, cậu của Mã đã bỏ rượu. Còn họ Mã sau khi ra tù đã chăm chỉ học cách kinh doanh và trở thành thương nhân giàu có ở địa phương. Sau khi thành công, Mã không bị phạm vào thói "Vi Phú Bất Nhân" (người giàu thì không có lòng nhân.) mà thường ra tay cứu giúp người nghèo.

Vào một năm, khi có bệnh dịch bùng phát, Mã đã không ngần ngại quyên góp gia sản để phát thuốc cứu tế cho người dân. Sau trận dịch, nguyên tài sản của Mã có mười phần thì chỉ còn lại hai. Nhưng cũng vì thế mà Mã được quan phủ ghi công chống dịch, được miễn thuế ba năm.

PV (Theo Trí Thức Trẻ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem