Vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam: Biến không thành có, hợp thức hóa hồ sơ phương tiện xe cơ giới cải tạo

Chinh Hoàng - Diệu Bình Chủ nhật, ngày 14/07/2024 06:33 AM (GMT+7)
Để hợp thức hóa hồ sơ đối với những phương tiện không đáp ứng yêu cầu, đăng kiểm viên ở các trung tâm TP.HCM dùng đủ phương thức để biến không thành có, sau đó họ phân công nhiệm vụ nghiệm thu phương tiện xe cơ giới cải tạo.
Bình luận 0

TAND TP.HCM sắp xét xử 254 bị can trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong đó gồm 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng. Phiên xét xử dự kiến diễn ra vào ngày 18/7 tới.

Chủ xe liên hệ với các đăng kiểm viên bàn "chiêu" hợp thức hóa hồ sơ

Theo cáo trạng, tại Trung tâm Đăng kiểm 50-03V (TP.Thủ Đức, TP.HCM), các đăng kiểm viên Nguyễn Trọng Nghĩa, Vũ Văn Nguyên và Trần Phương Vũ được phân công nhiệm vụ nghiệm thu phương tiện xe cơ giới cải tạo.

Vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam: Biến không thành có, hợp thức hóa hồ sơ phương tiện xe cơ giới cải tạo - Ảnh 1.

Các lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm thời điểm bị khởi tố. Ảnh: CACC

Thực tế, nhiều chủ phương tiện tự cơi nới tại các cơ sở không được cấp phép thi công, cải tạo, nên không được cấp hồ sơ xuất xưởng (gồm biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo và Văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo) và không thể nghiệm thu được.

Vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam: Biến không thành có, hợp thức hóa hồ sơ phương tiện xe cơ giới cải tạo - Ảnh 2.

Bị can Trần Kỳ Hình (nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam). Ảnh: CACC

Các chủ phương tiện đã liên hệ, thỏa thuận đưa tiền hối lộ cho đăng kiểm viên để hợp thức hồ sơ xuất xưởng và tiến hành nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.

Theo cáo trạng, vì có quen biết với Nguyễn Bá Chiêu là Giám đốc Công ty TNHH ô tô Hiền Phước, đăng kiểm viên Nguyễn Trọng Nghĩa đã thỏa thuận với Chiêu làm khống hồ sơ xuất xưởng cải tạo để hợp thức hóa hồ sơ nghiệm thu phương tiện xe cơ giới cải tạo.

Chiêu đưa sẵn mẫu biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo và văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo cho Nghĩa để điền thêm nội dung rồi in ra. Sau đó, Chiêu mang theo con dấu của Công ty ô tô Hiền Phước đến ký và đóng dấu vào tài liệu trên. Mỗi hồ sơ cải tạo miễn thiết kế, Nghĩa nhận hối lộ 1 triệu đồng/phương tiện, đưa cho Chiêu 200.000 đồng/phương tiện.

Đối với phương tiện cải tạo có thiết kế, phần lớn khi nghiệm thu tại Trung tâm Đăng kiểm 50-03V không có sự tham gia của đại diện cơ sở thi công, nên chủ phương tiện phải đưa cho Nghĩa số tiền 1,5 triệu đồng/phương tiện để được nghiệm thu. Các đăng kiểm viên sẽ giả chữ ký của đại diện cơ sở thi công để hợp thức hóa hồ sơ nghiệm thu.

Tại Trung tâm Đăng kiểm 50-06V (quận 7, TP.HCM) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đối với phương tiện cải tạo miễn thiết kế, các đăng kiểm viên của Trung tâm sẽ làm việc với Lương Duy Tựu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Cơ khí ô tô Liên Tựu (đơn vị có chức năng thi công cải tạo), để mua hồ sơ do Tựu ký khống trên tờ giấy A4 trắng, nhằm hợp thức hóa hồ sơ nghiệm thu với số tiền 250.000 đồng/bộ.

Còn đối với phương tiện cải tạo có thiết kế, khi nghiệm thu, các đăng kiểm viên sử dụng tài liệu giả để thực hiện nghiệm thu 245 phương tiện cải tạo có bản vẽ thiết kế do Phòng Kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR) thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định thiết kế. Khi nghiệm thu cải tạo các phương tiện có thiết kế, thì các đăng kiểm viên nhận hối lộ của chủ phương tiện từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng ngoài các loại phí theo quy định.

Tại cơ sở An Phú Đông của Trung tâm Đăng kiểm 50-05V, đăng kiểm viên được phân công phụ trách nghiệm thu phương tiện xe cơ giới cải tạo còn móc nối, nhận hối lộ của người phụ trách đăng kiểm xe của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp quốc tế Á Châu, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp An Thái… để hợp thức hóa hồ sơ nghiệm thu cải tạo với giá 700.000 đồng/hồ sơ phương tiện miễn thiết kế.

Các lãnh đạo đều biết nhưng im lặng để chia tiền

Vẫn theo cáo trạng, giám đốc, phó giám đốc các trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM đều biết và cho phép thực hiện việc này. Sau khi chia tiền cho các đầu mối bên ngoài, thì số tiền đăng kiểm viên nhận hối lộ sẽ được chia đều cho giám đốc, phó giám đốc và các nhân viên của trung tâm.

Theo cơ quan công tố, vụ việc được phát hiện năm 2022 tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Chi cục Đăng kiểm, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Trong vụ án này có 254 bị can bị đề nghị truy tố nhóm 11 tội danh: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác; sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tham ô tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem