Kỳ cuối: Nàng Mona Lisa tái xuất
Trong thời gian này, vẫn có thông tin nói rằng bức tranh đã được nhìn thấy hoặc được rao bán, nhưng không ai tìm được bức tranh.
Kẻ trộm tranh xuất hiện
Chân dung Vincenzo Perugia – người ăn cắp bức tranh Mona Lisa. Ảnh: Wikipedia
Mãi tới tháng 11/1913 mới có manh mối thực sự. Khi đó, nhà buôn tranh nghệ thuật Alfredo Geri ở Florence, Italy đã nhận được một bức thư từ người tự xưng là Leonard. Leonard nói đang giữ bức Mona Lisa và muốn gặp để bán. Sau khi trao đổi thư từ, ông Geri đã tham khảo Giovanni Poggi ở phòng tranh Uffizi ở Florence. Ông Poggi có ảnh chụp chi tiết bức Mona Lisa thật và điều quan trọng nhất là mấy ảnh chụp những vết rạn do bức tranh khô đi sau nhiều thế kỷ. Ngoài ra, còn một số dấu vết ở mặt sau bức tranh mà ít người biết. Với những bức ảnh này, họ có thể dễ dàng biết bức Mona Lisa họ nhìn có phải là thật hay chỉ lại là một bức tranh giả trong vô số bức tranh đã ra đời từ khi Mona Lisa bị đánh cắp.
Sau nhiều lần trì hoãn, Leonard đồng ý gặp Geri và Poggi. Tuy nhiên, trước cuộc gặp đã định, Leonard lại xuất hiện đột ngột ở phòng tranh của Geri. Khi ở đó, anh ta khẳng định mình có bức Mona Lisa và biết rằng đó là tranh thật. Khi được hỏi sao có thể chắc chắn thế, anh ta tiết lộ rằng chính anh ta là người đã lấy tranh khỏi Bảo tàng Louvre. Khi Geri hỏi Leonard có trộm bức tranh một mình không, anh ta nói lấp lửng, nửa có nửa không và dường như nghiêng về “có”. Sau đó, họ thỏa thuận giá để Leonard bán bức tranh với giá 500. 000 lire (2 triệu USD) cho Chính phủ Italy – cuộc món hời vì báo chí thời đó ước tính Mona Lisa phải có giá gấp 10 lần thế.
Về sau, Geri và Poggi gặp Leonard tại khách sạn nơi Leonard ở. Tại đây, anh ta kéo ra một cái rương màu trắng. Khi Leonard mở ra, không thấy bức Mona Lisa nào cả, càng khiến Geri thêm ngờ rằng toàn bộ câu chuyện là trò lừa đảo vì cả cái rương dường như chỉ đựng mấy thứ đồ linh tinh: giày hỏng, mũ rách, mấy mảnh vải, vài cây cọ vẽ…
Nhưng dưới lớp đáy giả của chiếc rương, Leonard tháo ra một vật bọc lụa đỏ. Geri kể lại: “Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, bức tranh Mona Lisa xuất hiện, được bảo quản nguyên vẹn và tuyệt vời”.
Hai người thuyết phục Leonard đi với họ tới phòng tranh Uffizi để so sánh bức tranh với những tấm ảnh để khẳng định đó đúng là bức Mona Lisa đã mất tích. Khi so sánh, họ thấy mọi thứ khớp hoàn hảo. Đó đúng là Mona Lisa thật.
Hai chuyên gia sau đó đề nghị Leonard để bức tranh tại phòng tranh và về khách sạn để họ tìm cánh xoay tiền. Thay vì đi gom tiền, hai ông đã báo cảnh sát để họ bắt Leonard tại khách sạn gần như ngay khi anh ta vừa về phòng.
Về phần Geri, ông nhận được khoản tiền thưởng ít ỏi 25.000 franc (khoảng 110.000 USD ngày nay) từ Bảo tàng Louvre và được Chính phủ Pháp trao huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Tất nhiên, ông Geri đã kiện Chính phủ Pháp, đòi 10% giá trị bức tranh nhưng tòa án Pháp đã bác yêu cầu.
Tình tiết vụ trộm
Không rõ Perugia ăn trộm bức tranh một mình hay có tòng phạm. Ảnh: nationaltrotguide
Vậy Leonard thực sự là ai và tại sao anh ta có thể giữ Mona Lisa? Leonard có tên thật là Vincenzo Perugia, sinh ra ở Italy. Khi hơn 20 tuổi, anh ta tới Paris sống cùng anh em. Anh ta thường xuyên gặp rắc rối với pháp luật với những vụ kiểu như cướp tiền của một cô gái điếm và phải vào tù. Ngoài lúc ở tù, anh ta thường làm mấy việc vặt trong công trường xây dựng.
Leonard được cho là đã hỗ trợ làm giá bảo vệ tranh Mona Lisa. Công việc này được thực hiện vào năm 1910 sau khi các quan chức bảo tàng nhận được bức thư có nội dung đe dọa sự an toàn của tranh Mona Lisa. Sau đó, bảo tàng làm hợp đồng với một công ty tên là Cobier để làm khung bảo vệ có mặt kính nhằm đảm bảo an toàn cho một số bức tranh có giá trị. Khi đó, Perugia tình cờ làm việc cho Cobier và anh ta làm tại Bảo tàng Louvre từ tháng 10/1910 tới tháng 1/1911, giúp anh ta có điều kiện cực kỳ quen thuộc với bảo tàng.
Về vấn đề đánh cắp bức tranh Mona Lisa, nhiều chi tiết vẫn mơ hồ vì lời khai của Perugia mỗi lúc mỗi khác. Hắn khai khác nhau khi bị thẩm vấn và khi bị xét xử trước tòa. Một số điểm trong lời khai còn không hề có lý. Tất cả đều khiến dư luận tò mò vì hắn ta đã thú nhận tội ăn cắp bức tranh với cả ông Geri và giới chức nên không có lý do gì phải nói dối về cách ăn cắp bức tranh, trừ khi hắn ta định bảo vệ những người khác có thể dính líu.
Câu chuyện nói chung là Perugia lẻn vào tủ chứa đồ gần đó vào chủ nhật và ngủ qua đêm trong tủ. Sau khi ra khỏi tủ vào thứ hai, hắn mặc áo khoác ngoài màu trắng để trà trộn vào nhóm công nhân. Hắn khai với cảnh sát là muốn lấy cắp Mona Lisa vì đó là bức tranh bé nhất và dễ mang đi nhất. Hắn chỉ cao 1,6 mét.
Perugia sau đó đã tìm cách nhấc được cả khung tranh và bức tranh nặng tổng cộng 91kg ra khỏi tường. Do nó khá nặng nên một số người đồn đoán hắn ta không hành động một mình. Một trong những lý do khiến các quan chức bảo tàng không bắt chặt bức tranh vào tường là để dễ dàng gỡ tranh ra khi có cháy.
Hắn khai đã gỡ khung tranh, bọc vải trắng quanh tranh và giấu bức tranh kích thước 53x76cm dưới áo khoác cho dù bức tranh dài bằng nửa chiều cao của hắn và to hơn người hắn. Chi tiết này cũng khiến mọi người nghi ngờ. Lý do hắn không thể cuộn tranh là vì đây là tranh vẽ trên các mảnh gỗ chứ không phải vải.
Khi đi xuống cầu thang tầng 1, Perugia gặp vấn đề lớn: cửa ở tầng này bị khóa và chìa khóa mà hắn lấy không dùng được. Hắn dùng tua vít mang theo để tìm cách tháo tay nắm cửa. Đang làm dở thì bị một thợ mộc tên là Sauvet phát hiện. Tuy nhiên, rõ ràng là thợ mộc này không nghi ngờ gì cho dù nhìn thấy tay nắm cửa bị phá và đám bùng nhùng dưới áo khoác của Perugia.
Perugia sau đó rời bảo tàng nhân lúc bảo vệ ở cửa chính rời vị trí một lúc để lấy xô nước cọ rửa hành lang. Khi đã ở bên ngoài, Perugia ném tay nắm cửa và về nhà. Sau này, cảnh sát đã tìm thấy chiếc tay nắm cửa.
Perugia quyết định không rời Paris cùng bức tranh khi tình hình vẫn nóng. Hắn chờ 28 tháng sau mới mang nó về Italy trong chiếc rương có ngăn bí mật. Dù bị nghi ngờ có người giúp nhưng hắn khẳng định ăn cắp bức tranh một mình và chỉ muốn trả Mona Lisa về đúng quê nhà Italy. Perugia hình như hiểu nhầm rằng bức tranh bị Napoleon lấy trộm và đưa tới Pháp. Trong thực tế, họa sĩ Italy da Vinci đã mang tranh tới triều đình Pháp vài trăm năm trước thời Napoleon và trợ lý của họa sĩ đã bán tranh cho Vua Francis I. Sau cách mạng, Mona Lisa trở thành tài sản của chính phủ Pháp mới.
Mặc dù dư luận Italy dường như tập trung vào khía cạnh yêu nước mà Perugia khai, thậm chí một số còn coi hắn là anh hùng, nhưng thẩm phán xét xử không bận tâm. Hắn bị kết án tương đối nhẹ: 1 năm và 15 ngày tù giam. Khi kháng cáo, luật sư tìm cách giảm án cho hắn còn 7 tháng.
Vì Perugia đã bị giam giữ hơn thời gian 7 tháng kể từ khi bị bắt, nên hắn ngay lập tức được thả và lại trở về Pháp sống nốt phần đời còn lại. Hắn chết năm 1925 khi mới 44 tuổi.
Về phần tranh Mona Lisa, ban đầu Chính phủ Italy tranh luận xem có nên trả lại tranh cho Pháp hay giữ lại. Về sau, họ quyết định trao cho Đại sứ Pháp. Để cảm ơn, Chính phủ Pháp đã cho treo tranh Mona Lisa trong một số bảo tàng Italy rồi mới lấy lại.
Sau vụ trộm, Mona Lisa đã trở thành bức tranh nổi tiếng nhất và có giá trị nhất thế giới. Bảo tàng Louvre đã đón 100.000 người tới xem tranh chỉ trong hai ngày đầu khi tranh được trả về. Đây là lượng khách tới thăm bảo tàng thuộc hàng đông nhất từ trước tới nay.
Thùy Dương (Báo tin tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.