Từ vụ bé trai 3 tuổi bị nhốt trong tủ cấp đông: Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con?

Tào Nga Thứ hai, ngày 15/08/2022 19:00 PM (GMT+7)
Chỉ cần chậm vài phút là bé trai bị nhốt trong tủ cấp đông có thể nguy hiểm đến tính mạng. Qua vụ việc này, chuyên gia đã có những cảnh báo tới cha mẹ.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin về vụ bé trai 3 tuổi bị nhốt vào tủ cấp đông ở Hà Nam, hiện tại bé trai được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu kịp thời, sức khỏe ổn định. Nghi phạm liên quan đến việc nhốt bé đã bị bắt giữ và bàn giao cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam.

Theo lời khai của nghi phạm, chỉ vì cháu bé hỏi nhiều khiến mình cảm thấy phiền nên đã đánh và nhốt cháu vào tủ đông. Đây là một lý do khiến dư luận sốc và bàng hoàng. Qua đây, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm, bảo vệ con chặt chẽ hơn. 

Vụ bé trai bị nhốt trong tủ cấp đông: Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con? - Ảnh 1.

Bé trai bị nhốt trong tủ đông hiện sức khỏe đã ổn định. Ảnh: PV

Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con cái nhân vụ việc bé trai 3 tuổi bị nhốt vào tủ đông?

Trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: "Dường như cuộc sống bận rộn trở lại sau đại dịch đang làm cho nhiều gia đình lơ là, bất cẩn với trách nhiệm chăm sóc con cái của mình. Các nghiên cứu cho thấy sau đại dịch, bên cạnh nhiều vụ việc bạo lực trẻ em trong gia đình tăng lên thì số vụ việc tai nạn của trẻ do cha mẹ thiếu theo dõi và bỏ mặc trẻ cũng tăng khoảng 15%. 

Đọc tin về vụ việc bé trai 3 tuổi bị nhốt vào tủ đông, quả thực tôi cảm thấy sốc. May mắn là tình huống xấu nhất chưa xảy ra, tuy nhiên chúng ta cần nhận thức thật rõ những nguy cơ mà nhiều cha mẹ đang mắc phải. Đó là sự lơ là trách nhiệm làm cha mẹ. 

Tùy theo sự phát triển của lứa tuổi, khi đứa trẻ có được các kỹ năng nhận diện tình huống nguy hiểm, biết cách ứng xử phù hợp với các tình huống gặp người lạ thì cha mẹ mới để cho con cái tự do khám phá môi trường xung quanh mà không có sự quan sát trực tiếp. 

Với trẻ 3 tuổi, thông thường trẻ phải được chơi trong môi trường an toàn (trong gia đình) hoặc nơi công cộng với sự giám sát (24/24) của một thành viên trong gia đình. Ở độ tuổi lên 3, trẻ sẽ có nhiều hành vi người lớn cho là "hư" nhưng lại là sự phát triển hết sức bình thường của lứa tuổi. Giai đoạn này các bé muốn tự làm mọi thứ nên sẽ tự tiện, không hỏi xin phép. Khi bị cản trở sẽ có những cơn bốc đồng tức giận không kiểm soát được. Đôi khi các em gây sự có "ý đồ" để tìm kiếm sự chú ý cũng là bình thường. 

Vì vậy, trẻ cần được quan tâm, uốn nắn với các quy tắc nề nếp rõ ràng và sự kiên nhẫn cùng tình thương. 

Với một số nước trên thế giới, ở độ tuổi này mà cha mẹ bỏ mặc trẻ không chú ý đến 30 phút hoặc để trẻ một mình với người lạ dẫn đến những tổn thương hoặc cái chết của trẻ thì cha mẹ cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thế nên, trách nhiệm của chúng ta là phải giám sát và bảo vệ những đứa trẻ thật an toàn.

Qua vụ việc này, các bậc phụ huynh cũng cần dạy con nguyên tắc để giữ an toàn trong môi trường một mình hoặc với người lạ. Cha mẹ cần biết con ở đâu, với ai mọi lúc. Phải quy định và dạy cho trẻ thói quen xin phép cha mẹ trước khi đi bất cứ đâu. Số điện thoại của bố và mẹ phải cho con thuộc để có thể tìm cách liên lạc. Cha mẹ cần chỉ ra những nơi nào an toàn để chơi, những lối đi nào an toàn để đi, một số nguyên tắc ứng xử ở nơi công cộng. Cha mẹ cũng cần dạy trẻ tin vào bản năng của mình, giải thích rằng nếu chúng không cảm thấy thoải mái hãy tránh càng xa càng tốt và tìm cách chạy về với các thành viên gia đình".

Đây là hành vi giết người

Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, hành vi của đối tượng dùng dây giày thít cổ và đưa cháu bé vào tủ đông khiến cháu bé bất tỉnh là hành vi giết người. 

Trong trường hợp đối tượng này hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình có thể nguy hiểm đến tính mạng của cháu bé nhưng vẫn cố ý thực hiện thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự, với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Qua vụ việc, luật sư Cường nhấn mạnh: "Tủ cấp đông là tủ chuyên dụng để bảo quản đồ tươi sống, có khoang rộng, chứa được nhiều thực phẩm, thông thường nhiệt độ là ở độ âm, có khi tới - 18 độ C. Một đứa trẻ ở độ tuổi 3-4 tuổi mà bị đưa vào tủ cấp đông một thời gian ngắn vài chục phút cũng có thể tử vong. Nếu trong tình trạng thương tích, bị trói thì tính mạng lại càng nguy hiểm hơn. 

Vụ việc cho thấy mối đe dọa đến trẻ em có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, với bất kỳ ai. Bởi vậy những bậc phụ huynh, cha mẹ có con nhỏ cần phải để ý, để mắt đến trẻ em, tránh việc các cháu bị tai nạn hoặc bị người lớn xâm hại. 

Với những đứa trẻ còn quá nhỏ, không nên để đứa trẻ rời khỏi tầm mắt của người lớn, có trách nhiệm trông coi, quản lý các cháu. Khi trẻ em tiếp xúc với người lạ thì phải hết sức thận trọng bởi nguy cơ các cháu bị xâm hại, bị gây tổn thương có thể xảy ra bất kỳ khi nào. 

Ngoài việc nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em thì các bậc phụ huynh cũng cần phải tạo điều kiện để rèn luyện kỹ năng sống, đặc biệt là các kỹ năng sinh tồn cho trẻ em để có thể nhận biết các tình huống nguy hiểm và biết cách tự bảo vệ mình trước những tình huống nguy hiểm, hoặc tìm cách kêu gọi hỗ trợ cứu giúp để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem