Vụ bệnh nhân bị cưa chân ở TP.HCM: Hòa giải bất thành

Ngọc Phạm Thứ sáu, ngày 12/08/2016 13:10 PM (GMT+7)
Bệnh viện không đồng ý hỗ trợ toàn bộ 818 triệu đồng như gia đình yêu cầu.
Bình luận 0

img

Quang cảnh buổi gặp giữa ban lãnh đạo bệnh viện và phía gia đình để thỏa thuận phương án hỗ trợ bệnh nhân Lâm.

Liên quan tới vụ việc bệnh nhân Lê Hoàng Lâm (27 tuổi, ngụ tỉnh Long An) bị cưa 1/3 dưới đùi chân phải sau khi điều trị ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, gia đình bệnh nhân và ban lãnh đạo bệnh viện đã có buổi làm việc vào sáng 12.8.

Đây là buổi gặp để chốt phương án hỗ trợ, bồi thường từ phía bệnh viện đối với bệnh nhân Lâm. Tham gia buổi gặp mặt còn có luật sư Lê Quang Vũ (đoàn luật sư TP.HCM) với vai trò hỗ trợ gia đình bệnh nhân Lâm, và luật sư Trần Sơn Đông với vai trò hỗ trợ đối ngoại cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.

Trước đó, tại buổi làm việc vào ngày 25.7, gia đình bệnh nhân Lâm đã đưa ra 5 yêu cầu bồi thường, gồm: Lắp chân giả (250 triệu đồng), bồi thường tinh thần (72 triệu đồng), thiệt hại kinh tế trong thời gian Lâm bị nạn (93 triệu đồng), chi phí hỗ trợ hướng nghiệp (một tiệm internet 20 máy tính với tổng trị giá 350 triệu đồng) và bồi thường tỉ lệ thương tật (53 triệu đồng), tất cả là 818 triệu đồng.

img

Bà Phạm Thị Kim Chi, mẹ của bệnh nhân Lâm đang phát biểu.

Trong buổi làm việc sáng 12.8, đại diện Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, ban lãnh đạo bệnh viện đã họp, xem xét và chốt mức hỗ trợ. Theo đó, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đã đặt hàng loại chân giả tốt tại Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM và sẽ hỗ trợ 150 triệu đồng để Lâm chuyển đổi nghề nghiệp.

“Trường hợp gia đình muốn mua chân giả từ nơi khác rồi mang hóa đơn về bệnh viện thanh toán thì bệnh viện không thể đáp ứng được”, đại diện Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM nói.

Về phía gia đình, bà Phạm Thị Kim Chi (mẹ của bệnh nhân Lâm) không đồng ý với mức bồi thường từ phía bệnh viện. Theo bà Chi, nếu Lâm không bị mất chân thì có thể kiếm được 300 - 400 triệu đồng chỉ sau vài mùa vụ dưa, hoặc Lâm cũng có thể đi bốc vác kiếm vài trăm ngàn đồng/ngày.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM giải thích thêm về trường hợp bệnh nhân Lâm: “Tất cả những kết luận không phải của bệnh viện mà là của hội đồng chuyên môn cấp sở. Lý do hội đồng chuyên môn cấp sở nói đây là trường hợp khó vì khớp gối đã được nắn và gây tê ở Bệnh viện Mộc Hóa nên không còn các biểu hiện lâm sàn. Ngoài ra, bệnh viện cũng không nhận được giấy chuyển viện của bệnh viện tuyến dưới”.

“Nếu Lâm tới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình kèm giấy chuyển viện của bệnh viện Mộc Hóa thì chắc chắn bác sĩ sẽ theo dõi thêm tổn thương mạch máu. Tổn thương này không biểu hiện liền mà cần phải theo dõi, khó là khó chỗ đó”, bác sĩ Linh thông tin trong cuộc gặp.

Nêu ý kiến tại cuộc gặp, luật sư Trần Sơn Đông dẫn một số điều khoản trong Luật khám chữa bệnh. Tuy nhiên, luật sư Lê Quang Vũ cho rằng: “Đây là một buổi hòa giải nên dùng những điều luật sẽ không thể giải quyết được. Những điều luật chỉ nên nêu ra nếu vụ việc được đưa ra cơ quan tố tụng”.

Buổi thỏa thuận không đạt được mục đích mong đợi nên luật sư Lê Quang Vũ thay mặt gia đình bệnh nhân Lâm cho biết: “Gia đình dự định sẽ tiếp tục đi bước tiếp theo là nhờ sự xem xét, giải quyết từ Bộ Y tế. Nếu chưa được, chúng tôi buộc phải nhờ tới công an hay các cơ quan tố tụng làm trung gian”.

Tối 21.6, Lâm bị ngã xe và được đưa tới Bệnh viện huyện Mộc Hóa (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) điều trị. Thấy chấn thương nặng, các bác sĩ đã chuyển Lâm lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An. Sau đó, ngay trong đêm 21.6, gia đình đưa Lâm lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.

Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, Lâm được bác sĩ K. chẩn đoán là chỉ bị “vết thương phần mềm” nên kê toa thuốc và cho về, hẹn tái khám sau một tuần. Ba ngày sau, chân của Lâm sưng to hơn, mất cảm giác và lạnh hơn. Lúc này, gia đình tức tốc đưa Lâm lên lại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM vào chiều 24.6.

Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM phát hiện ra vết thương ở chân Lâm trở nặng, phải chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó, các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy nhanh chóng hội chẩn, đưa ra đánh giá 1/3 dưới đùi chân phải đã bị hoại tử, phải phẫu thuật cắt bỏ ngay để bảo vệ tính mạng.

Sau ca phẫu thuật, Lâm thức dậy thì không còn tin vào mắt mình khi một phần chân đã không còn. Kể từ đó, những dự định, ước mơ sắp thực hiện lại càng trở nên xa vời trong suy nghĩ của Lâm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem