Vụ cá chết: Giúp ngư dân vơi bớt nước mắt

Phan Phương Thứ năm, ngày 28/04/2016 17:27 PM (GMT+7)
Cá chết hàng loạt, cuộc sống của ngư dân Quảng Bình đang đối diện với rất nhiều khó khăn. Trong những ngày qua, chính quyền các cấp ở Quảng Bình đã có những động thái kịp thời động viên, hỗ trợ ngư dân vơi bớt những giọt nước mắt, những khó khăn trước mắt...
Bình luận 0

20 ngày bó gối trước biển

Đã gần 20 ngày nay, chị Nguyễn Thị Niên (44 tuổi, thôn Cửa, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) phải ngồi bó gối ở nhà mà lòng như lửa đốt.

Chị Niên cho biết, nhà 6 miệng ăn, tất cả trông vào mẻ lưới bủa trong đêm của chồng chị là anh Mai Văn Luấn. Trước đây, khi chưa có hiện tượng cá chết bất thường, một đêm lênh đênh trên biển, anh Luấn cũng đánh bắt được gần 10kg cá các loại. Mỗi sớm mai, khi con thuyền nhỏ của anh Luấn cập bến, chị Niên sẽ là người chở số cá đó về tận chợ Đồng Hới (Quảng Bình) để bán cho được giá. Con cá vùng bãi ngang vì đánh bắt gần bờ, tươi ngon nên đến chợ là bán hết liền. Số tiền kiếm sau mỗi chuyến biển và chuyến chợ của vợ chồng chị tuy chưa giàu nhưng cũng có đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống.

Vì vụ cá chết, 20 ngày rồi anh Luấn không đi biển được, có nghĩa là 20 ngày rồi gia đình anh Luấn không có một đồng thu nào, trong khi bao nhiêu thứ cũng phải chi tiêu hằng ngày.

“Dân chúng tôi ở bãi ngang, làm nghề biển trong lộng (gần bờ), chỉ cần 2 ngày không ra biển là đói. Rứa mà cá chết cả tháng nay rồi không ra biển được, không biết lấy chi mà sống tiếp đây” - chị Niên than thở.

Tình cảnh trên của vợ chồng anh Luân, chị Hiên cũng là tình cảnh của hàng ngàn hộ ngư dân ở các xã bãi ngang tỉnh Quảng Bình trong những ngày qua.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Phương Lâm - Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Nam - nghẹn giọng: “Xã tôi có hơn 3.000 dân, sống nhờ vào mớ cá, mớ tôm đánh bắt ngoài biển. Thế mà 20 ngày qua, cả làng phải “úp thuyền” ngồi ở nhà. Người dân bãi ngang vốn đã nghèo, bây giờ mắc phải cái họa này nữa thì những ngày tới không biết sống ra sao? Cái đói, cái nghèo tưởng qua rồi nay lại hiện hữu trở lại”.

 Ông Lâm cho biết, mấy năm qua, ngoài đi biển, người dân Ngư Thủy Nam cũng có nuôi được một ít cá lóc trên cát bằng cách tận dụng nguồn thức ăn là cá vụn đánh bắt được trên biển. Những ngày qua, cá trên biển chết, người dân phải đi hàng trăm kilômét để mua thức ăn cho cá lóc. Thế nhưng, cũng bắt đầu xuất hiện tin đồn, cá lóc Ngư Thủy Nam ăn cá biển nhiễm độc, rồi không biết người dân đi bán cá lóc có ai mua nữa không?

“Việc cá biển chết hàng loạt trong những ngày qua, quả thật ảnh hưởng khủng khiếp đến ngư dân chúng tôi. Nghe thông tin lãnh đạo tỉnh đã trích ngân sách 500 triệu đồng mua gạo hỗ trợ ngư dân. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, ngư dân chúng tôi mừng, nhưng tình hình mà cứ kéo dài như hiện nay, ngư dân chúng tôi không ra biển được thì biết bao nhiêu gạo mới đủ đây?” - ông Lâm nghẹn ngào nói.

img

Ngư dân đánh bắt xa bờ ở Quảng Bình chuẩn bị ngư lưới cụ để vươn khơi xa, dù biết rằng tiêu thụ cá trong những ngày này khó khăn.

Khuyến khích ngư dân vươn khơi xa

Trước tình cảnh trên, những ngày qua chính quyền địa phương ở tỉnh Quảng Bình đã có những động thái kịp thời để động viên ngư dân. Lãnh đạo tỉnh đã kịp thời trích ngân sách 500 triệu đồng mua gạo cứu đói trước mắt cho ngư dân, đặc biệt là ngư dân vùng biển bãi ngang. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp khẩn với lãnh đạo các xã, thị trấn ven biển và về tận nơi để động viên ngư dân.

Ông Hoàng Đăng Quang - Bí thư Tỉnh ủy - Quảng Bình cho biết, chỉ đạo lãnh đạo các địa phương quyết không để một hộ ngư dân nào bị đói trong những ngày khó khăn này. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương có tàu đánh bắt xa bờ vận động ngư dân vươn khơi, đánh bắt cá ở những ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa, những vùng biển không có hiện tượng cá chết.

Những ngày qua, sau khi khi nghỉ tuần trăng, các âu thuyền ở Quảng Bình bắt đầu vắng những con tàu lớn. Dù biết mức tiêu thụ cá có giảm, nhưng nhiều ngư dân ở Quảng Bình vẫn quyết tâm vươn khơi.

Bà Nguyễn Thị Bảy (ở xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết, chồng và con trai bà đã cho con tàu 500CV của gia đình ra khơi cách đây 3 ngày.

“Vẫn biết đi biển trong những ngày này, cá đánh bắt về rất khó tiêu thụ, nhưng nếu không đi biển không có tiền để trả nợ ngân hàng, còn công ăn việc làm của bạn tàu nữa, đa số họ là những người ở các xã bãi ngang về đây đi bạn. Giờ biển bãi ngang không đi được, nếu chúng tôi không đi nữa thì bạn cũng sẽ đói. Những chuyến đi này, tui nói với chồng cập vào bến Đà Nẳng mà bán cho mau, chứ đừng có về Quảng Bình” - bà Bảy chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh - cho biết, đến thời điểm này, đa số ngư dân đánh bắt xa bờ ở xã Bảo Ninh đều đã ra khơi. Bảo Ninh là xã biển có nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ nhất tại Quảng Bình, mỗi năm ngư dân nơi đánh đánh bắt được trên 10.000 tấn hải sản. Điển hình như năm 2015, toàn xã đánh bắt được 11.800 tấn, thu về hơn 400 tỷ đồng. Điều đặc biệt là đa số lao động đi bạn cho các tàu cá ở Bảo Ninh đều là ngư dân ở các xã bãi ngang, nên trong thời điểm này họ ra khơi đã giải quyết công ăn việc làm, giải quyết một phần nào khó khăn cho ngư dân bãi ngang đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Hoàng Đăng Quang - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình - cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo lãnh đạo các địa phương quyết không để một hộ ngư dân nào bị đói trong những ngày khó khăn này. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương có tàu đánh bắt xa bờ vận động ngư dân vươn khơi, đánh bắt cá ở những ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa, những vùng biển không có hiện tượng cá chết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem