Vụ cách chức Bí thư Bình Dương: 3 mất mát lớn và vấn đề kiểm soát quyền lực

PVCT Thứ hai, ngày 12/07/2021 10:33 AM (GMT+7)
Ông Trần Văn Nam đã bị Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ Đảng của 3 nhiệm kỳ. Đây là vụ việc để lại bài học lớn về kiểm soát quyền lực.
Bình luận 0

Tiếp nối ngọn lửa của "lò" chống tham nhũng, tiêu cực của nhiệm kỳ Đại hội XII, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII (2021-2026) đã có một Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng của cả 3 nhiệm kỳ (2010-2015; 2015-2020; 2020-2025), đó là trường hợp ông Trần Văn Nam.

Vụ cách chức Bí thư Bình Dương: 3 mất mát lớn và vấn đề kiểm soát quyền lực - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Bình Dương (ảnh Zingnew.vn).

Liên quan đến vụ việc ông Trần Văn Nam bị kỷ luật, trước đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật hàng loạt cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của tỉnh Bình Dương. Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố nhiều cựu lãnh đạo của tỉnh này sau khi họ bị thi hành kỷ luật Đảng.

Qua vụ việc này có thể thấy công tác kiểm tra, kỷ luật, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở những dấu ấn từ nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua.

Tuy nhiên vụ việc ông Trần Văn Nam và các cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương bị xử lý thấy có những vấn đề cần nói.

Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Trong vụ việc của ông Trần Văn Nam thấy vi phạm, khuyết điểm để kéo dài chậm phát hiện xử lý, số cán bộ bị kỷ luật vừa qua đều do sai phạm từ nhiệm kỳ trước đó.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sai phạm của ông Trần Văn Nam từ khi ông còn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nhưng sai phạm này không được phát hiện và xử lý ngay. Ông Trần Văn Nam sau đó được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh rồi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020, sau đó ông lại tái cử chức vụ này trong nhiệm kỳ mới 2020-2025.

Ông tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, tiếp tục ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Đến khi có kết quả bầu cử thì vi phạm, khuyết điểm của ông Nam mới được chỉ ra và Hội đồng bầu cử quốc gia đã không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV với ông.

"Khi Cơ quan điều tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc mới phát hiện vi phạm, còn để cho Cấp ủy ở Bình Dương hay tổ chức Đảng tại đây phát hiện thì rất khó. Có thể do trình độ của cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát còn yếu nên không phát hiện vi phạm; hoặc có thể có người phát hiện ra vi phạm nhưng lại nể nang, né tránh, không muốn va chạm, sợ uy của người lãnh đạo cấp cao ở địa phương nên để khuyết điểm của cán bộ lãnh đạo kéo dài", PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Vẫn theo PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc, việc xử lý kỷ luật Bí thư Bình Dương và các cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo mắc vi phạm, khuyết điểm có 3 điều mất: Thứ nhất là thiệt hại tài sản, tiền của Nhà nước, thứ hai mất cán bộ; thứ ba là mất uy tín, mất niềm tin của người dân.

Theo ông, qua vụ việc nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ở Bình Dương bị kỷ luật, bị khởi tố ngoài việc rút ra bài học về công tác kiểm tra, giám sát trong sinh hoạt Đảng còn là vấn đề về kiểm soát quyền lực.

Trong các tác xây dựng Đảng, việc kiểm soát quyền lực, rồi công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, làm sao phải phát hiện ra những dấu hiệu vi phạm của cán bộ để kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời. "Việc kiểm tra, giám sát phải làm tới nơi, tới chốn. Tổng Bí thư vẫn nhắc lại quan điểm mà xưa nay Đảng ta vẫn nhấn mạnh "lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo". Công tác kiểm tra cần được coi trọng, nhất là ở các tổ chức Đảng có những chuyện lình xình như dấu hiệu tham nhũng, việc liên quan đến các dự án, vấn đề đất đai.

Phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát cấp ủy cùng cấp, lâu nay các vụ vi phạm đưa ra ánh sáng  thường là do cấp trên, báo chí phát hiện chứ cấp ủy cùng cấp ít phát hiện", PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Liên quan đến sai phạm ở Bình Dương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020, bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 - 2021, bị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo (mức kỷ luật với tổ chức Đảng có 3 hình thức: Khiển trách; Cảnh cáo và Giải tán).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem