Ông Việt cho biết, trước khi bị cơ quan công an “sờ gáy”, năm 2013, nhiều cán bộ thuộc Trung tâm Khảo nghiệm phân phân bón quốc gia đã bị Bộ NNPTNT chủ động phát hiện, chỉ đạo thanh tra và xử lý nghiêm. “Ngay từ năm 2013, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động cấp chứng nhận chất lượng phân bón tại trung tâm này, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã chủ động chỉ đạo Thanh tra Bộ, Cục Trồng trọt tiến hành thanh tra, qua đó xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm”- ông Việt cho biết.
Một số cá nhân tại Trung tâm KNPB quốc gia đã lợi dụng thời gian dừng thực hiện Thông tư 38 để cấp chứng nhận cho hàng loạt loại phân bón trong một thời gian ngắn (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Việc một trung tâm cấp tới 815 loại phân bón chỉ trong một thời gian ngắn chứng tỏ chúng ta cũng cần xem xét lại khâu quản lý, giám sát của các trung tâm này. Trách nhiệm trong việc quản lý phân bón của Bộ NNPTNT hiện nay được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Theo Nghị định mới số 202 ngày 27.11.2013 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1.2.2014), Bộ NNPTNT chỉ được giao quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác, còn Bộ Công Thương được giao quản lý phân bón vô cơ (bao gồm cả sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu…).
Tuy nhiên trước ngày 1.2.2014, theo quy định tại Nghị định số 113 ngày 7.10.2003 (NĐ 113) và Nghị định số 191 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 113, Bộ NNPTNT được giao tổng hợp quản lý phân bón, trừ việc sản xuất phân bón vô cơ. Theo đó, tại Điều 6 của NĐ 113, Bộ NNPTNT được quy định công bố “Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam”.
Ngày 9.8.2013, Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư số 38 về “Danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam”.
Tuy nhiên, qua kiểm tra về trình tự, thủ tục ban hành, Bộ NNPTNT đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Vì vậy sau đó, Bộ đã kịp thời chủ động có quyết định dừng hiệu lực thi hành đối với Thông tư 38, đồng thời lập đoàn thanh tra xác minh làm rõ các dấu hiệu vi phạm. Kết quả thanh tra đã chỉ rõ vi phạm thuộc về các tổ chức, cá nhân liên quan thuộc Cục Trồng trọt, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia.
Riêng tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia một số cá nhân đã tự thành lập “Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc tế” để chứng nhận làm cơ sở đưa các loại phân bón này vào danh mục. Việc này, Bộ đã phát hiện và kịp thời xử lý.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT.
Bộ đã chủ động phát hiện và xử lý vi phạm đối với các cá nhân có sai phạm. Quá trình xử lý đó đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Thực hiện kết luận thanh tra, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Trồng trọt nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là một số viên chức tại Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia.
Cụ thể, Cục Trồng trọt đã tiến hành kỷ luật theo quy định đối với 3 viên chức tại đơn vị này gồm: Cách chức đối với ông Phạm Trung Hòa (Phó Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia), ông Vũ Tuấn Linh (Phó Trưởng phòng Khảo nghiệm phân bón) và bà Phan Thị Quỳnh Hương (cán bộ trung tâm). Ngoài ra, nhiều công chức tại Cục Trồng trọt cũng đã bị khiển trách, cảnh cáo, trong đó giáng chức đối với ông Trưởng phòng Đất và Phân bón thuộc Cục Trồng trọt.
Không đồng tình với các quyết định kỷ luật, một số công chức, viên chức thuộc Cục Trồng trọt và Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia đã có đơn khiếu nại, tố cáo. Bộ NNPTNT đã chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, xử lý dứt điểm các đơn thư khiếu nại.
Để làm rõ hơn thực trạng quản lý phân bón, Bộ NNPTNT cũng đã thành lập Đoàn thanh tra công tác chứng nhận hợp quy phân bón tại Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia và chỉ rõ những vi phạm nghiêm trọng trong công tác chứng nhận chất lượng phân bón tại trung tâm này (kết luận thanh tra số 10118 ngày 18.12.2014).
Vậy đến nay, Bộ NNPTNT đã đề nghị Bộ Công an xử lý các đối tượng này như thế nào?
- Theo kết luận thanh tra, các vi phạm là nghiêm trọng, Bộ NNPTNT cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Công an điều tra xem xét dấu hiệu vi phạm hình sự đối với 3 viên chức gồm: Ông Phạm Trung Hòa, ông Vũ Tuấn Linh và bà Phan Thị Quỳnh Hương. Sau thời gian điều tra, vừa qua, cả ba viên chức này đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị truy tố.
Sự việc trên cho thấy, việc trao quyền cho các trung tâm (đơn vị cấp 3) thuộc Bộ được phép cấp chứng nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp có rất nhiều bất cập. Thời gian tới, Bộ sẽ có những giải pháp gì để chấn chỉnh và hạn chế các sai phạm này, thưa ông?
"Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Trồng trọt kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự của Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia, khắc phục các vi phạm đã nêu; giao Thanh tra Bộ NNPTNT tăng cường thanh tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chứng nhận chất lượng, thử nghiệm cũng như sản xuất phân bón”.
Ông Nguyễn Văn Việt
|
- Bộ NNPTNT và cá nhân Bộ trưởng Cao Đức Phát rất quan tâm đến vấn đề quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón. Do đó, nếu phát hiện bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có dấu hiệu vi phạm, Bộ đều xử lý nghiêm.
Hiện lãnh đạo Bộ cũng đã giao cho Thanh tra Bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm.
Theo đó, ngoài việc thanh tra thường xuyên của các tổng cục, cục, Thanh tra Bộ NNPTNT định kỳ 2 năm một lần sẽ thanh tra 11 tổ chức được giao chức năng thực hiện việc chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Chậm nhất trong 20 ngày nữa, chúng tôi sẽ có kết luận về kết quả thanh tra tại 11 tổ chức này và sẽ công bố thông tin công khai trên báo chí.
Từ sự việc sai phạm tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia, ông có thể cho biết bài học rút ra ở đây là gì?
- Có thể nói, trình tự, thủ tục cấp chứng nhận về chất lượng đối với vật tư nông nghiệp của chúng ta hiện nay phù hợp với quy trình của quốc tế và khu vực. Điều quan trọng nhất là vấn đề con người thực hiện các quy trình đó. Do đó, như đã nói trong thời gian tới Thanh tra Bộ sẽ tiến hành thanh tra, giám sát thường xuyên.
Quan điểm của Bộ là không dung túng, bao che cho các sai phạm. Cũng có thể nói, vụ việc xảy ra ở Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia vừa qua là đáng tiếc, bởi các cá nhân lợi dụng thời gian dừng thực hiện Thông tư 38 để cấp chứng nhận các loại phân bón trong thời gian rất ngắn (5-6 tháng). Tôi có thể khẳng định, trong thời gian tới chắc chắn không còn những trường hợp tương tự như thế này xảy ra.
Xin cảm ơn ông!
Từ tháng 12.2012 đến tháng 1.2014, Trung tâm Kiểm nghiệm phân bón đã làm thủ tục và cấp giấy chứng nhận chất lượng hợp quy cho 815 sản phẩm phân bón của 78 công ty.
Quy trình thực hiện, các cá nhân thuộc Trung tâm Kiểm nghiệm phân bón đã để xảy ra nhiều sai phạm, như không tiến hành đánh giá thực tế điều kiện sản xuất, không lấy mẫu đối với 118 sản phẩm của 30 công ty... Trong số 815 sản phẩm phân bón, các bị can đã cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 111 sản phẩm không có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất...
Năm 2014, qua thanh tra, Bộ NNPTNT đã phát hiện có sai phạm và kết luận 16 sản phẩm phân bón chưa được tiến hành khảo nghiệm nên loại khỏi danh mục phân bón được sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Ngày 11.1, cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất hồ sơ vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong hoạt động cấp giấy chứng nhận hợp quy phân bón của Trung tâm Kiểm nghiệm phân bón (KNPB) quốc gia xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh. Đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 3 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.