Vụ "câu" like đốt trường: “Like dạo” có vô hại?

Diệu Thu Thứ năm, ngày 13/10/2016 12:55 PM (GMT+7)
Chuyên gia tâm lý nhận định, cô gái đốt trường chỉ là nạn nhân của 1.000 người đã bấm like trên facebook.
Bình luận 0

Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền clip với hình ảnh một cô gái đến trường, tưới nửa lít xăng xung quanh phòng y tế rồi châm lửa đốt trong sự hò reo, cổ vũ của bạn bè phía sau. Hành động kinh dị xảy ra tại Khánh Hòa. Cô gái trong clip được xác định sinh năm 2003 và đã nghỉ học.

Trước đó, cô gái này nói trên facebook rằng nếu được 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường. Tuy nhiên, không ngờ số like nhanh chóng vượt mức 1.000.

Clip: Cô gái đốt trường học sau khi “câu” đủ 1.000 like trên Facebook (nguồn: Beat.vn)

Bùng phát trào lưu sống ảo

Bày tỏ về sự việc, TS.Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trưởng Bộ môn Tâm lý học Ứng dụng, ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, hành động “like dạo” đang bùng phát.

“Hành động tự thiêu, nhảy sông, cởi đồ, hứa đốt trường... để câu like là minh chứng hùng hồn cho trào lưu sống ảo của một bộ phận bạn trẻ”, TS.Hiếu nói.

Theo TS Hiếu, trào lưu này đã lên đến đỉnh điểm khi một số bạn bắt đầu bất chấp cả tính mạng của mình và thậm chí an nguy của người khác để có thể nổi tiếng phút chốc trên mạng xã hội.

Trong clip, xét đến tận cùng, cô gái kia chỉ là một nạn nhân của 1000 người đã bấm like trên facebook. Những kẻ like vô trách nhiệm, cuồng like (like dạo) mới là thủ phạm chính đốt trường. Mạng xã hội chẳng khác nào con dao hai lưỡi, nhất là với các em chưa đủ chín chắn và trưởng thành, rất dễ bị xúi giục và kích động làm những chuyện điên rồ.

Ở góc độ tâm lý học, TS Hiếu phân tích, tuổi mới lớn là lứa tuổi rất dễ bị lôi kéo dù ở trong lớp học, ngoài đường hay trên mạng xã hội. Hơn nữa, đây là lứa tuổi hưng phấn thần kinh cao, chưa đủ kinh nghiệm sống và chưa đủ lập trường. Các em rất dễ bị kích động bởi đông đảo bạn bè hoặc những người xung quanh lôi kéo.

TS Hiếu cho biết, chuyện nhiều bạn trẻ có hành vi lệch lạc thậm chí đến mức “điên rồ” trên mạng đã được xã hội phân tích rất nhiều lần, thế nhưng không phải nhà trường nào cũng quan tâm giáo dục văn hoá sử dụng facebook cho học sinh; Không phải cha mẹ nào cũng biết facebook và biết cách giúp con nhận ra các nguy cơ trên  mạng xã hội.

“Khi nào nhà trường và cha mẹ còn "lỗi nhịp" với thế giới của con trẻ, để mặc con bị lôi kéo trên thế giới online, thì khi đó những chuyện tự thiêu, nhảy sông, đốt trường... để câu like chắc chắn vẫn sẽ còn tiếp diễn”, TS Hiếu lo ngại.

img

Bị bạn bè thúc ép trên Facebook, nữ sinh Khánh Hòa mang xăng đốt trường (ảnh cắt tử clip)

TS.Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khuyên, giữa số like và trí tuệ thì trí tuệ mới là thứ giúp nổi tiếng hoặc thành công thật sự và lâu dài.

Đối với cư dân mạng, hãy tỉnh táo, đừng bao giờ phí nút like cho những hành động kiểu này, nếu không, một nút like sẽ là một cú đẩy đối phương vào chỗ chết. Dân mạng hãy ngưng sống ảo, tập trung vào làm việc. Cuộc sống của bạn sẽ tốt hơn nhiều. “Ngừng like dạo, chỉ like những trào lưu đẹp.

Nhất thời, bạn có thể có số like cao nhưng nếu gặp sự cố sẽ mất mạng, tổn thương hoặc để lại di chứng suốt đời. Điều đó có nghĩa là bạn tàn phá cơ thể, tàn phá công lao nuôi dưỡng của gia đình, tàn phá cả cơ hội tương lai.

“Thay vì bỏ thời gian và công sức để thu thập like thì hãy dùng thời gian công sức đó lấy kiến thức”, TS Hiếu chia sẻ.

Muốn nổi tiếng, đừng “câu" like

Chuyên gia tâm lý, TS. Phan Quốc Việt  – Phó Chủ tịch thứ nhất hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho biết, theo tháp nhu cầu con người, tuổi trẻ thích nổi tiếng, thích thể hiện là bình thường. Điều quan trọng được ai tôn vinh và cách thể hiện mình. Việc thể hiện bằng cách tự làm hại chính mình để được tôn vinh là hoàn toàn điên rồ, không thể chấp nhận được. Xâm phạm thân thể người khác là phạm pháp, tự xâm hại thân thể mình rõ ràng vừa phạm pháp và vừa là mất trí.

Chuyên gia cũng cho biết, ai cũng thích nổi tiếng nhưng không phải nổi tiếng bằng mọi giá mà phải nổi tiếng bằng cách gia tăng giá trị cho đời.

Theo TS Phan Quốc Việt, hiện nay giới trẻ “nhàn cư vi bất thiện”, không chịu học hành nên nghĩ ra những việc không lành mạnh dẫn đến hệ lụy này. Ngoài lỗi do tự mỗi bạn trẻ thì còn cả lỗi do xã hội, bởi xã hội không tổ chức nhiều sân chơi lành mạnh cho các bạn, thì các bạn phải thể hiện bằng cách tiêu cực.

Từ sự việc này, TS Phan Quốc Việt cho rằng, cần tạo ra thói quen tốt mới chứ không phải kiểm soát like. Cụ thể là mình nên tạo ra các sân chơi lành mạnh cho thanh niên như: các cuộc thi hát, truyền hình… Chỉ có ánh sáng mới đẩy lùi được bóng tối, chỉ có cái tốt mới đẩy lùi được cái xấu. Ngăn chặn là biện pháp cuối cùng mà không hiệu quả được.

Ngành giáo dục, tổ chức đoàn cần mở nhiều cuộc thi tích cực hơn cho giới trẻ. Nếu chúng ta chỉ công kích cái xấu mà không tạo sân chơi để phát triển cái tốt thì cái xấu càng lan tỏa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem