Vụ cháy bãi giữ xe máy vi phạm hành chính ở Bình Thuận, ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại?

Nhật Minh Chủ nhật, ngày 10/03/2024 10:26 AM (GMT+7)
Nhiều bạn đọc thắc mắc, hơn 200 chiếc xe máy bị cháy là xe của người dân vi phạm giao thông đang trong thời gian bị tạm giữ. Vậy, phía lực lượng chức năng có phải đền bù thiệt hại hay không?
Bình luận 0

Khoảng 18 giờ 00 phút tối 9/3, kho tạm giữ xe mô tô vi phạm hành chính của Công an huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) bốc cháy dữ dội. Ngay khi phát hiện cháy, Công an huyện Tánh Linh đã huy động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và người dân gần đó tham gia chữa cháy và báo cáo cho Công an tỉnh Bình Thuận.

Ngay sau đó, Công an tỉnh Bình Thuận điều động toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và phương tiện của Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực Đức Linh, đóng quân cách Công an huyện Tánh Linh khoảng hơn 10 km lập tức đến hiện trường tập trung chữa cháy. Song song đó Công an Bình Thuận tiếp tục huy động thêm phương tiện của Đội chữa cháy Trung tâm Phan Thiết lên hỗ trợ chữa cháy.

Đến 18 giờ 45 phút tối cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt. Bước đầu xác định khoảng 200 xe mô tô là tang vật vi phạm hành chính bị cháy hoàn toàn, không có thiệt hại về người.

Nhiều bạn đọc thắc mắc, hơn 200 chiếc xe máy bị cháy là xe của người dân vi phạm giao thông đang trong thời gian bị tạm giữ. Vây, phía lực lượng chức năng có phải đền bù thiệt hại hay không?

Vụ cháy bãi giữ xe máy vi phạm hành chính ở Bình Thuận, ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại?- Ảnh 1.

Hình ảnh vụ cháy hơn 200 xe máy tại huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) (Ảnh CA Bình Thuận).

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị khẳng định, sau khi làm rõ nguyên nhân vụ cháy, cơ quan chức năng sẽ giải quyết theo nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Theo luật sư Lực, tại Khoản 5 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bổ sung năm 2020 và Điều 9 Nghị định 115/2013 (quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính) thì khi tạm giữ phương tiện giao thông, người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản phương tiện vi phạm hành chính.

Trong trường hợp phương tiện vi phạm hành chính bị mất, bán trái quy định, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ phương tiện.

Theo Điều 10 Nghị định 115/2013 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có phương tiện bị tạm giữ có quyền yêu cầu cán bộ quản lý lập biên bản về việc tài sản trong thời gian tạm giữ bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt và yêu cầu cơ quan quản lý phương tiện bồi thường theo quy định của pháp luật.

"Khi có căn cứ là kết quả điều tra nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ cháy, cơ quan chức năng sẽ giải quyết theo nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân", luật sư Lực cho biết.

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn luật sư TP Hà Nội bổ sung thêm: Những chiếc xe này đã được cơ quan công an ra quyết định tạm giữ nên nó được xem như là một sự chuyển giao trách nhiệm trong việc bảo quản phương tiện từ chủ sở hữu qua cơ quan công an một cách hợp pháp. Cơ quan công an ra quyết định tạm giữ sẽ có trách nhiệm bảo quản nguyên vẹn xe.

Cho dù chính cơ quan này thực hiện việc trông coi xe hay thuê mướn nơi khác trông coi thì trách nhiệm bồi thường vẫn thuộc về họ. Nghĩa là trong trường hợp này cơ quan công an ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Điều 9 Nghị định 115/2013 quy định rất rõ: "Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện".

Theo Luật sư Xuyến, để có căn cứ yêu cầu để bồi thường thiệt hại trong vụ cháy này, chủ sở hữu xe cần có biên bản tạm giữ xe vi phạm, tình trạng xe, đời xe để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại.

Cũng theo hai luật sư, nếu các bên không thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại thì chủ sở hữu xe có thể khởi kiện cơ quan công an ra quyết định tạm giữ xe ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) còn cho biết nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận nguyên nhân gây cháy do sự kiện bất khả kháng thì nơi ra quyết định tạm giữ, tịch thu phương tiện xe nêu trên không phải chịu trách nhiệm bồi thường (khoản 2 Điều 584 BLDS 2015).

Còn nếu xác định việc gây cháy không phải do sự kiện bất khả kháng mà có hành vi phá hoại hoặc bất cẩn của cá nhân nào đó thì cơ quan ra quyết định tạm giữ vẫn phải bồi thường cho các chủ phương tiện, rồi sau đó mới khởi kiện cá nhân gây cháy để yêu cầu đền bù thiệt hại. Trường hợp có căn cứ cho thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Theo luật sư, trên thực tế khi công an tạm giữ xe vi phạm thường không ghi vào biên bản tình trạng xe cũ hay mới, hư hỏng ra sao. Vì thế, để định giá mỗi chiếc xe trước khi bị cháy có giá trị bao nhiêu để làm căn cứ bồi thường là cả một vấn đề. Mặt khác, nếu bãi giữ xe được mua bảo hiểm thì cơ quan bảo hiểm sẽ là đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho các chủ sở hữu xe.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem