Mới đây, trong lúc làm nhiệm vụ trên tỉnh lộ 354 (đoạn qua qua địa bàn thôn Tân Nam, xã Mỹ Đức, huyện An Lão, Hải Phòng, thượng úy Nguyễn Trọng Quý thuộc Đội Cảnh sát giao thông - trật tự thuộc Công an huyện An Lão đã bị Đỗ Văn Thắng (16 tuổi), ở xã Thái Sơn, huyện An Lão điều khiển xe máy tông thẳng vào người khiến chiến sĩ cảnh sát giao thông này bị hất văng xuống đường, đa chấn thương, bất tỉnh.
Hình ảnh lái xe máy lao thẳng vào cảnh sát giao thông. Ảnh: Việt Hòa
Vụ việc sau khi được đăng tải đã khiến nhiều bạn đọc vô cùng bức xúc, nhiều người cho rằng, nam thanh niên gây ra vụ việc đã có hành vi coi thường pháp luật, cần phải xử lý nghiêm. Mặt khác nhiều người cũng băn khoăn trường hợp cảnh sát giao thông lao ra đường ngăn chặn phương tiện vi phạm cũng có thể gây nguy hiểm cho CSGT và người tham gia giao thông.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên Tổ trưởng Xử lý vi phạm - Đội CSGT số 1 Công an Hà Nội cho biết, theo Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông thì lực lượng cảnh sát giao thông không được lao ra đường chặn xe vi phạm.
Luật chỉ quy định, trong quá trình lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát hoặc cắm chốt để xử lý vi phạm giao thông mà phát hiện phương tiện vi phạm thì phải đứng ở khoảng cách an toàn ra tín hiệu dừng xe phương tiện vi phạm, thông báo lỗi, kiểm tra giấy tờ theo quy định. Đối với buổi đêm, lực lượng phải mặc áo phản quang ra tín hiệu dừng phương tiện bằng còi, hoặc bằng loa.
Trường hợp người vi phạm phạm lỗi, lực lượng chức năng sẽ căn cứ Nghị định số 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt để ra quyết định xử phạt hành chính.
“Luật quy định khi lực lượng cảnh sát giao thông ra tín hiệu kiểm tra phải đảm bảo tuyệt đối cho người tham gia giao thông và cho chính lực lượng kiểm tra phương tiện đó. Với trường hợp phương tiện đang chạy với tốc độ cao, không chấp hành hiệu lệnh, lực lượng cảnh sát giao thông không được lao ra chặn, hay truy đuổi. Thay vào đó, lực lượng chức năng sẽ ghi lại biển số xe vi phạm; thông báo qua bộ đàm cho chốt CSGT gần nhất để cùng phối hợp giữ phương tiện vi phạm. Hoặc cảnh sát giao thông sẽ dùng xe chuyên dụng, bật còi hú bám theo xe vi phạm và dùng loa yêu cầu người vi phạm dừng lại để kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Quỹ nói.
Theo ông Quỹ, đối với trường hợp, lực lượng cảnh sát giao thông đang thực hiện việc bắn tốc độ phương tiện vi phạm nhưng sau đó lái xe không chấp hành bỏ chạy thì cảnh sát giao thông sẽ xem lại biển số xe vi phạm ở máy bắn tốc độ và phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện việc xử phạt nguội sau đó.
“Lực lượng chức năng chỉ sử dụng biện pháp ngăn chặn đối với các trường hợp là tội phạm nguy hiểm, tội phạm đang chạy trốn hoặc vận chuyển hàng hóa cấm, ma túy. Các trường hợp này là lực lượng chức năng đã biết trước và lên kế hoạch sẵn. Biện pháp ngăn chặn ở đây có thể là lập hàng rào chắn, dùng barie, hoặc dùng loa yêu cầu phương tiện dừng xe”, ông Quỹ nói.
Ông Quỹ cho biết thêm, trước đây, lực lượng CSGT ở tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng biện pháp sử dụng súng bắn lưới (hay còn gọi là bùi nhùi lưới) để xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông bỏ chạy. Tuy nhiên, theo ông Quỹ, biện pháp này nếu được sử dụng phải được các cơ quan chức năng phê duyệt và phải đảm bảo an toàn cho phương tiện vi phạm và những người tham gia giao thông trên đường.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, pháp luật không quy định cụ thể trường hợp nào thì CSGT được quyền chặn đầu xe, trường hợp nào không được chặn đầu xe người vi phạm. Tuy nhiên, pháp luật quy định, tất cả các động tác, nghiệp vụ trước tiên phải đảm bảo an toàn cho bản thân người thi hành công vụ và người tham gia giao thông; không làm cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Trong từng vụ việc cụ thể, cơ quan chức năng sẽ làm rõ xem hành vi như vậy có cần thiết hay không, có đảm bảo an toàn hay không làm cơ sở xác định trách nhiệm của mỗi bên khi để xảy ra tai nạn giữa người vi phạm với người thi hành công vụ. Những yếu tố để xác định trách nhiệm bao gồm: tốc độ cho phép trên đoạn đường đó, các cảnh báo an toàn và trong từng tình huống cụ thể đối với người điều khiển phương tiện giao thông
Ls Đặng Văn Cường cũng cho rằng, các cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hình sự về tội giết người đối với lái xe hất văng CSGT kể cả trong trường hợp CSGT này không thiệt mạng. Bởi lái xe chạy với tốc độ rất cao trên đoạn đường vắng, với khoảng cách đó hoàn toàn có thể quan sát được cảnh sát giao thông đang hiệu lệnh yêu cầu dừng xe.
Thêm nữa, hành vi tông xe trực diện khiến CSGT tung người lên không trung rồi rơi xuống bất tỉnh khiến dư luận hết sức bức xúc, phẫn nộ. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của người thi hành công vụ.
CSGT bị tông bị chảy máu màng não, rạn đốt sống cổ, trật khớp tay đang được điều trị tích cực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.