Vừa qua, trên một vài tờ báo có trích dẫn phát hiện của PGS Đoàn Lê Giang, trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, đại học KHXH&NV TPHCM về việc trong ấn phẩm “Truyện Kiều” mới xuất bản của Hội Kiều học Việt Nam (hiệu khảo, chú giải) phối hợp với NXB Trẻ có một số chi tiết “cười ra nước mắt”.
Cụ thể, ở trang 29 phần chú thích cho câu thơ: “Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi” có ghi: “Ca nhi: Tống thư có câu “ca nhi, vũ nữ” (con trai hát, con gái múa)”. Nếu “ca nhi” là “con trai hát” thì tình trạng giới tính “xưa là ca nhi” của Đạm Tiên là... con trai, hẳn đã “chuyển giới" cho “nàng ấy”.
TS Đoàn Lê Giang chia sẻ quan điểm với báo chí: “Xưa nay đọc bản Truyện Kiều chữ Quốc ngữ của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, hay bản của Đào Duy Anh chú thích từ chữ Nôm cổ, tôi cứ nhớ mãi những câu thơ tuyệt tác: Gió chiều như giục cơn sầu/ Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu; hay: Thâm nghiêm kín cổng cao tường/ Cạn dòng lá thắm tuyệt đường chim xanh. Thế nhưng tình cờ giở mấy trang bản Kiều này lại thấy viết “vi lô” thành “vi lau”; “thâm nghiêm” thành “thẳm nghiêm”.
Bản “Truyện Kiều” do Ban văn bản Hội Kiều học Việt Nam hiệu khảo, chú giải. Ảnh: Thể thao & Văn hóa
Ông Giang cho rằng,chữ nghĩa “Truyện Kiều” là một lĩnh vực rất khó, vì thế ông mong những điều nói trên chỉ là “tồn nghi” để các vị thức giả trao đổi thêm.
Những chi tiết này gây xôn xao giới truyền thông và hội người mê Kiều mấy ngày qua. Một số người cho rằng chú thích của Truyện Kiều nên ngắn gọn, để người đọc hiểu đúng, không nên quá sa đà vào giải thích chữ nghĩa dễ dẫn tới hiểu lầm, sai sót.
"Đừng vì vài 'hạt sạn' mà chê bình ngọc quý là sạn sỏi"
Trong ba thế kỷ qua, “Truyện Kiều” có khá nhiều dị bản, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới nhưng do chưa xác định đâu là bản gốc của Nguyễn Du nên việc biên soạn cuốn sách vẫn gây tranh cãi. Mỗi soạn giả lại cho ra đời một ấn bản có sai khác ít nhiều về câu chữ.
Dẫu vậy, cho đến nay, các ấn bản "Truyện Kiều" vẫn được coi là những công trình đòi hỏi công sức, đam mê và kho hiểu biết về vốn từ để nắm bắt được ý tứ của tác phẩm này.
Ông Nguyễn Khắc Bảo, Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, 1 trong 8 nhà nghiên cứu tham gia biên soạn cuốn “Truyện Kiều” mới phát hành thừa nhận sai sót về “sự cố chuyển giới" cho Đạm Tiên, đồng thời bày tỏ: "Nguyễn Du đã viết "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Chúng tôi mong nhận được những đóng góp thực tâm của người đọc và các nhà nghiên cứu gần xa để chúng tôi làm tốt công việc của mình".
Ông Bảo lý giải sự cố này xảy ra là do đánh máy thừa một chữ: Lẽ ra chú thích chính xác là: "ca nhi, vũ nữ" (con hát, con gái múa) thì in sai thành: "ca nhi, vũ nữ" (con trai hát, con gái múa).
“Chúng tôi sau khi có được bản Truyện Kiều chính thức và sơ bộ đọc lại còn phát hiện một số sai sót do kỹ thuật in ấn như: câu 1686 lẽ ra là: "Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng", in sai thành: "Tìm dâu". Câu 1760 in thiếu 2 chữ "bàn hoàn", lẽ ra là: "Nỗi lòng no những bàn hoàn niềm tây"...”, ông Bảo nói thêm.
Cũng theo ông Bảo, sai sót về đánh máy, in ấn là điều tối kỵ nhưng “không nên có một vài 'hạt sạn' mà đánh giá cả bình ngọc quý ấy là sạn sỏi”.
Về phía NXB Trẻ, đơn vị này cho biết, cuốn "Truyện Kiều" của Nguyễn Du được ấn hành trên cơ sở tôn trọng toàn bộ bản thảo của các nhà nghiên cứu thuộc Hội Kiều học. Sau khi nhận được phản hồi của Hội Kiều học, NBX Trẻ sẽ xem xét, hiệu chỉnh bản in tác phẩm để phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất.
Các văn bản Truyện Kiều quốc ngữ hiện đang được in, tái bản nhiều nhất và thông dụng nhất hiện nay là những bản do các tác giả Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Thạch Giang, Đào Duy Anh... biên soạn. Song mỗi tác giả trên đều mới chỉ dựa vào một vài bản Kiều Nôm mà mình có để phiên âm và chọn lọc từ ngữ, nên vấn đề xây dựng văn bản "Kiều tầm nguyên" (Hoàng Xuân Hãn) hay "Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh" (Nguyễn Tài Cẩn) vẫn còn là ước mong của những người yêu Truyện Kiều.
Có nhà Kiều học trước đây đã đưa ra hình ảnh Truyện Kiều vì không còn nguyên tác nên chỉ là chiếc bình ngọc quý đã "vỡ rồi". Cuốn "Truyện Kiều" của Hội Kiều học Việt Nam dựa vào 60 bản Kiều Nôm đã chọn lọc, có 488 từ khác với bản Truyện Kiều của nhóm học giả Đào Duy Anh cho in năm 1979.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.