Vụ FLC chặn bãi biển của dân: Giá như Thanh Hóa ngồi lại với dân sớm hơn

Lương Kết (thực hiện) Thứ ba, ngày 08/03/2016 10:33 AM (GMT+7)
"Khi người dân có ý kiến phản ứng, chính quyền cần sớm đối thoại với dân để lắng nghe, giải thích cũng như tuyên truyền, xử lý ngay những nguyện vọng chính đáng của dân. Có như vậy sự việc sẽ không tạo nên phản ứng dây chuyền, không làm căng thẳng tình hình”.
Bình luận 0

Nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa Lê Văn Cuông đã nói vậy sau buổi đối

img

ông Lê Văn Cuông

thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến với người dân Sầm Sơn chiều 7.3.

Nếu như lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sớm tiến hành đối thoại, lắng nghe ý kiến để giải quyết cho người dân sẽ không xảy ra việc căng thẳng phức tạp thưa ông?

- Nếu như lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có đối thoại với người dân ngay từ đầu giống như buổi đối thoại sáng ngày 7.3 thì sẽ không xảy ra những căng thẳng như những ngày vừa qua. Từ việc này cũng là bài học cho các cấp chính quyền. Khi người dân có ý kiến phản ứng thì chính quyền cần tiến hành đối thoại với dân để lắng nghe, giải thích cũng như tuyên truyền, xử lý ngay những nguyện vọng chính đáng của dân. Có như vậy sự việc sẽ không tạo nên phản ứng dây chuyền, không làm căng thẳng tình hình.

img

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến (người đứng nói) trong buổi đối thoại với người dân.

Vụ người dân ở Sầm Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng nhận thiếu sót, khuyết điểm. Tôi thấy đó là sự cầu thị, thẳng thắn của Bí thư Tỉnh ủy. Từ vụ việc này trở đi chính quyền nên rút kinh nghiệm. Các việc sau này phải dựa vào dân, đối thoại với dân, xem xét giải quyết kịp thời cho người dân sẽ không xảy ra vụ việc đáng tiếc như của ngư dân Sầm Sơn như vừa qua, đặc biệt là để đến mức cơ quan công an phải khởi tố vụ án.

Chỉ mất một buổi đối thoại là bức xúc của người dân kéo dài hơn 10 ngày đã được giải quyết. Để người dân phải tụ tập đông người trong nhiều ngày, thậm chí dẫn đến việc quá khích khiến tình hình căng thẳng, theo ông lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm trong đó?

Về điều này Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nhận khuyết điểm. Để xảy ra vụ việc của người dân Sầm Sơn, ở góc độ nào Bí thư Tỉnh ủy đã thấy thiếu sót, khuyết điểm của mình. Không dễ dàng gì mà người lãnh đạo cao nhất tỉnh phải thừa nhận thiếu sót. Không thể để người dân vất vả, nhếch nhác theo đuổi, chờ đợi lãnh đạo cao nhất của tỉnh đối thoại.

Việc này không chỉ ở Thanh Hóa mà ở nhiều địa phương khác qua vụ việc này cũng cần xem đó là bài học, khi có vấn đề gì bức xúc của dân, lãnh đạo phải tiếp dân, đối thoại sớm để giải quyết cho dân. Ở thành phố Đà Nẵng thời ông Nguyễn Bá Thanh còn làm lãnh đạo đã làm rất tốt việc như này. Ở Đà Nẵng giải tỏa nhiều, quy hoạch nhiều nhưng tình hình không nóng như vụ ở Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Trước khi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tiến hành đối thoại với dân, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án Gây rối trật tự công cộng. Đành rằng trong vụ việc này có những dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, nhưng việc khởi tố vụ án trong thời điểm căng thẳng như vậy dường như lại “đổ thêm dầu vào lửa”?

Tôi nghĩ lý do dẫn tới bức xúc của ngư dân là do chính quyền không đáp ứng được nguyện vọng của người dân cho nên người dân cũng có những hành vi phản ứng quá khích, thậm chí có thể có cả những hành động vi phạm pháp luật. Việc này cả hai phía cùng có khuyết điểm.

Nếu như chính quyền giải quyết ngay một cách thỏa đáng sẽ không dẫn tới sự quá khích của người dân. Chẳng hạn, như ngày đầu, ngày thứ hai khi người dân tập trung đông ở cổng trụ sở tỉnh Thanh Hóa để phản ứng, có thể chính quyền tiến hành đối thoại giải quyết ngay, còn để lâu người dân thấy sự bức xúc dồn nén, dẫn tới không kiềm chế được hành vi, gây ra hậu quả đáng tiếc. Khuyết điểm của người dân ở đây là quá khích, thiếu kiềm chế dẫn đến vi phạm pháp luật. Nhưng việc này cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét thấu đáo lý do, nguyên nhân, chứ không nên quy chụp một cách vội vàng.

Xin cảm ơn ông (!)

Đại biểu Trần Ngọc Vinh - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng:

Khi làm việc gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của dân trước, đảm bảo sự hài hòa. Khi người dân có những bức xúc chính quyền cần phải xem xét giải quyết ngay, khi tình hình đến mức căng thẳng càng cần phải xử lý nhanh không nên để kéo dài. Nhiều người dân cũng không hiểu biết pháp luật, có thể họ bị có một số phần tử xúi bẩy dẫn đến việc tụ tập đông người, có những hành động gây mất trật tự công cộng. Cái này là người dân sai nhưng cần xem xét trong vụ việc này có gì sai của nhà trách chức không trên cơ sở đó rút kinh nghiệm.

Từ ngày 26.2 đến nay, nhiều ngư dân của xã Quảng Cư và phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn tụ tập trước UBND tỉnh phản đối việc chính quyền giao cho doanh nghiệp (FLC) khai thác tuyến bờ biển Sầm Sơn.

Theo các ngư dân, dự án này khiến nghề đánh bắt cá gặp nhiều khó khăn. Vì theo quy hoạch mới, lối ra biển và neo đậu tàu thuyền của ngư dân rất xa (10km) so với bến đỗ truyền thống. Các ngư dân yêu cầu UBND tỉnh bố trí vị trí bến neo đậu thuyền bè ở vị trí giáp ranh giữa xã Quảng Cư và phường Trung Sơn, dài khoảng 300 - 500m.

Tuy nhiên, đến nay kiến nghị này chưa được UBND tỉnh trả lời. Ngư dân yêu cầu được đối thoại trực tiếp với Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá.

Việc người dân tụ tập đông người khiến gây mất an ninh trật tự cho TP.Thanh Hóa. Ngày 3.3, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem