Ngư dân ứa nước mắt khi nhắc dự án của FLC

Khánh Gia Thứ sáu, ngày 04/03/2016 11:03 AM (GMT+7)
Kể từ khi có khu nghỉ dưỡng FLC xuất hiện trên đất Sầm Sơn (Thanh Hóa) thì đời sống của người dân ở đây chưa được một giây phút nào thưởng thức cảm giác đổi đời. Sự ngột ngạt từ những “chính sách” mà FLC đã thực hiện đang tác động tới đời sống của người dân của người dân Sầm Sơn đến ngộp thở mỗi ngày...
Bình luận 0

XEM KỲ 1: “Bão cạn” do FLC gây ra ở Sầm Sơn

"Ép là chết"

Lão ngư Ngô Hữu Tý (69 tuổi, ở thôn Hồng Thắng, xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) đứng trên bến thuyền của làng mình, nhìn vào bên trong tổ hợp FLC chua chát nói: “Dân tôi gọi họ là đội “ép là chết”, bởi từ ngày họ về đây xây dựng, đã làm cuộc sống của bà con ngư dân bị đảo lộn”. Để minh chứng cho những điều mình nói,  ông Tý mời PV Dân Việt lên xe đưa đi một vòng để chứng minh những gì mà người dân đang phải gánh chịu khi có siêu dự án FLC mọc ra.

img

Lão ngư Ngô Hữu Tý.

Ông Tý vừa lái xe đi trên những con đường làng nát bét, vừa nói: “Trước kia đường liên thôn liên xã ở quê tôi đẹp lắm, quá đạt tiêu chí nông thôn mới, được mệnh danh là con đường Thanh Niên. Nhưng kể từ khi xe siêu trường, siêu trọng chở vật liệu, cát sỏi vào xây dựng ở khu nghỉ dưỡng FLC thì đường làng tôi thành những con mương cạn. Có nhiều cháu học sinh, mẫu giáo theo học ở cụm trường Quảng Cư, trời mưa bị ngã bẩn hết, phải quay về nhà thay quần áo. Còn trẻ con tập xe đạp, nhiều đứa vì đường xấu ngã gãy cả răng, hỏng cả xe. Đường của dân thì hỏng tan tành, còn họ làm đường vào trong khu du lịch FLC thì đẹp long lanh.  Lúc nào cũng có mấy đôi vệ sĩ bảo vệ, cấm dân bén mảng tới khu du lịch. Họ xây dựng những cái gì chúng tôi sống ở ngay đây không biết, chỉ biết rằng khi nhà họ đẹp thì đường làng tôi hỏng nát hết thôi”.

Ông Tý còn nói: "Đó là ở trên bờ, còn dưới biển thì họ thả phao, cấm dân tôi đến đánh lưới, cào ốc. Tôi thử hỏi biển của Nhà nước, cha ông chúng ta để lại, chúng tôi sống tất cả nhờ biển, vậy sao họ lại cấm như vậy?".

>> XEM THÊM: Phía sau sự hào nhoáng của FLC <<

Người được bạc tỷ, kẻ không được “cắc” nào

Ông Tý cũng nói thêm: Kể từ khi họ xuất hiện cũng có người dân quê ông được đền bù lớn, như nhà anh chị Thắng - Vân lên tới 11 tỷ đồng. Nhưng cũng có hàng trăm người không có đồng nào. "Có FLC vào, mọi thứ đảo lộn, như giá đất xung quanh bị đẩy lên chót vót, trước kia đất dãn dân chúng tôi mua chỉ vài trăm triệu /suất, giờ thì cả tỷ đồng, dân không mua được. Công thợ xây nhà trước kia chỉ 170 nghìn/ngày giờ lên 250 nghìn…", ông Tý chia sẻ.

Theo ông Tý, hiện tỉnh đã đền bù từ 50 đến 120 triệu đồng cho mỗi phương tiện đánh bắt, nhưng dân phải bỏ nghề thì làm sao giải được bài toán "miệng ăn núi lở". Dân không còn ruộng chỉ còn biển, giờ mất nốt thì chẳng bao lâu sẽ chết đói trên quê hương.

“Nếu vay tiền ngân hàng để đóng thuyền to máy lớn, theo các ông ấy vẽ ra, chúng tôi biết lấy gì ra để trả? Lấy gì mà thế chấp” - ông Tý nói và nghẹn ngào: “Hàng trăm năm nay, dân tôi chỉ vay của biển là không phải trả thôi. Có người chết đuối hụt đến 3 lần cũng chẳng bỏ biển, vì bám biển mới có ăn. Giờ nghỉ biển là chết đói, là sinh ra tệ nạn xã hội, là sinh ra móc túi ăn cắp của du khách, vì "đói ăn vụng, túng làm càn", rồi tù tội ập lên đầu người dân. Như thế, chẳng phải ép ngư dân vào đường cùng thì là gì?”.

img

Cả buổi sáng chẳng có mẻ lưới nào ngoài khơi về chợ cá, chỉ có duy nhất một phường kéo lưới vét.

>> XEM THÊM: FLC và “vấn nạn tập đoàn kinh tế tư nhân" <<

Chợ vắng, trường vắng

Sự việc dân đi biển ở Sầm Sơn gác thuyền lên bờ để phản đối lệnh di dời bến thuyền đi nơi khác của chính quyền thị xã Sầm Sơn như là giọt nước tràn ly, khiến cho đời sống của bà con thêm phần ngột ngạt.

Bình thường từ 5h sáng, bến thuyền của xã Quảng Cư có gần 500 phương tiện đánh bắt, đã đầy ắp cá tôm, và cảnh người bán người mua đã tấp nập. Nhưng nay chúng tôi phục cả buổi sáng chẳng có mẻ lưới nào ngoài khơi về. Chỉ có duy nhất một phường kéo lưới vét, cả chợ cá mà chỉ thu được 3 thùng cá mai, mà có đến hơn 50 người buôn bán lẻ sắp thúng đợi cá. Họ đành phải nhường nhau mua, ưu tiên mấy gia đình khó khăn đã sắp hết gạo.

img

Chợ cá vắng vẻ.

Bà Nguyễn Thị Loan (68 tuổi, thôn Trung Kỳ, phường Trung Sơn) nói: “Tôi năm nay đã đi chợ được 40 năm, nói chung có biển là có tất cả. Chúng tôi là đàn bà, sáng ra bến thuyền buôn bán vặt cũng kiếm được trăm bạc đong gạo, đóng học cho con, cho cháu. Chúng tôi sống ở khu du lịch, nhưng một năm chỉ có 3 tháng là khách tới Sầm Sơn, còn lại 9 tháng chúng tôi ăn bằng gì? Nhưng hôm nay tôi cũng phải nhường cho mấy chị em khác mua mớ cá mai này để họ về đong gạo”.

Còn cô Hoàng Thị Nhị (54 tuổi, thôn Long Sơn, phường Bắc Sơn; cũng là một người buôn bán cá ở bến gần 30 năm) nói: “FLC chỉ tuyển người độ tuổi 18 đến 35 vào làm việc. Tôi 54 tuổi, mồm còn ăn khỏe, chân còn đi được, mà không được tuyển vào làm việc, tôi sống bằng cái nghề gì? Ngày xưa toàn dân đi đắp đê, trồng cây ngăn bão, ngăn gió thì bây giờ mới có khu du lịch Sầm Sơn đẹp thế này? Nếu có bão, có địch đến ông to bà nhớn khách du lịch chạy đi hết, chỉ có dân tôi ra đứng để ngăn bão, ngăn địch thôi. Thời kỳ tàu Mỹ bắn pháo vào đây (năm 1967), dân quê tôi đã phối hợp với bộ đội đánh cháy tàu khu trục hạm của Mỹ. Chúng tôi có 4 liệt sĩ hy sinh. Vậy mà sao tự nhiên thời buổi thanh bình này, chính quyền với doanh nghiệp lại nỡ cắt miếng cơm của chúng tôi. Dân làng biển dân trí thấp, đều học hết cấp I bỏ đi biển rồi, lấy đâu ra trình độ để làm cho FLC bây giờ?...".

>> XEM THÊM: Bảo vệ FLC đuổi ngư dân cào ngao, đánh cá dưới biển <<

Vì dự án, nhà trường Quảng Cư vạ lây

Tại Trường Tiểu học Quảng Cư, thầy Ngô Xuân Hùng - Chủ tịch Công đoàn nhà trường - ái ngại: "Mấy ngày qua, một số học sinh con em của người dân làm nghề biển đã bỏ học, mặc đồng phục theo cha mẹ đi lên TP.Thanh Hóa để phản đối chính quyền về thu hồi bến thuyền. Nhà trường đã phải cử các thầy - cô giáo lên thành phố vận động các cháu về đi học, các thầy - cô giáo phải thuê cả taxi để đưa các cháu lại trường. Từ hôm xảy ra sự việc, nhà trường phải tổ chức dạy và trông các em học sinh cả ngày, tránh sự việc các em bị lôi kéo vào công việc của người lớn".

Thầy Hùng cũng cho biết thêm, ngày hôm qua nhà trường đã cho các em ký cam kết, không bỏ học, theo cha mẹ đi phản đối. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số em vẫn chưa trở lại trường. Hiện cô hiệu phó và một số thầy giáo đã phải lên TP.Thanh Hóa vận động những học sinh còn lại về học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem