Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: Reuters.
"Phía Canada không ngừng nói về nghĩa vụ pháp lý theo hiệp ước dẫn độ song phương với Mỹ. Điều đó có nghĩa họ có thể nhắm mắt làm ngơ và chà đạp lên chuẩn mực cơ bản của luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế sao?", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp tại Bắc Kinh hôm 24.12, đề cập đến vụ Canada bắt giám đốc Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ, theo AFP. "Điều đó có nghĩa là Canada có thể bỏ qua nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc sao?".
Bà Hoa khẳng định Mạnh Vãn Chu "không vi phạm luật pháp Canada như chính phía Canada đã thừa nhận" và gọi vụ bắt bà Mạnh là "xa rời pháp lý", "giam người tùy tiện". Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị Canada sửa chữa sai lầm và ngay lập tức thả bà Mạnh, để Mỹ rút lại yêu cầu dẫn độ và nói rằng bản chất cũng như tác động xấu xa của vụ bắt Mạnh Vãn Chu không thể rõ ràng hơn.
Trung Quốc hôm 10.12 bắt giam hai công dân Canada là cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Sparov, động thái bị giới quan cho là "trả đũa". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này.
"Các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc đã thực hiện biện pháp cưỡng ép phù hợp pháp luật đối với công dân Canada Michael Kovrig và Michael Sparov vì họ tham gia vào các hoạt động phá hoại an ninh quốc gia Trung Quốc", bà Hoa nói, nhấn mạnh thêm rằng các nước liên quan cần tôn trọng chủ quyền tư pháp của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ trích Canada và đồng minh của nước này như Mỹ, Anh và EU "đạo đức giả" khi nói về nhân quyền trong vụ hai công dân Canada bị bắt.
"Tôi tự hỏi họ liên quan như thế nào đến vụ này? Tiếng nói của họ ở đâu khi quản lý cấp cao của một công ty Trung Quốc bị phía Canada bắt bất hợp pháp theo yêu cầu của Mỹ", bà Hoa nói. "Một điều khá rõ ràng là nhân quyền mà họ đang nói đến khác có tiêu chuẩn khác nhau khi áp dụng cho công dân của các quốc gia khác nhau".
Đại sứ Canada tại Trung Quốc đã tiếp xúc lãnh sự với Kovrig và Spavor hôm 14.12 trong nửa giờ nhưng có những lo ngại về tình trạng giam giữ của họ khi chủ tịch Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG), nơi Kovrig đang làm việc, nói rằng anh không được phép gặp luật sư. Trung Quốc sau đó bác bỏ thông tin này.
Công dân Canada thứ ba, được xác định là Sarah McIver, cũng bị bắt vì "làm việc bất hợp pháp" tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trường hợp McIver được cho là ít nghiêm trọng hơn so với những người đồng hương của cô.
Huyền Lê (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.