Vụ giám đốc sở ở TP.HCM mất trộm hơn 1,6 tỷ đồng: Tiền ở đâu ra, hỏi làm gì?

Đức Hoàng (Dòng đời) Thứ tư, ngày 03/09/2014 15:12 PM (GMT+7)
Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM mất trộm 1 tỷ đồng và 30.000 USD. Thiên hạ xúm lại hỏi: Tiền ấy ở đâu ra? Ơ hay, tại sao thiên hạ lại hỏi câu kỳ quặc như thế?
Bình luận 0
1. Có một câu chuyện cũ như thế này: Lãnh đạo của 3 nước gặp nhau. Ông thứ nhất nói: “Thu nhập trung bình của dân tôi là 5.000 đô/tháng. Chi phí thiết yếu cho cuộc sống mỗi tháng chỉ hết 2.000 đô. Chúng tôi không quan tâm họ làm gì với phần còn lại”. Ông thứ hai bảo: “Thu nhập ở nước tôi trung bình khoảng 3.000 đô. Chi phí thiết yếu hết khoảng 2.000 đô. Họ thích làm gì với phần còn lại thì tùy, chúng tôi không quan tâm”.

Ông cuối cùng thủng thẳng: “Thu nhập trung bình ở nước tôi là 700 đô. Mỗi tháng phải tiêu hết 2.000 đô. Họ làm gì để ra chỗ còn lại thì tùy, chúng tôi cũng không quan tâm”.

Từ lâu rồi tồn tại một thực tế khó phủ nhận là mức lương theo ngạch bậc ở nước ta hoàn toàn không đủ sống ở các đô thị. Nếu công chức tự tăng gia sản xuất, trồng thêm luống rau nuôi thêm con gà con lợn, để con cái nghịch đất ngoài đê, buổi tối mùa Hè vợ chồng cầm cái mo cau quạt cho nhau, thì có thể. Nhưng nếu công chức muốn cho con đi học trường mẫu giáo tử tế, không phải nhà trẻ chui có cô giáo nhúng đầu các cháu vào thùng nước, rồi cho các cháu uống thêm ít sữa, học tý tiếng Anh, muốn có truyền hình cáp để xem, có cái điều hòa bật vào mùa Hè, thì bậc lương khoảng 4-5 “phảy” là hoàn toàn vô vọng.

Thế tại sao họ vẫn sống? Thậm chí công chức lại còn “mọc” ra nhiều hơn cả nhu cầu thực tế - theo thừa nhận của chính những nhà quản lý (rằng có một tỷ lệ rất lớn các công chức đang “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về). Tại sao? Như đã nói: Họ kiếm đâu ra chỗ còn lại thì tùy, không ai quan tâm.

Chuyện vốn đã tồn tại như thế suốt hàng chục năm qua. Có một cơ chế “nào đó” cho phép các công chức ăn lương theo ngạch bậc tồn tại, và trở thành một đặc trưng của xã hội ta.

Tất nhiên là thỉnh thoảng công chức cũng thừa nhận rằng họ không thể nào sống được bằng đồng lương nhà nước trả. Xã hội lúc này lại cảm thấy kinh ngạc về điều đó. Ví dụ như việc hàng loạt các bác sĩ của tỉnh Quảng Ngãi xin thôi việc trong bệnh viện nhà nước để ra làm ngoài. Trong 5 năm qua, đã có 22 trường hợp như vậy tại tỉnh này. Có người nói rằng việc này “gây xót xa và phẫn nộ cho dư luận”. Một số người khác, nói rằng họ cần làm việc vì y đức, họ cần cống hiến cho địa phương nơi đã đào tạo mình.

À, đấy, chính đạo đức nghề nghiệp, là mong muốn cống hiến cho quê hương là thứ đã giữ chân hàng chục triệu công chức nước ta trong suốt những năm qua tại nhiệm sở. Chứ không phải đồng lương đủ sống.

Nói chung là ngay từ đầu chúng ta nên gạt đi cái yếu tố “tiền” ra khỏi đời sống của công chức. Hoặc là họ không sống bằng tiền, mà sống bằng lương tâm. Hoặc là họ có một cách bí ẩn nào đó để duy trì cuộc sống, không nhất thiết phải nói ra.
img
Minh họa: Việt Anh.


2. Khi Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM bị mất trộm 1 tỷ và 30.000 USD, ông bị chất vấn rằng ông lấy tiền đó ở đâu ra. Ông bảo đấy là tiền mình tiết kiệm trong 37 năm. Dư luận bán tín bán nghi.

Nhưng tại sao đến khi ông bị mất trộm mới hỏi rằng ông ta lấy tiền ở đâu ra?

Công chức vẫn phải sống, phải mua nhà mua cửa, dựng vợ gả chồng cho con cái, thậm chí tìm cách… cho con mình trở thành công chức. Để tồn tại ở TP.HCM, xin nói luôn, 1,6 tỷ đồng chưa bao giờ là số tiền lớn. Và họ vẫn sống đấy thôi, tại sao ngày thường không ai đặt câu hỏi rằng các vị ấy đã lấy tiền đâu ra để tồn tại?

Nếu phải đặt câu hỏi về “một tỷ”, thì xin thưa là cần đặt một tỷ câu hỏi và không nhất thiết phải đưa ra khi có một vụ trộm.

Vụ trộm chỉ là cái cớ, là hiện tượng khiến người ta phải nhìn thẳng vào sự thật là các công chức vẫn có tiền tỷ - nhưng người ta vẫn coi đấy là sự lạ lắm.

Ở Việt Nam có hàng vạn bác sĩ. Nhưng chỉ có 22 người trong số họ, ở Quảng Ngãi, xin được nghỉ để ra làm riêng. Những người còn lại, vẫn ở lại bệnh viện. Họ yêu nghề, hoặc là họ bằng một cách nào đó xoay xở để có được nhà cửa, nuôi được con cái (tốn cả tỷ đồng trong suốt cuộc đời). Không ai hỏi tại sao - bởi vì không ai quan tâm, hoặc ai cũng đã biết câu trả lời.

Nói chung, ngay từ đầu, câu hỏi ông giám đốc lấy 1 tỷ ở đâu ra đã là một câu hỏi vô duyên.
Chiều 11.8, Đại tá Nguyễn Tấn Đạt - Trưởng Công an Q.1 (TP.HCM), cho biết đã chuyển toàn bộ hồ sơ ban đầu vụ Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường mất tiền, sang Công an TP.HCM.

Đại tá Đạt cho biết khi phát hiện bị mất trộm 1 tỷ đồng và 30.000 USD, ông Đào Anh Kiệt - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM không làm đơn trình báo mà chỉ khai báo vụ việc để Công an Q.1 lập hồ sơ truy xét.

Được biết, ông Đào Anh Kiệt đã khai báo với Công an P.Bến Nghé (Q.1) việc ông để số tiền 1 tỉ đồng và 30.000 USD trong tủ bàn làm việc tại cơ quan nhưng bị mất.

Trao đổi với báo chí, ông Kiệt cho biết số tài sản 1 tỉ đồng và 30.000 USD ông bị mất ở cơ quan là số tiền mồ hôi, nước mắt của ông, do ông để dành mà có. Ông dùng số tiền này để mua trả góp một căn hộ chung cư cho con trai.

Số tiền này do ông rút từ ngân hàng để chuẩn bị giao cho bên bán chứ không phải tiền chung chi, hay tiền tham nhũng, quỹ đen như dư luận đồn đoán. Sau khi đếm tiền, ông bỏ hết vào trong tủ ở phòng làm việc, chìa khóa tủ vẫn cắm trên ổ. Đến khi ông Kiệt tìm chìa khóa để mở tủ nhưng không thấy, gọi thợ khóa đến mở tủ thì số tiền đã không còn.

3. Không đến mức là “đạo đức giả”, nhưng có những thực tế mà chúng ta đã biết tỏng, mà đến lúc được khui ra, vẫn “giả vờ” ngỡ ngàng như thể nó là chuyện gì mới lắm. Đấy là một loại tâm lý không dám nhìn thẳng vào sự thật thường ngày.

Mấy ngày trước, sau thảm họa của máy bay MH17 tại miền Đông Ukraine (nơi mà Nga được cho là có liên quan trong cuộc xung đột), người Hà Lan kéo đến trước cửa nhà con gái Tổng thống Putin tại nước này, biểu tình. Lúc đó, người ta mới lôi ra một sự thật - các lãnh đạo Nga thường xuyên tuyên truyền về “lòng ái quốc”, nhưng thực tế là con cái của họ đều được cho đi học và sinh sống ở các nước phương Tây. Trong đó, có các con của ông Sergei Zheleznyak - Phó Chủ tịch Duma Quốc gia, vốn thường ngày kêu gọi các quan chức Nga “không nên có quan hệ kinh tế với phương Tây” – đều sống tại Tây Âu.

Đằng sau những câu chuyện như thế là gì, ai cũng đã có câu trả lời riêng. Nhưng thông tin ấy được đưa lên thì lại tạo ra chấn động, bài viết thu được non triệu “lượt view”. Đấy là một ví dụ cho những thực tế mà ai cũng hiểu - nhưng đến lúc được nêu ra thì lại nhận được sự “ngạc nhiên giả vờ” của đám đông. Cũng giống như 1 tỷ của một công chức, chẳng cần đến một vụ trộm người ta cũng hiểu rằng nó có tồn tại.

Chỉ có điều thường ngày ai cũng muốn trốn tránh việc phải nhìn thẳng vào nó. Nếu như người ta đặt câu hỏi “ở đâu ra” hàng ngày, với từng công chức, thì có lẽ câu trả lời đã được đưa ra thấu đáo từ lâu. Đằng này, công chức vẫn có, và phải có tiền tỷ (thì mới sống được), còn những câu hỏi thì cứ được đưa ra lõm bõm như một trò đùa của đám đông. Cái ẩn ức “công chức có tiền tỷ”, chính xã hội này nuôi dưỡng bằng việc lờ nó đi chứ không phải là chuyện của một cá nhân nào như ông giám đốc Sở.

Nếu không dám hỏi câu “tiền ở đâu ra” hàng ngày, thì tốt nhất là đừng hỏi nữa. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem