Chìa khóa thông minh (smartkey) của xe máy có thể bị ảnh hưởng do nhiễu sóng vô tuyến. (Ảnh minh họa)
Ngày 6/12, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Tiền Giang đã có thông tin chính thức liên quan tới vụ hàng loạt xe “chết máy” ở khu vực đường Lý Thường Kiệt (đoạn qua phường 4, thành phố Mỹ Tho). Vụ việc khi đó khiến những chiếc xe đã tắt máy sẽ không thể khởi động lại do chìa khóa thông minh (smartkey) bị nhiễu sóng, còn các xe đang hoạt động thì không bị ảnh hưởng.
Theo kết quả đo kiểm do Sở TT&TT tỉnh Tiền Giang phối hợp với Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực II (thuộc Cục Tần số Vô tuyến điện - Bộ TT&TT) thực hiện, nguyên nhân gây nhiễu sóng là do thiết bị “báo khách không dây” trong cửa hàng thời trang Elsa trên đường Lý Thường Kiệt. Thiết bị này đã phát sóng liên tục trên tần số 433.9MHz, trùng với tần số của smartkey nên gây ra hiện tượng nhiễu sóng smartkey của ô tô, xe máy.
“Khi tắt nguồn thiết bị “báo khách không dây” thì hiện tượng can nhiễu đã chấm dứt. Từ 11h ngày 1/12, tình trạng can nhiễu tại khu vực nói trên đã được khắc phục hoàn toàn”, Sở TT&TT cho biết.
Khác với các loại khóa thông thường, khóa thông minh (smartkey) sẽ tự động nhận dạng chip để khóa/mở khóa xe
Về nguyên lý hoạt động của thiết bị “báo khách không dây” trong vụ việc, thiết bị gồm 02 bộ phận là cảm biến (sử dụng tia hồng ngoại) và chuông báo. Hai bộ phận này liên lạc với nhau bằng sóng vô tuyến ở tần số 433.9MHz. Khi có người đi qua, bộ phận cảm biến phát hiện tín hiệu, sau đó truyền tín hiệu vô tuyến về bộ phận chuông báo. Tại thời điểm kiểm tra, thiết bị này đã phát tín hiệu gần như liên tục (có thể do bị lỗi), gây ra hiện tượng can nhiễu.
Trước đó, Sở TT&TT tỉnh Tiền Giang nhận định việc hàng loạt xe không thể nổ máy là do camera không dây (cũng của cửa hàng thời trang Elsa), vì khi đề nghị chủ cửa hàng tắt nguồn thiết bị camera (đồng thời cũng là tắt nguồn các thiết bị khác vì dùng chung một công tắc) thì không còn tình trạng can nhiễu. Khi đó, Sở TT&TT đã đề nghị chủ cửa hàng tạm thời tháo gỡ camera để tránh gây nhiễu.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định chính xác những chiếc camera không dây có “bị oan” hay không. Lý do là các camera không dây nghi ngờ gây can nhiễu trước đó đã được chủ cửa hàng tháo dỡ mang đi nơi khác, nên cơ quan chức năng không thể đo kiểm để xác định xem bản thân những chiếc camera này có gây can nhiễu hay không.
Qua vụ việc này, Sở TT&TT tỉnh Tiền Giang đề nghị các cơ quan, tổ chức cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân khi trang bị, sử dụng các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin, đó là phải có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận và công bố hợp chuẩn, hợp quy,… nhằm tránh gây can nhiễu cho các thiết bị khác.
Nhiều chiếc xe trong cùng một khu vực ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang không thể khởi động máy mà phải dắt ra xa một...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.