Vụ học sinh trường Đoàn Thị Điểm bị bỏ quên trên xe: Kỷ luật giáo viên

Đinh Đang Thứ sáu, ngày 11/09/2020 10:25 AM (GMT+7)
Vụ việc bỏ quên học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) trên xe đưa đón là do người thực hiện bỏ sót quy trình đưa đón học sinh.
Bình luận 0

Sáng 11/9, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Phòng GDĐT quận Nam Từ Liêm cho hay, UBND đã có văn bản chỉ đạo kỹ càng về việc đưa đón học sinh trên địa bàn quận. "Nguyên do sự việc đáng tiếc này là do những người có trách nhiệm đã bỏ sót khâu kiểm tra trong quy trình đưa đón. Chúng tôi đã yêu cầu xử lý nghiêm khắc để rút kinh nghiệm từ sự việc này. Phòng đã lập đoàn kiểm tra xuống trường để làm việc và nắm rõ thông tin, từ đó xử lý vụ việc" - lãnh đạo này cho hay.

Trước đó, ngày 9/9, theo báo cáo của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, khoảng 7h sáng 9/9, sau khi trả học sinh ở cổng số 4, tài xế Nguyễn Văn Thạo - nhân viên lái xe của trường đã lái xe về cổng số 1 của nhà trường. Lúc xuống xe, cô giáo phụ trách xe số 38 và lái xe đã chủ quan, bỏ qua việc đi xuống cuối xe kiểm tra trước khi xuống nên đã bỏ sót 1 em học sinh.

Kỷ luật giáo viên bỏ quên học sinh trường Đoàn Thị Điểm bị bỏ quên trên xe - Ảnh 1.

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm.

Khoảng 8h sáng cùng ngày, học sinh này tỉnh dậy và tự mở cửa xe để đi vào trường từ cổng số 1. Do học sinh vào kịp giờ điểm danh nên giáo viên không phát hiện ra sự việc.

Đến cuối ngày học, nhà trường phát hiện sự việc, đã tổ chức họp khẩn để kiểm tra quy trình và rà soát camera an ninh, xác định cô giáo theo xe và tài xế xe số 38 đã bỏ qua bước kiểm tra sau khi học sinh xuống xe theo quy định.

Trong ngày 10/9, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm đã họp toàn thể cán bộ quản lý học sinh đi ô tô và yêu cầu thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình đón, trả học sinh đi ô tô, không để trường hợp tương tự xảy ra.

Ban lãnh đạo nhà trường đã quyết định kỷ luật cô Lưu Thị Quỳnh Nga và tài xế Nguyễn Văn Thạo, đồng thời thay cán bộ phụ trách xe số 38 từ sáng 10/9. Lãnh đạo Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cùng Phòng GDĐT Quận Nam Từ Liêm cũng đã trực tiếp liên hệ với gia đình học sinh để hỏi thăm tình hình sức khỏe, tâm lý của học sinh và trực tiếp đến xin lỗi gia đình.

Theo công văn số 3523/BGDĐT-GDCTHSSV về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô do Bộ GDĐT ban hành có ghi rõ:

Nhà trường phải có trách nhiệm xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy trình đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trong đó phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh. Khi ký kết hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của các bên liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho học sinh. 

Đặc biệt, nhà trường phải phân công giáo viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông tham gia đưa đón học sinh bằng xe ô tô; chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, đảm bảo trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định, kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe, khi lên, xuống xe ô tô; bàn giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của lái xe. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm phối hợp quản lý học sinh, thông báo kịp thời cho gia đình khi học sinh vắng mặt chưa rõ lý do.

Hiệu trưởng (hoặc người đại diện pháp luật của trường) chịu trách nhiệm trước pháp luật, gia đình học sinh về toàn bộ hoạt động đưa đón học sinh của nhà trường, về sự an toàn của học sinh. Thường xuyên trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình trong việc kiểm tra, giám sát về chất lượng dịch vụ, về trách nhiệm của giáo viên, nhân viên đưa đón học sinh để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh, nhằm đảm bảo an toàn đối với học sinh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem