Vũ khí 100% tự tìm diệt địch, không cần người "sờ" đến

Quang Minh – Tổng hợp Thứ sáu, ngày 27/10/2017 00:25 AM (GMT+7)
Tốc độ phát triển như vũ bão của vũ khí tìm diệt khiến nhiều nhà khoa học danh tiếng lo ngại về tương lai thống trị của nó với thế giới.
Bình luận 0

img

Loạt đạn lúc sáng sớm

Rạng sáng ngày 25.2.1991, tàu khu trục USS Jarrett của Mỹ nhẹ nhàng lướt đi ở Vùng Vịnh trong sứ mệnh được Bộ Tổng chỉ huy Mỹ giao phó, đề phòng mọi nguy cơ xung đột tiếp tục leo thang. Cuộc chiến ở Trung Đông hao tiền, tốn của đang đi vào những ngày tháng cuối cùng. Quân Iraq được xem là sẽ sớm thua cuộc và đầu hàng chỉ còn tính bằng thời gian.

Toàn bộ thành viên thủy thủ đoàn USS Jerrett đang say ngủ sau một đêm làm việc mệt nhoài ngoài khơi. Những con sóng hung dữ, có khi cao tới vài ba mét, khiến họ lảo đảo, mệt mỏi. 5 giờ sáng, đèn tín hiệu trên tàu bất chợt bật sáng, còi réo loạn xạ. Hệ thống phòng thủ chủ động Phalanx bất ngờ xối đạn vào mục tiêu ở xa. Tất cả quân nhân bật dậy mà không hiểu chuyện gì.

img

Sau khi định thần, họ mới biết rằng suýt chút nữa tàu chiến của mình đã trở thành phế liệu khi quân đội Iraq nã quả tên lửa Silkworm (Tơ tằm) vào tàu khu trục. Nhờ hệ thống pháo cảnh báo Phalanx hoạt động với cơ chế tự tìm-diệt mục tiêu, con tàu USS Jarrett đã an toàn mà không gặp phải bất kì sự cố nào. Điều đáng tiếc duy nhất là khẩu pháo tự động cũng đã nã loạt đạn vào tàu Missouri của hải quân Mỹ nằm cách đó hơn 4 km. May mắn là không có thương vong về người.

Khi vụ việc xảy ra, điều những chuyên gia và người dân quan tâm nhất chính là hệ thống pháo phòng thủ tự động mang tên Phalanx. Đây chính là lá chắn bảo hộ tuyệt vời cho những tàu chiến, bất kể thời gian, thời tiết.

Video pháo Phalanx biểu diễn bắn thử.

Hệ thống Phalanx có mặt trong quân đội Mỹ và được trang bị cho các tàu chiến từ năm 1970. Nó có thể tự động xác định và tấn công tên lửa diệt hạm mà không cần sự can thiệp của con người. Với khẩu pháo Vulcan tích hợp hệ thống cảm biến bằng máy tính siêu nhạy, pháo Phalanx có thể bắn hạ mọi tên lửa, rocket, đạn pháo, máy bay và tàu mặt nước bén mảng gần tàu khu trục.

Hệ thống vũ khí tự động tìm-diệt mục tiêu trở thành trụ cột quan trọng của mọi quân đội, biến các hệ thống vũ khí thông thường có được sức sát thương ghê gớm. Hiện nay, quân đội nhiều nước như Nga, Israel, Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh phát triển loại vũ khí ưu việt này. Lí do đơn giản của việc không sử dụng con người với hệ thống tìm diệt là bởi tốc độ phòng thủ đôi khi chỉ tính bằng đơn vị phần ngàn giây, quá nhanh cho con người phản ứng.

Vũ khí tự diệt mục tiêu

img

Máy bay BAE Raven của không quân Anh trong buổi diễn tập.

Vũ khí tự động tìm-diệt mục tiêu (LAW) là một loại robot quân sự tự động, được dùng để xác định và tấn công người, mục tiêu của đối phương mà không cần sự can thiệp của người điều khiển. Loại vũ khí này có thể vận hành trên không, trên đất liền, mặt nước, dưới nước hoặc thậm chí là không gian.

Vũ khí LAW không nên bị hiểu nhầm với máy bay không người lái (drone) vì drone vẫn có con người điều khiển từ xa. Thiết bị tự động tìm diệt hoạt động theo cơ chế chủ động 100%, tự tìm, ra quyết định và hạ gục mục tiêu. Con người chỉ có nhiệm vụ duy nhất là bảo trì hệ thống và đảm bảo máy móc hoạt động trơn tru.

Hiện nay, hệ thống tìm diệt ưu việt nhất được cho là máy bay tự động Taranis của tập đoàn công nghệ BAE (Anh). Đây là máy bay không người lái, tự động tìm, xác định mục tiêu và tấn công khi được chỉ huy cho phép. Vai trò của người điều khiển được xóa nhòa vì máy tính tự ra quyết định dựa trên tình trạng thực tế.

Nếu xét về số lượng vũ khí tự tìm diệt mục tiêu, Nga là nước có trong tay nhiều robot tự động nhất. Dự án Nghiên cứu Tối cao Liên bang Nga là cơ quan chịu trách nhiệm sáng chế và phát triển các loại vũ khí tối tân này.

Đầu tiên phải kể đến robot chiến đấu với mục tiêu lớn nhất là thay thế con người trong tương lai trên thực địa. Robot Nerekhta được dùng vào 3 nhiệm vụ: chiến đấu, vận chuyển và trinh sát pháo binh. Robot này sẽ được trang bị súng máy Kord hoặc Kalashnikov tùy theo nhiệm vụ chiến đấu. Ngoài ra, Nerekhta có thể gắn súng phóng lựu AG-30M hoặc súng chống tăng.

img

Hệ thống phòng thủ chủ động Trophy của quân đội Israel có thể diệt mọi tên lửa tới gần xe tăng.

Loại vũ khí tự động thứ hai rất đáng chú ý là robot tự vệ, được sử dụng tại các cơ sở chiến lược, đặc biệt là các kho chứa tên lửa hoặc bãi phóng quan trọng. Robot này sẽ được gắn súng máy, súng phóng lựu tự động và có trách nhiệm bảo vệ kho tên lửa trước mọi kẻ thù, kể cả trong đêm tối. Cự li hoạt động hiệu quả của robot bảo vệ là bán kính 400 mét.

Ngoài những thiết bị hoàn toàn mới, quân đội Nga cũng phát triển các loại vũ khí tự động dựa trên thiết bị sẵn có. Tiêu biểu trong số này, nhà máy Uralvagonzavod đang nghiên cứu để biến xe tăng chủ lực T-90 thành một cỗ máy tự động hoàn toàn.

T-90 sẽ được gắn một “mắt tổng hợp”, là một hệ thống quan sát kĩ thuật hiện đại giúp kiểm soát toàn bộ hệ thống tấn công trên xe tăng. Khi tham chiến, hệ thống này sẽ đưa ra bức tranh toàn cảnh cho sở chỉ huy về những gì đang xảy ra để giúp đưa ra quyết định tốt nhất. Một phiên bản khác của xe tăng T-14 Armata cũng đang được nghiên cứu phát triển và dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2018.

Theo thiếu tướng Yurri Stavitsky, giám đốc tập đoàn Engineering Troops, vũ khí không người lái và có khả năng tìm diệt sẽ tăng khả năng trinh sát hoặc tấn công trên thực địa. Các thông tin gửi về sở chỉ huy theo thời gian thực sẽ giúp tướng lĩnh có phương án tấn công hiệu quả nhất.

Rào cản đạo đức

img

Robot tự tìm diệt của quân đội Nga.

Những bước tiến đạt được với vũ khí tìm diệt khiến dấy lên nhiều tranh cãi về việc loại thiết bị này sẽ thống lĩnh thế giới trong tương lai gần. Một nhóm hơn 1.000 các nhà khoa học danh tiếng đã kí vào bức thư cảnh báo chạy đua vũ trang trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sẽ là thảm họa với thế giới.

Bức thư cảnh báo này được đệ trình lên Hội nghị Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo lần thứ 24 ở thủ đô Buenos Aires (Argentina). Trong số những người chỉ trích vũ khí tự tìm diệt, nổi bật hơn cả là tỉ phú Elon Musk, nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking hay đồng sáng lập tập đoàn Apple Steve Wozniak.

Stuart Russell, giáo sư khoa học máy tính trường Đại học California nói rằng vũ khí tự tìm diệt là “vô nhân tính và vô đạo đức”. Russell cho rằng loại vũ khí này chỉ dành cho chế độ độc tài vì nó ra các quyết định giết người mà không cân nhắc tới hậu quả lâu dài.

_________
Loại vũ khí có thể diệt gọn máy bay, tên lửa đối phương mà không tốn một viên đạn nào sẽ là tương lai của chiến tranh thế giới? Đón đọc kì tới xuất bản ngày 28.10.

Vũ khí rút sạch không khí trong phổi, lấy mạng người trong nháy mắt

Đây được mệnh danh là loại vũ khí mạnh nhất lịch sử chỉ sau vũ khí hạt nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem