Theo báo Hàn Quốc Chosun Ilbo, các kỹ năng tấn công mạng của Triều Tiên đã được phát triển đến mức độ "gần như hoàn hảo" giúp Bình Nhưỡng kiếm được khoảng 1 tỷ USD/năm.
"Các tin tặc có thể mang về cho Triều Tiên 1 tỷ USD/năm, tương đương 1/3 giá trị xuất khẩu của nước này", theo Chosun Ilbo.
Tin tặc Triều Tiên được tin rằng có thể gây ra các vụ tấn công mạng làm vô hiệu hóa mạng lưới đoàn thể, lấy cắp tiền từ ngân hàng và làm hư hại nghiêm trọng cơ sở vật chất.
Giới chức tình báo Mỹ từ lâu đã xếp hạng Triều Tiên là một trong những quốc gia có thể thực hiện những đợt tấn công mạng nguy hiểm đối với Mỹ, bên cạnh Nga, Trung Quốc và Iran.
Triều Tiên được cho là đang có hơn 6.000 tin tặc, được giao nhiệm vụ đánh cắp các bí mật và tiền từ các công ty, tổ chức và chính phủ nước ngoài, New York Times dẫn lời một chuyên gia tình báo Mỹ cho biết.
Triều Tiên bắt đầu đào tạo tin tặc vào những năm 1990. Trước đây, các tin tặc Triều Tiên chủ yếu tấn công các mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011, mục tiêu tấn công của tin tặc Triều Tiên được mở rộng đáng kể. Không chỉ thực hiện các nhiệm vụ quân sự, tin tặc Triều Tiên còn được giao các nhiệm vụ kinh tế, tình báo và tuyên truyền.
Tin tặc Triều Tiên từng bị cáo buộc đánh cắp tiền từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và tấn công cá ngân hàng cũng như các đài truyền hình Hàn Quốc năm 2012 song Bình Nhưỡng bác bỏ việc này.
Đặc biệt, năm 2014, quan chức tình báo Mỹ cáo buộc tin tặc Triều Tiên tấn công hãng phim Sony Pictures, phá hủy hệ thống máy tính và công bố các dữ liệu nhạy cảm của công ty để trả đũa bộ phim đả kích nhà lãnh đạo Kim Jong-un của hãng này.
"Mọi người đều tập trung vào bom nguyên tử, vũ khí hạt nhân. Nhưng có một loại vũ khí khác nhiều nguy hại hơn", Robert Silvers, cựu trợ lý về chính sách an ninh mạng tại Bộ An ninh Nội địa Mỹ cảnh báo về sự nguy hiểm của tin tặc Triều Tiên.
Đầu năm nay, Bộ An ninh Nội Mỹ đã đưa ra cảnh báo về việc một nhóm tin tặc Triều Tiên có tên gọi “Hidden Cobra” (Rắn hổ mang giấu mặt).
Kể từ năm 2009, nhóm Hidden Cobra đã tấn công và xâm phạm một loạt nạn nhân. Tên nhóm này được đặt tên theo một nghi phạm trong vụ vụ cướp 81 triệu USD từ ngân hàng trung ương Bangladesh. Các quan chức Mỹ cho rằng, một trong những hoạt động chính của nhóm tin tặc này là kiếm tiền hỗ trợ cho chính quyền cũng như chương trình vũ khí Triều Tiên.
Dmitri Alperovitch – người đồng sáng lập công ty an ninh mạng Crowdstrike bình luận: “Có lúc chúng tôi lo ngại Triều Tiên sẽ trả đũa chống đối lại tình hình căng thẳng leo thang hiện nay qua tấn công mạng, và cụ thể là nhằm vào các lĩnh vực tài chính của chúng ta. Đây là điều mà họ hoàn toàn là bậc thầy so với Hàn Quốc”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.