Lễ ra mắt tàu ngầm lớp Scorpene đầu tiên của Ấn Độ tháng 4.2015.
Tàu ngầm tấn công INS Kalvari được đặt theo tên của một loại cá mập hổ biển sâu phản ánh sức mạnh "bất khả chiến bại" của nó. Việc tàu ngầm lớp Scorpene được đưa vào biên chế Hải quân Ấn Độ cuối tháng này đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Ấn Độ để tái xây dựng Hải quân nước này.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung-Ấn đang leo thang căng thẳng vì tranh chấp Doklam. Hải quân Trung Quốc hiện mở rộng hạm đội với 60 tàu ngầm (trong khi Ấn Độ chỉ sở hữu 15 tàu) và đang tăng cường thâm nhập vào Ấn Độ Dương khiến nhiều chiến lược gia ở New Delhi quan ngại, xem đây là một thách thức an ninh quốc gia.
Một quan chức Hải quân Ấn Độ giấu tên cho biết, tàu ngầm chạy bằng diesel của Trung Quốc đã xâm nhập vào Ấn Độ Dương hồi tháng 5 và vẫn đang ẩn náu tại đây. Đây được xem là hồi chuông cảnh báo đối với Ấn Độ về sức mạnh hải quân đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc.
Tàu ngầm tấn công INS Kalvari của Ấn Độ hạ thủy năm 2015 tại xưởng đóng tàu Mumbai
INS Kalvari là một trong 6 tàu ngầm Scorpene thuộc dự án 75 do Ấn Độ chế tạo dựa trên cơ sở tàu ngầm Scorpene của Pháp dưới dạng hợp đồng chuyển giao công nghệ trị giá 3,6 tỷ USD giữa 2 nước vào tháng 10.2005
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Subhash Bhamre cho biết hồi tháng 7 rằng, chiếc đầu tiên trong dự án này sẽ đi vào hoạt động vào tháng 8. Trước đó, INS Kalvari được hạ thủy đưa vào chạy thử nghiệm trên biển ngoài khơi phía tây Mumbai năm 2015.
Tàu ngầm tấn công INS Kalvari có lượng dãn nước 1550 tấn, dài 67m, rộng 6,2m; phạm vi hoạt động 6500 hải lý (12.000km) khi nổi và 550 hải lý (1020km) khi lặn. khả năng lặn sâu 350m, thủy thủ đoàn 31 người có thể hoạt động liên tục 50 ngày trên biển. Tàu sử dụng động cơ diesel MPU 12V 396 SE84 cho phép đạt tốc độ tối đa 20 hải lý/h (37km/h) khi lặn và 12 hải lý/h (22km/h) khi đi nổi.
Tàu có thể thực hiện các nhiệm vụ khác nhau như chống tàu ngầm, thu thập thông tin tình báo, rải thủy lôi và giám sát khu vực. Tàu có thể phóng được cả ngư lôi và tên lửa đối hạm cả khi nổi và khi lặn. Theo thiết kế, nó có thể mang 18 ngư lôi, tên lửa hoặc 30 quả thủy lôi.
Pushan Das, một nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh Quốc gia của Quỹ Nghiên cứu Observer Research ở New Delhi bình luận rằng, việc thiếu kế hoạch dài hạn và cam kết mua sắm vũ khí trong các chương trình quốc phòng có thể bị xem là sơ xuất nghiêm trọng của chính phủ Ấn Độ. Hải quân Ấn Độ cần phải được chuẩn bị để "chống lại các hoạt động ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc trong khu vực.
Từ năm 1996, hạm đội tàu ngầm tấn công của Ấn Độ đã giảm từ 21 xuống 13 tàu chạy bằng diesel vì Hải quân nước này không thể tìm nguồn thay thế các tàu đã hết đát.
Toàn bộ hạm đội - bao gồm các tàu Kilo của Nga và tàu HDW của Đức - ít nhất đều đã 20 năm tuổi. Tuy nhiên, tất cả các tàu này sẽ được mở rộng hoạt động cho đến năm 2025.
Ngược lại, hạm đội 60 tàu ngầm của Trung Quốc có tới 5 tàu tấn công bằng năng lượng hạt nhân, 54 tàu tấn công chạy bằng diesel. Đến năm 2020, lực lượng này sẽ tăng lên 69 đến 78 tàu ngầm, theo báo cáo của Lầu Năm góc.
Mặc dù theo các nhà phân tích, phải mất nhiều năm nữa, hạm đội tàu ngầm Trung Quốc mới có thể đặt ra mối đe dọa đáng kể cho Ấn Độ, nhưng New Delhi cũng đang gấp rút nâng cấp hạm đội tàu ngầm.
Ngoài đưa INS Kalvari vào biên chế Hải quân, tháng 2.2015, Ấn Độ cũng chấp thuận đóng thêm 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Rất ít thông tin được tiết lộ về chương trình 600 tỷ rupee này.
Chưa hết, ngày 21.7 mới đây, Ấn Độ khởi động một chương trình khác để đóng thêm 6 tàu ngầm diesel. Dự án này cũng có giá trị khoảng 500 tỷ rupee.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.