Sự việc phát sinh do những phản đối của chính quyền và luật đặt tên của Iceland gây ra. Ngày 21/3/2013, Tòa án quận Reykjavik đã chính thức công nhận cái tên Blaer (với ý nghĩa là làn gió nhẹ) có thể được sử dụng để đặt tên một cách hợp pháp trên khắp Iceland.
Cũng giống như một số ít quốc gia bao gồm cả Đan Mạch và Đức, Iceland có những quy định hà khắc về việc đặt tên cho trẻ. Tên được sử dụng phải phù hợp với ngữ pháp Iceland và những quy định về phát âm nghiêm ngặt. Ví dụ như việc các bậc cha mẹ ở nước này không được đặt tên cho con mình là Carolina hay Christa vì phụ âm “C” không có trong bảng chữ cái Iceland.
|
Hai mẹ con Blaer. |
Quy định vô lý
Trong danh sách “được chấp thuận” tại Iceland có 1.712 cái tên dành cho nam và 1.853 tên dành cho nữ được chính phủ đặt ra với lý do bảo vệ trẻ em khỏi những sự xấu hổ không đáng có từ những cái tên bất thường gây nên. Để đặt tên con, phụ huynh sẽ lựa chọn một cái tên trong danh sách đó và trình lên một hội đồng đặc biệt có thẩm quyền cho phép hoặc không cho phép việc đặt tên này.
Phán quyết của Tòa án quận Reykjavik cũng có nghĩa là cái tên Blaer sẽ được những bậc cha mẹ khác sử dụng để đặt tên cho con gái của mình.
Sau khi nghe phán quyết, Blaer nhẹ nhõm cho biết: “Tôi rất vui mừng. Tôi hạnh phúc vì mọi chuyện đã kết thúc. Giờ tôi hy vọng là mình có thể có giấy tờ tùy thân mới. Cuối cùng thì tôi cũng có được cái tên Blaer trong hộ chiếu của mình”. Cho đến trước khi quyết định này được tuyên bố, Blaer Bjarkardottir vẫn được gọi một cách chung chung là “cô gái” khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến giấy tờ.
Mặc dù luật pháp Iceland đã trở nên thoải mái hơn nhiều với việc công nhận tên “Elvis” - cho những người hâm mộ ông hoàng nhạc rock and roll Elvis Presley, nhưng những cái tên dễ thương như Cara, Cesil vẫn bị từ chối không thương tiếc bởi chữ cái C không nằm trong bảng 32 chữ cái của đất nước này.
Sự việc cũng dẫn đến tranh luận của một số thành viên trong chính phủ. Một trong số đó cho rằng: “Mỗi người có ý kiến riêng, có những thứ người này thấy đẹp nhưng người kia lại thấy xấu. Vì vậy, việc đặt ra những quy định này khá vô lý. Ví dụ trường hợp cái tên Satania đối với một số người thì thấy dễ thương nhưng lại không được chấp nhận vì nó gợi người ta nghĩ đến quỷ sa tăng”.
Hội đồng cũng có quyền phủ quyết với những người muốn thay đổi tên, có thể từ chối những tên đệm “vô nghĩa” như Zeppelin hay X. Một trường hợp cũng gặp rắc rối với tên của mình là vào năm 2006, khi một nghệ sĩ Iceland có tên Birgir Orn Thoroddsen đệ đơn xin chuyển thành tên Curver, đó là tên mà mọi người gọi anh từ khi anh 15 tuổi. Tuy nhiên, anh nói mình biết rõ hội đồng sẽ từ chối đơn của mình.
Để phản đối lại quyết định này của chính quyền, vào sinh nhật lần thứ 30, anh ta đã mua một trang quảng cáo trên báo địa phương để đăng thông điệp “Từ ngày 1.2.2006, tôi sẽ được biết đến với tên Curver Thoroddsen. Tôi mong nhà nước, bạn bè và đồng nghiệp tôn trọng quyết định của mình”.
Thoroddsen cho biết mình có thể hiểu được những quy định khi không cho bố mẹ đặt tên con bằng những cái tên ngốc nghếch, ngu ngốc như “Cún”, “Chó”… nhưng thật lạ khi người lớn không được quyền quyết định tên cho chính mình. Mặc dù anh vẫn khăng khăng giữ các kháng nghị của mình và chia sẻ thông qua các phương tiện truyền thông nhưng dường như chính quyền không hề nao núng và cho đến nay những giấy tờ tùy thân của anh vẫn lấy tên Birgir Orn Thoroddsen.
Vụ kiện lạ lùng
Ban đầu, cái tên Blaer bị từ chối vì người ta cho rằng nó quá nam tính và không phù hợp để đặt cho một bé gái. Blaer lại cho biết cô hoàn toàn thoải mái với cái tên của mình cho đến khi các nhà chức trách để ý đến nó. Mẹ của cô bé chỉ biết đến việc tên của cô chưa được đăng ký hợp pháp sau khi vị linh mục đã rửa tội cho cô thông báo với bà rằng, ông ta đã lầm lẫn trong việc cho phép cái tên này.
Bà cho biết: “Tôi không hề biết rằng tên Blaer không có trong bản danh sách những cái tên được chọn của chính phủ. Tôi thậm chí còn biết một cô gái với cái tên Blaer đã được chính phủ chấp nhận vào năm 1973. Chính phủ không cho phép sử dụng cái tên này vì nó đầy nam tính, mặc dù nó cũng đã được Halldor Laxness - một nhà văn Iceland từng đoạt giải Nobel - sử dụng để đặt tên cho nhân vật nữ của mình.
|
Một tờ báo đưa tin về việc Birgir Orn Thoroddsen đòi đổi tên. |
Mẹ của Blaer, bà Bjork Eidsdottir, đã có một thời gian dài chiến đấu với luật pháp và chính quyền Iceland nhằm giành quyền công nhận cái tên Blaer cho con gái mình. Bà nói: “Có rất nhiều cái tên kỳ lạ được chấp nhận khiến tôi cảm thấy thêm bực bội vì Blaer là một cái tên Iceland hoàn hảo. Đó là quyền cơ bản của con người khi được đặt tên con mình theo ý muốn, nếu nó không gây hại cho đứa trẻ. Và con gái tôi rất yêu cái tên của mình”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bà Bjork Eidsdottir cho biết mình đã rất bất ngờ khi được thông báo rằng cái tên mà bà đặt cho con gái không nằm trong danh sách được chấp nhận.
Nhưng sau đó, trong quá trình các phiên tòa được mở ra, từ những lời khai và các bằng chứng khác, cái tên Blaer có thể được sử dụng cho cả nam lẫn nữ và Blaer hoàn toàn có quyền được quyết định tên của mình theo như Hiến pháp Iceland và những văn kiện về nhân quyền của châu Âu quy định. Nó bác bỏ những lý lẽ và tranh luận của chính quyền nước này rằng, yêu cầu của bà Bjork Eidsdottir đưa ra nhằm giữ lại cái tên có thể gây ảnh hưởng xấu đến ngôn ngữ Iceland.
Mặc dù đã được công nhận với cái tên Blaer, cô gái Bjarkardottir vẫn phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn khác mà lớn nhất là do cô vẫn được biết đến với cái tên chung chung là “cô gái” trong hàng loạt các giấy tờ nhân thân, ngân hàng… Cô phải mất công giải thích với họ câu chuyện của mình để làm lại những giấy tờ đó. Tuy nhiên, chính phủ Iceland cho biết có khả năng họ sẽ đưa sự việc lên tòa án tối cao.
Còn về phần bà Eidsdottir cũng vậy, bà sẵn sàng theo đuổi sự việc đến cùng. Nếu không có quyết định chấp thuận của tòa án vào ngày 25.1 thì bà cũng dự định sẽ đưa sự việc lên tòa án tối cao nhằm giữ lại cái tên Blaer cho con gái mình. Cuộc “đấu tranh” của họ đạt được sự ủng hộ, đồng thuận của nhiều người khi đây là lần đầu tiên một người dân dám đứng lên “chiến đấu” với chính quyền giành lại tên cho mình.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.