Vụ người Việt chết đuối khi vượt biển tới Anh: Lực lượng cứu hộ bị buộc tội ngộ sát
Vụ người Việt chết đuối khi vượt biển tới Anh: Lực lượng cứu hộ bị kiện tội ngộ sát
Phương Đăng (theo AP)
Thứ tư, ngày 22/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Văn phòng công tố Paris cho biết, họ vừa nhận được một đơn kiện các lực lượng cứu hộ của Anh và Pháp tội ngộ sát vì đã không giúp đỡ các nạn nhân vụ chìm xuồng khiến 27 người di cư chết đuối, trong đó có một công dân Việt Nam.
Theo AP, vụ kiện ngộ sát do tổ chức nhân đạo Utopia 56 của Pháp đệ trình, cáo buộc cảnh sát biển Manche và Biển Bắc, Trung tâm điều hành giám sát khu vực và cứu hộ Gris-Nez ở Pas-de-Calais của Pháp và cảnh sát biển bờ biển Anh đã không nỗ lực hết sức để cứu hộ các nạn nhân trong vụ chìm xuồng hôm 24/11 trên eo biển Manche, khiến 27 người di cư chết đuối, trong đó có một công dân Việt Nam 29 tuổi (được Văn phòng công tố Paris xác nhận thông tin hôm 16/12).
Utopia 56 cho biết, họ "dự định tiến hành các cuộc điều tra để xác định trách nhiệm của các cơ quan cứu hộ Pháp và Anh" trong thảm kịch này. Theo Utopia 56, các nạn nhân đã bị bỏ rơi dù họ đã cố gọi đến các dịch vụ cứu hộ của Anh và Pháp để cầu cứu”.
Nikolai Posner, phát ngôn viên Utopia 56 nói thêm rằng tổ chức này khởi kiện nhằm "nhắc nhở các chính phủ xem lại chính sách biên giới đã cướp đi mạng sống của nhiều người".
Hầu hết các nạn nhân trong vụ chìm xuồng hôm 24/11 trên eo biển Manche là người người Kurd ở Iraq. Ngoài ra còn có 4 người đàn ông Afghanistan, ba người Ethiopia, một người Somalia, một người Ai Cập, một người Kurd ở Iran và một công dân Việt Nam.
Đa số các nạn nhân là nam giới nhưng cũng có 7 phụ nữ, một thiếu niên 16 tuổi và một trẻ em 7 tuổi nằm trong số những người đã thiệt mạng.
Những người di cư đã lên một chiếc xuồng bơm hơi từ Loon-Plage, miền bắc nước Pháp vào ban đêm và vượt qua eo biển Manche để tới Anh.
Nhưng xuồng của họ bị lật và chỉ có 2 người đàn ông, một người Kurd ở Iraq và một người Sudan được giải cứu và sống sót.
Hai người sống sót kể lại với truyền thông người Kurd rằng, những người di cư đã gọi cho lực lượng cứu hộ khi xuồng bị xì hơi và hỏng động cơ nhưng bị phớt lờ. Nạn nhân cho biết, giới chức Anh thì tuyên bố xuồng đang trong vùng biển Pháp, còn Pháp lại nói ngược lại. Thông tin cũng được gia đình các nạn nhân xác nhận.
Tại London, các thủ tục tố tụng cũng đã chính thức được khởi động bởi các gia đình nạn nhân là người Kurd ở Iraq.
Vụ chìm xuồng đã gây ra căng thẳng ngoại giao gay gắt giữa London và Paris. Liên quan đến thảm kịch này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đổ lỗi cho Pháp, cáo buộc Paris kiểm soát kém vấn đề di dân bất hợp pháp, đồng thời yêu cầu Paris đón nhận lại những người đã vượt biển trái phép đến Anh trong một bức thư cho Tổng thống Emmanuel Macron. Ông Johnson thậm chí đăng toàn bộ bức thư lên tài khoản Twitter trước cả khi nhà lãnh đạo Pháp nhận được.
Trong vòng 48 giờ sau khi vụ tai nạn xảy ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đáp trả, cáo buộc Thủ tướng Anh Boris Johnson "không nghiêm túc" ngăn chặn người di cư vượt eo biển Manche để vào Anh.
Trong tuyên bố ngày 26/11, Bộ Nội vụ Pháp tuyên bố: "Chúng tôi coi lá thư công khai của ông Boris Johnson là không thể chấp nhận được và đối lập với các cuộc thảo luận giữa những người đồng cấp".
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin sau đó đã hủy cuộc gặp với người đồng cấp Anh Priti Patel tại Calais vào ngày 28/11 để bàn về vấn đề người di cư bất hợp pháp đã được lên lịch trước đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.