Sau vụ nhồi nhét hơn chục trẻ trong xe 7 chỗ, nhiều phụ huynh từ chối cho con đi trải nghiệm

Tào Nga Thứ ba, ngày 07/11/2023 09:38 AM (GMT+7)
Nhiều phụ huynh cho biết không dám cho con đi trải nghiệm ở trường, lớp sau khi xảy ra vụ nhồi nhét hơn chục trẻ trong xe 7 chỗ của cơ sở mầm non Vườn Trẻ Thơ ở Đông Anh, Hà Nội.
Bình luận 0

Vụ nhồi nhét hơn chục trẻ mầm non trong xe 7 chỗ ở Đông Anh, Hà Nội khiến phụ huynh lo lắng

Sau khi xảy ra vụ cơ sở mầm non Vườn Trẻ Thơ, huyện Đông Anh, Hà Nội nhồi nhét học sinh trong xe 7 chỗ khi đi trải nghiệm khiến dư luận phẫn nộ, nhiều phụ huynh ở Hà Nội bày tỏ hoang mang, lo lắng.

Chị Nguyễn Hồng Nhung, có con học lớp 5 tuổi tại một trường mầm non ở Thanh Xuân, Hà Nội cho hay: "Trường con tôi theo học cũng đang lên kế hoạch tổ chức cho học sinh đi tham quan trải nghiệm ở Long Biên. Tôi là một trong số ít ỏi phụ huynh phân vân việc cho con đi hay không sau hàng loạt vụ không hay xảy ra do tổ chức hoạt động trải nghiệm không đảm bảo. Giáo viên và phụ huynh khác nhắn tin cho tôi để cho con tham gia hòa cùng tập thể, tăng sự trải nghiệm, tương tác cho các con. Con tôi cũng mang tờ giấy đăng ký về cho mẹ ký.

Sau vụ nhồi nhét hơn chục trẻ trong xe 7 chỗ, nhiều phụ huynh từ chối cho con đi trải nghiệm - Ảnh 1.

Vụ hơn chục trẻ mầm non bị nhồi trong xe 7 chỗ khiến phụ huynh lo lắng về hoạt động trải nghiệm. Ảnh: CMH

Trong lúc đang lăn tăn thì tôi đọc được vụ việc hơn chục học sinh bị nhồi trong xe 7 chỗ. Thực sự quá sợ hãi. Vụ việc này khiến tôi mạnh mẽ hơn để quyết định không cho con tham gia. Trải nghiệm là tốt nhưng ngay cả các cô giáo lẫn công ty du lịch không cam kết đảm bảo an toàn cho học sinh thì làm sao phụ huynh dám giao con cho họ được. Bình thường đi chơi 1 mẹ, 1 con trông nhau đã không dám rời mắt rồi, đằng này 1, 2 cô trông cả lớp giữa khu vui chơi".

Còn anh Nguyễn Tuấn Hùng, phụ huynh ở quận Ba Đình, Hà Nội, không giấu được cảm xúc bất bình cho hay: "Tôi ám ảnh khi xem clip. Cho học sinh đi trải nghiệm mà nhồi nhét các con như vậy thì không biết cái tâm của giáo viên để đâu".

Cũng theo anh Hùng, lâu nay anh vẫn cho con tham gia các chương trình ngoại khóa của trường mặc dù có nhiều vấn đề anh chưa thực sự bằng lòng. Ví dụ như địa điểm vui chơi. Cứ một năm 2 lần tổ chức thì hầu như năm nào các em cũng 1 lần đi vào điểm đó. Ăn uống thì cũng chỉ loanh quanh khoai tây và gà rán. Chưa nói đến chi phí nhiều khi cũng quá cao so với trải nghiệm của con.

Không chỉ có phụ huynh, một giáo viên cũng thẳng thắn: "Cho học sinh đi trải nghiệm quanh Hà Nội không hề dễ dàng. Mỗi lần cho học sinh đi trải nghiệm, giáo viên như ngồi trên đống lửa. Đến khi nào về đến lớp, trả hết cho phụ huynh thì giáo viên mới thở phào nhẹ nhõm".

Hoạt động trải nghiệm phải gắn giáo dục với an toàn

Tham quan, trải nghiệm là một trong những hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được các trường phổ thông tại Hà Nội thực hiện từ nhiều năm nay. Việc tổ chức các hoạt động này đặt ra nhiều vấn đề liên quan, trong đó có kinh phí đóng góp của phụ huynh, công tác đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro, cứu hộ cứu nạn cho học sinh.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: "Cho trẻ em tham gia hoạt động trải nghiệm là tốt vì môi trường sống khác hẳn ở trường, ở nhà. Các em cần được học thêm kỹ năng, cống hiến và khám phá. Thế nhưng kèm đó hoạt động trải nghiệm phải có ý nghĩa giáo dục và phải an toàn.

Không chỉ ở khâu tổ chức mà nội dung trải nghiệm của học sinh hiện nay cũng chưa đảm bảo. có hoạt động trải nghiệm còn "ném" các em vào điều kiện rất tệ, hoang sơ, quá khác biệt so với điều kiện ở nhà như tắm suối, nằm rừng… Trẻ dễ gặp nguy hiểm. Chúng ta phải có những quy tắc để phòng tránh nguy hiểm cho trẻ em. Tạo cho các em cuộc sống đa dạng là rất hay nhưng phải an toàn, có giá trị giáo dục".

Sau vụ nhồi nhét hơn chục trẻ trong xe 7 chỗ, nhiều phụ huynh từ chối cho con đi trải nghiệm - Ảnh 2.

Hoạt động trải nghiệm giúp các em học thêm kỹ năng, cống hiến và khám phá. Ảnh: CBF

Mới đây, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, cho biết, cá nhân ông quan ngại với việc tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội bởi có nhiều nguy cơ về đi lại, an toàn giao thông.

Trong khi đó, Hà Nội là cái nôi của các di tích lịch sử văn hóa, không chỉ người dân cả nước mà cả du khách nước ngoài cũng muốn đến tham quan, tìm hiểu. "Do đó, học sinh Hà Nội việc gì phải đi đâu xa. Các nhà trường chỉ cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý di tích trên địa bàn thủ đô là có thể tổ chức hoạt động trải nghiệm, học tập bổ ích, lý thú, hiệu quả cho học sinh", ông Trần Thế Cương nêu quan điểm.

Lãnh đạo ngành giáo dục thủ đô cũng dẫn chứng những tour du lịch, trải nghiệm có nội dung lịch sử - văn hóa ngay trong lòng Hà Nội luôn "cháy vé" tham quan, đồng thời thu hút một lượng khách lớn là người trẻ tuổi như các tour đêm tại di tích nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long hay mới đây nhất là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Các trường học có thể tham khảo loại hình du lịch này để tổ chức cho học sinh thêm hiểu biết, gắn bó và tự hào về mảnh đất quê hương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem