Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cẩm Nhung sinh năm 1940 ở Hà Nội, năm 15 tuổi thì di cư vào Nam. Sau biến cố gia đình, cô xin làm tiếp viên trong một nhà hàng, sau này làm gái nhảy chuyên nghiệp. 19 tuổi, Cẩm Nhung đã là gương mặt quen thuộc của các quán bar, nhân vật mà bất cứ dân chơi Sài Thành nào cũng biết đến.
Vừa trẻ, vừa nhảy đẹp, lại có gương mặt khả ái, Cẩm Nhung ngay lập tức lọt vào mắt xanh của các công tử, giới nhà giàu. Trong số đó có trung tá Trần Ngọc Thức (Thức công binh), nhân vật có tiếng trong giới ăn chơi Sài Gòn. Ông mê đắm Cẩm Nhung ngay từ cái nhìn đầu tiên, mỗi lần đến vũ trường Kim Sơn là lại tìm cách ở gần cô.
Cả hai bắt đầu có những cuộc hẹn hò bí mật, dần dà thành công khai. Cẩm Nhung biết Thức công binh đã có gia đình nhưng vẫn sẵn lòng là “phòng nhì” của ông. Biết chuyện chồng ngoại tình, vợ Thức công binh là Năm Rađô đã nhiều lần đón đường Cẩm Nhung để đe dọa. Thế nhưng cô vũ nữ vẫn không chịu dừng lại.
Khoảng 10 giờ đêm 17/7/1963, Cẩm Nhung như thường lệ từ nhà đến vũ trường Kim Sơn. Khi đang cách chiếc taxi khoảng 10 mét, có một gã đàn ông băng nhanh qua đường về phía cô. Chưa kịp định hình, cô vũ nữ bị tạt nguyên một ca axit vào mặt và chỉ có thể hét lên cầu cứu rồi gục ngã. Thủ phạm nhanh chóng tẩu thoát trên chiếc taxi có bà Năm Rađô, còn Cẩm Nhung nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện Đô Thành (Bệnh viện Sài Gòn ngày nay).
Vụ đánh ghen năm đó gây chấn động cả miền Nam. Đây cũng là vụ tạt axit đánh ghen đầu tiên tại Việt Nam. Đích thân bà Trần Lệ Xuân khi đó đã đến thăm và đưa Cẩm Nhung sang nước ngoài chữa trị. Đáng tiếc vì vết thương quá nặng nên không ai có thể giúp cô. Bạn bè của Cẩm Nhung bức xúc khi chứng kiến sự dã man đó, đã góp tiền lại thuê luật sư cho cô, đưa vụ việc ra pháp luật.
3 tháng sau khi vụ đánh ghen xảy ra, phiên tòa được mở. Tại tòa, kẻ chủ mưu là bà Năm Rađô và tên tạt axit nhận án 20 năm tù. Người đồng lõa nhận án 15 năm tù. Nhưng án tù đó chỉ có thể làm nguôi ngoai bớt phần nào sự căm phẫn của dư luận chứ hoàn toàn không thể chữa lành cho Cẩm Nhung. Từ một vũ nữ xinh đẹp, suốt phần đời còn lại cô phải sống trong gương mặt biến dạng và mặc cảm.
Gia đình trung tá Thức thì đổ vỡ. Người đàn ông này về sau sống khép kín, không giao du với ai. Bà Năm Rađô sau khi ra tù thì chọn vào chùa để sống. Về phần Cẩm Nhung, cô trở nên chán nản, nghiện ngập, phê pha suốt ngày đêm. Tài sản sau nhiều năm làm được đều dần dần biến mất.
Năm 1969, Cẩm Nhung bắt đầu đi lang thang. Người Sài Gòn bấy giờ vẫn thường thấy Cẩm Nhung đeo tấm ảnh cô và trung tá Thức được phóng to, lê la khắp phố phường ăn xin. Sau này cô được đưa vào trung tâm nuôi người tàn tật nhưng lại trốn ra để xin ăn tiếp. Một thời gian sau Cẩm Nhung hoàn toàn biến mất. Có người cho biết nàng vũ nữ đã qua đời vì bệnh, cũng có tin cô tự kết liễu để không phải trải qua chuỗi ngày bi kịch nữa. Mãi về sau mới biết Cẩm Nhung vẫn sống, vừa bán vé số vừa ăn xin quanh các ngôi chùa ở Hà Tiên.
Năm 2013, Cẩm Nhung qua đời ở một xóm trọ nghèo tại Hà Tiên, Kiên Giang. Cô được người dân sống quanh đó lo cho một cỗ quan tài rẻ tiền. Cuộc đời của cô vũ nữ lừng danh Sài Gòn cứ thế chấm dứt bằng nốt trầm buồn!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.