Vụ nữ tử tù mang thai: Những chi tiết đáng chú ý

Thứ ba, ngày 23/02/2016 15:12 PM (GMT+7)
Đến thời điểm này, vụ việc liên quan đến nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ mang thai 25 tuần tuổi vẫn đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo quy định của luật pháp, chắc chắn nữ phạm nhân này sẽ thoát án tử hình. Cùng nhìn lại những chi tiết đáng chú ý của vụ việc.
Bình luận 0

Chi 50 triệu mua tinh trùng bơm vào âm đạo để mang thai

Tháng 6.2014, Nguyễn Thị Huệ (SN 1974, quê Cao Lộc, Lạng Sơn) bị tuyên án tử hình về tội “mua bán trái phép chất ma túy”. Quá trình bị giam giữ, Huệ làm quen và nhờ phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng (SN 1989, đang chấp hành án phạt 30 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”) giúp Huệ mang thai với giá 50 triệu đồng. Trong tháng 8.2015, Hưng đã 2 lần lấy tinh trùng của mình cho vào túi nylon, kèm theo bơm tiêm rồi để vào nơi Huệ sắp đặt trước. Sau đó, Huệ lợi dụng sơ hở trong thời gian được vệ sinh cá nhân vào buổi sáng để lấy túi tinh trùng mang vào nhà vệ sinh, dùng bơm tiêm bơm tinh trùng vào âm đạo… Đến khi Viện KSND và CQĐT Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện thì tử tù Nguyễn Thị Huệ đã mang thai hơn 25 tuần và thời gian dự sinh vào cuối tháng 4.2016.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 16.2, Công an tỉnh Quảng Ninh đã có thông tin chính thức đầu tiên về vụ việc. Theo thông tin chính thống từ Công an tỉnh này, sau khi phát hiện vụ việc trên, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiến hành tổ chức xác minh, điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.

Kết quả điều tra ban đầu xác định: Đối tượng Nguyễn Thị Huệ biết mình mang án tử hình, lợi dụng tính nhân đạo của pháp luật không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai và những bất cập trong công tác giam giữ nên Huệ đã nảy sinh ý định tìm cách có thai để để tránh án tử hình. Để thực hiện ý định đó, Huệ đã tìm cách làm quen và nhờ phạm nhân nam giúp đưa tinh trùng và bơm tiêm vào cho Huệ để Huệ tự bơm tinh trùng vào cơ thể.

Hiện, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung xác minh điều tra làm rõ để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Khe hở 10cm tại khu giam giữ tử tù giúp phạm nhân thoát án tử?

Theo quy định tại Điều 4. Tiếp nhận, quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình trong buồng giam, Thông tư số 39/2012/TT-BCA quy định việc quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình như sau: Sau khi Tòa án đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án tử hình thì Giám thị trại tạm giam phải làm thủ tục điều chuyển ngay người bị kết án tử hình vào buồng giam tại khu vực giam người bị kết án tử hình; Khu vực, buồng giam người bị kết án tử hình phải bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ 24/24 giờ trong ngày (nếu người bị kết án tử hình là nữ thì phải bố trí cán bộ quản giáo nữ phụ trách).

Trường hợp người bị kết án tử hình có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì có thể bị cùm một chân cả ngày, đêm (24/24 giờ); mỗi tuần được đổi chân cùm ít nhất một lần; mỗi ngày được mở cùm chân một lần, mỗi lần không quá mười lăm phút để người bị kết án tử hình làm vệ sinh cá nhân; trước khi mở cùm chân phải được sự đồng ý của Giám thị trại tạm giam; khi cán bộ quản giáo mở cùm chân phải có cán bộ hoặc chiến sĩ vũ trang bảo vệ giám sát chặt chẽ; Mọi sinh hoạt của người bị kết án tử hình đều được thực hiện trong buồng giam.

Trường hợp người bị kết án tử hình tuyệt thực, trại tạm giam phải lập biên bản, làm rõ nguyên nhân, lý do tuyệt thực và thông báo cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi trại tạm giam đóng để phối hợp giải quyết…..

Như vậy, việc quản lý giam giữ người bị kết án tử hình là rất nghiêm ngặt. Mọi sinh hoạt đều được thực hiện ngay trong phòng giam. Do đó để xảy ra sự việc cho nữ tử tù này đi vệ sinh buổi sáng ra khỏi buồng giam phải điều tra làm rõ.

Tuy nhiên, phát biểu với báo chí, ông Vũ Đức Thành - Viện trưởng Viện KSND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, vụ việc này thể hiện sự bất cập và những kẽ hở trong công tác quản lý trong trại giam, vì vậy rất cần cơ quan điều tra vào cuộc và sớm làm sáng tỏ, không gây ra những bức xúc trong dư luận.

img

Nguyễn Thị Huệ tại phiên xử đường dây 32.000 bánh heroin.

Bên cạnh đó, trả lời báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) cũng cho rằng, sự việc này xảy ra là do phạm nhân được đi lại trong trại giam nên các đối tượng này luôn có nhiều phương pháp, chiêu trò để đối phó. Việc quản giáo giám sát nữ tù nhân thì chỉ có thể được thực hiện kiểm tra khi tù nhân ở bên ngoài, còn khi vào nhà vệ sinh thì quản giáo không thể giám sát, kiểm tra được.

Nguyễn Thị Huệ thoát án tử hình

Sau khi để mình mang thai và bị phát hiện khi thai ở tuần thứ 25, Nguyễn Thị Huệ đã chắc chắn thoát được án tử hình. Vấn đề bây giờ chỉ còn là thời gian. Theo ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TAND Tối cao khẳng định Chánh án TAND Tối cao sẽ quyết định việc giảm án xuống chung thân đối với tử tù Nguyễn Thị Huệ (42 tuổi, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đang mang thai 25 tuần.

Liên quan đến tình tiết này, trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cũng khẳng định, đối chiếu với quy định về điều kiện thi hành án tử hình thì trong vụ án này, kể cả trường hợp sau này trong quá trình mang thai hoặc khi sinh con ra mà thai nhi bị chết thì Nguyễn Thị Huệ vẫn được ân giảm từ án tử hình chuyển thành tù chung thân. Quy định này thể hiện sự nhân đạo của pháp luật XHCN đối với phụ nữ khi mang thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Nhật Lâm (VnMedia)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem