Vụ ô tô UAZ lao xuống vực sâu ở Lâm Đồng: 4 nông dân mất mạng vì xe “ngoài luồng”

Thanh Trúc - Duy Hậu Thứ ba, ngày 04/11/2014 08:15 AM (GMT+7)
Chiều tối 1.11, anh Lơ Mu Ha Mich lái xe UAZ biển số 49H - 7724 chở nhóm nông dân từ rẫy về nhà bất ngờ mất lái, xe lao xuống vực sâu ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Tai nạn làm 4 người chết, 3 người bị thương. Những người bị nạn đều là nông dân, trên đường về nhà sau ngày hái cà phê...
Bình luận 0

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ xe công nông độ chế, xe hết niên hạn sử dụng vẫn chở vật tư, nông sản hoặc chở người bị lật, dẫn đến những cái chết thương tâm cho nông dân ở Tây Nguyên. Theo Nghị quyết 32/2007 của Chính phủ, từ ngày 1.1.2008 hàng loạt loại phương tiện “hết đát” và xe tự chế phải ngừng hoạt động, gồm: ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe 3-4 bánh tự chế.

img Chiếc xe UAZ biển số 49H - 7724 tan tành sau vụ tai nạn làm 4 người chết hôm 1.11.

 

Nông dân bỏ mạng trên đường

Tại các tỉnh Tây Nguyên, xe công nông độ chế, xe hết niên hạn sử dụng vẫn chạy nhong nhong trên đường và bị lật, bị tai nạn xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Trước vụ chiếc xe UAZ biển số 49H - 7724, ngày 23.10, tại ngã 3 buôn Triết trên Quốc lộ 27 - thuộc địa phận xã Đăk Nuê, huyện Lăk, Đăk Lăk - khiến 1 nông dân tử nạn, 8 nông dân khác bị thương nặng. Vào thời điểm trên, ông Y Krang Liêng (55 tuổi), trú buôn Chiêng Cao, xã Đăk Phơi, huyện Lăk - điều khiển xe máy cày tay không đăng ký, chở 13 người trên thùng xe đi gặt lúa cho gia đình. Khi rẽ ra Quốc lộ 27, do vẫn không giảm tốc độ, lại chuyển hướng đột ngột nên xe bị lật nghiêng sang bên phải, gãy trục bánh trước. Hậu quả là ông Y Miên Bkrông tử vong, 8 người khác bị thương. Nguyên nhân vụ tai nạn là do ông Y Krang Liêng có nhiều vi phạm như không làm chủ tốc độ, chuyển hướng đột ngột, không có giấy phép lái xe hạng A4, chở nhiều người trên phương tiện cấm chở người...

Do tính chất thiếu an toàn, đã có rất nhiều vụ chết người do lật xe công nông vận chuyển nông sản. Ngày 5.10, anh Y Bluc Byă (31 tuổi), trú buôn Ea Knốp, xã Cư Ni, huyện Ea Kar, Đăk Lăk - lái xe công nông chở lúa về nhà. Đến đoạn đường liên thôn Ea Rớt, do đường dốc, xe chở quá nặng nên lật nhào, anh Y Bluc bị cả xe và hàng đè chết tại chỗ. Qua điều tra,


Đại tá Nguyễn Văn Đức • Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đăk Lăk
 Nông dân vất vả lắm mới mua được các phương tiện này để chuyên chở vật tư, nông sản nên chúng ta cần quyết liệt trong triển khai, nhưng linh động trong xử lý vi phạm. Mục đích là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, nhưng không gây bức xúc cho người bị xử lý”.

Công an huyện Ea Kar cho biết số lúa do anh Y Bluc Byă chở trên xe lên tới... 4 tấn, gần gấp 3 lần xe tải loại nhỏ.

 

Sau vụ tai nạn xe UAZ hôm 1.11, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng mới giật mình nhận thấy sự nguy hiểm của những chiếc xe “ngoài luồng”. Ông Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở GTVT tỉnh này cho biết, qua điều tra, chiếc xe bị nạn dù đã hết hạn đăng kiểm hơn 1 năm nhưng vẫn được người dân sử dụng ở những vùng ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.

Ông Hiệp thừa nhận, những chiếc xe dạng này vẫn thường xuyên được sử dụng. Cơ quan chức năng khó kiểm soát hết vì xe độ chế, xe hết đát được sử dụng ở nương rẫy, vùng sâu vùng xa... “Tỉnh đã quyết định tiến hành mở đợt thanh kiểm tra về những phương tiện dạng thế này”- ông Hiệp nói.

Những con số đáng giật mình

Khi được hỏi về số vụ tai nạn do xe độ chế, xe hết hạn sử dụng, ông Trương Hữu Hiệp cho biết do là xe “ngoài luồng” và nhiều vụ tai nạn bị dân giấu kín nên không thể thống kê chính xác. Chính tình trạng này là một nguyên nhân khiến việc kiểm soát xe “ngoài luồng” cũng như tai nạn tại khu vực nông thôn trở nên rất khó khăn.

Còn theo Phòng CSGT Công an tỉnh Đăk Lăk, hiện toàn tỉnh có hàng trăm nghìn xe máy cày tay, xe công nông độ chế, xe đã hết hạn sử dụng nhưng chỉ có gần 54.000 phương tiện đăng ký và được cấp đăng kiểm, biển số. Số còn lại là xe tự chế, không đảm bảo kỹ thuật, phần nhiều không có đèn, còi, thiết bị an toàn không đảm bảo, người điều khiển không có giấy phép lái xe...

Từ năm 2012 đến 30.5.2014, toàn tỉnh xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông liên quan đến loại phương tiện độ chế và hết hạn sử dụng này, làm chết 38 người, bị thương 11 người và thiệt hại nhiều tài sản. Các nguyên nhân tai nạn chủ yếu là điều khiển xe không đúng phần đường, chuyển hướng sai quy định, không làm chủ tốc độ, đặc biệt là kỹ thuật và thiết bị an toàn không đảm bảo. Chỉ riêng 3 tháng giữa năm 2014, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã lập biên bản trên 500 trường hợp xe máy cày, đầu kéo độ chế vi phạm, trong đó 316 trường hợp không giấy phép lái xe, 307 trường hợp không có đăng ký xe... và quyết định xử phạt 376 trường hợp.

  Để kéo giảm tai nạn giao thông do xe công nông độ chế, xe máy cày tay và xe hết niên hạn sử dụng gây ra, đại tá Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đăk Lăk cho rằng cần phải tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trên các tuyến đường giao thông nông thôn; phân công mỗi chiến sĩ CSGT phụ trách một xã, thị trấn để nắm tình hình... Bên cạnh đó, khuyến khích người dân tham gia các lớp đào tạo giấy phép lái xe hạng A4... Do phần lớn xe công nông đều do các cơ sở cơ khí nhỏ tự sản xuất, không theo một quy trình, tiêu chuẩn kiểm định nào, do vậy Phòng CSGT cũng kiến nghị UBND tỉnh tổ chức rà soát, yêu cầu các cơ sở sản xuất, lắp ráp cam kết thực hiện đúng các quy định về chất lượng phương tiện, cơ sở nào vi phạm thì kiên quyết đình chỉ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem