Vụ oan sai ở Sóc Trăng: 7 bị can được trao quyết định đình chỉ điều tra

Thứ ba, ngày 27/05/2014 15:03 PM (GMT+7)
Liên quan đến 7 thanh niên bị giam oan sai 7 tháng về tội “Giết người” và “Che giấu tội phạm” ở huyện Trần Đề, ngày 26.5, CQĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã hoàn tất trao quyết định đình chỉ điều tra 7 người này.
Bình luận 0
CQĐT Công an tỉnh Sóc Trăng cũng kết luận các thanh niên: Trần Hol, Trần Cua, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl, Khâu Sóc, Trần Văn Đỡ không phạm tội giết người và Nguyễn Thị Bé Diễm không phạm tội che giấu tội phạm.

Trước đó, như đã thông tin, rạng sáng 6.7.2013, người dân phát hiện thi thể ông Lý Văn Dũng (43 tuổi, ngụ huyện Trần Đề, hành nghề xe ôm) nằm chết gục trên đường lộ đan thuộc ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).

Trong quá trình truy tìm thủ phạm, CQĐT quyết định bắt tạm giam 6 nghi can để điều tra về hành vi giết người, gồm: Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Khâu Sóc và Thạch Sô Phách (cùng ngụ tại huyện Trần Đề). Riêng Nguyễn Thị Bé Diễm (nhân viên phục vụ quán nhậu) cũng bị tạm giam về hành vi không tố giác tội phạm.

Trao quyết định kèm dặn dò không nên tiếp xúc báo chí

Tiếp xúc với PV, Thạch Sô Phách cho biết: “Chiều hôm qua (26.5), em và anh Hol đến CQĐT để nhận quyết định đình chỉ điều tra do một cán bộ công an tên Long trực tiếp trao. Trong buổi trao quyết định này, ngoài em và Trần Hol, còn có chú Long, chú Hưng và một người phiên dịch nữa. Khi tụi em vào phòng, có mấy chú nhà báo cũng vào nhưng cán bộ không cho vào. Tại buổi trao quyết định, chú Long nói CQĐT đã nhận ra sai khi bắt giam oan và ngỏ lời xin lỗi những người bị bắt oan. Đồng thời cho biết tụi em có yêu cầu, đề nghị bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần thì làm đơn gửi cơ quan chức năng để được xem xét giải quyết”.

Thạch Sô Phách cho biết thêm: “Tại buổi trao quyết định này, người công an tên Hưng còn nói với tụi em là ông ta không đánh, tại sao lại nói với báo chí là ông đánh 2 cái. Em nói là có nên tụi em mới khai, không đánh sao tụi em khai được. Trước lúc ra về, cán bộ công an còn dặn thêm đừng tiếp xúc với nhà báo nhiều quá. Nói thật, nếu không có báo chí lên tiếng, nỗi oan của tụi em làm sao giải tỏa được”.

Thạch Sô Phách với quyết định đình chỉ điều tra của công an sau một thời gian chờ đợi.
Thạch Sô Phách với quyết định đình chỉ điều tra của công an sau một thời gian chờ đợi.

Tìm đến nhà Trần Hol thì vợ anh là chị Sơn Thị Hoa (SN 1987) buồn bã cho biết: “Ngày chồng bị bắt, em đang mang thai cháu thứ hai 7 tháng. Vợ chồng vốn đã nghèo, cha mẹ cũng nghèo nên không giúp được gì nhiều. Chỉ có chồng là lao động chính trong nhà nên anh bị bắt, em biết chồng mình bị oan mà không thể nào cứu được, cuộc sống của mẹ con em khốn khó vô cùng. Bụng mang dạ chửa, không làm thuê được nên tiền mua gạo ăn còn không có, lấy tiền đâu thăm nuôi chồng. Nhiều lúc em nghĩ, chồng chết vì oan sai, mẹ con em chết vì nghèo khổ, nhục nhã khi bị mang tiếng chồng giết người. May mà bà con ở địa phương hiểu và thương cho mẹ con em người lon gạo, người vài ba chục sống qua ngày. Nhưng điều khổ tâm nhất của mẹ con em hiện nay là chồng đã được minh oan nhưng tâm tính ảnh thay đổi nhiều so với trước”.

Chị Hoa cho biết: Từ ngày được thả về, Hol ít khi ở nhà mà đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Hầu như anh rất ít về nhà, có đôi lúc thấy anh thẫn thờ như người mất hồn, không nhận ra vợ con, không nhận ra cha mẹ và người quen.

Khi chúng tôi liên lạc với Hol thì anh cho biết đang đi làm thuê ở Cần Thơ. Nhìn đứa con gái mới 7- 8 tháng tuổi của vợ chồng Hol bị nổi sài đẹn khắp đầu nhưng không có thuốc chữa trị, chỉ bôi dung dịch màu tím khắp đầu đang nằm ngủ trên võng trong một căn nhà xập xệ trông đến xót xa. Một người hàng xóm nói với chúng tôi: “Tội nghiệp mấy đứa nhỏ, cha về nhưng ít khi ở nhà, mẹ con sống chủ yếu nương nhờ vào hàng xóm, bà con thương lắm nhưng cả xóm ai cũng nghèo nên không giúp gì được nhiều hơn”.

Được biết, sáng ngày 26.5, Trần Văn Đỡ đã đến cơ quan công an nhận quyết định đình chỉ điều tra bị can. Còn Thạch Mươl được Công an tỉnh gọi điện mời về nhận quyết định đình chỉ điều tra bị can khi đang đi làm thuê ở Bình Dương.

Thạch Sô Phách kể: Khi đến CQĐT nhận quyết định đình chỉ điều tra bị can, cả Phách và Hol đều không có tiền. Sô Phách phải cầm chiếc điện thoại lấy 100.000 đồng để đổ xăng, còn Trần Hol mượn được người quen 100.000 đồng để mang theo. Sô Phách nói trong ngậm ngùi: “Khi tụi em bị bắt, ở quê ai cũng biết và ai cũng cho rằng tụi em giết người dù đã được thả. Bây giờ, tụi em muốn công an cũng phải thông báo cho địa phương biết tụi em không giết người và và bồi thường thiệt hại cho tụi em theo quy định của pháp luật”.

Bà Huỳnh Thị Xiêm (bà ngoại của Thạch Sô Phách) cho biết: “Tối bữa đó, thằng Phách nhậu với bạn bè đến tận khuya, vậy mà sáng ra họ (công an) lại cho rằng nó và bạn bè giết người nên bị bắt. Ngày nó được về, người đầy thương tích, nhìn mà chảy nước mắt. Bây giờ mới có quyết định minh oan cho nó và các bạn là quá muộn. Nếu công an làm việc đúng pháp luật thì làm sao xảy ra oan sai này”.

Bà Thạch Thị Ngọc (mẹ ruột Phách) cho biết thêm, ngày Phách bị bắt, có một người tên Cỏn ở khu chợ Gà (phường 3, TP.Sóc Trăng) nói có quen với công an nên bảo bà đưa cho ông ta 5 triệu đồng để lo cho con không bị họ (công an) đánh đập. Vì vậy, bà đã đưa cho chồng 5 triệu đồng để giao cho người này. Ngày Phách được thả về nhà, người đàn ông tên Cỏn đó gọi điện cho bà trả lại 3 triệu đồng và cho bà biết ông ta chỉ nhận 3 triệu đồng chứ không phải 5 triệu đồng như bà nói. Bà Ngọc cho biết: "Tụi tui đã nghèo, không hiểu biết nên bị lừa gạt nữa, không biết bây giờ phải làm gì để đòi được số tiền trên".

Đa số những người bị bắt oan đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong ảnh là vợ con của Trần Hol.
Đa số những người bị bắt oan đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong ảnh là vợ con của Trần Hol.

Công an Sóc Trăng thừa nhận bắt sai người vô tội

Đại tá Phan Hữu Thúy - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Công an Sóc Trăng - cho biết: Ngày 6.7.2013, Công an tỉnh Sóc Trăng nhận được tin báo có vụ án giết người từ huyện Trần Đề nên tập trung lực lượng nghiệp vụ điều tra. Qua điều tra ban đầu, công an xác định Trần Hol là chủ mưu vụ giết anh Lý Văn Dũng để cướp của, các đối tượng còn lại là tòng phạm. Một số đối tượng lúc đầu không thừa nhận nhưng sau đó đã nhận tội. Trên cơ sở đó, các đối tượng bị tạm giữ, sau đó bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra hành vi giết người.

Sau đó, ngày 18.11.2013, Lê Mỹ Duyên (13 tuổi, ngụ TP.Rạch Giá, Kiên Giang) đã đến Công an TP.HCM đầu thú, thừa nhận hành vi giết nạn nhân Lý Văn Dũng. Sau đó Duyên khai ra Phan Thị Kim Xuyến (15 tuổi, ngụ huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cùng tham gia vụ án. Xuyến bị bắt tạm giam để điều tra hành vi giết người và cướp tài sản; còn Duyên do chưa đủ 14 tuổi nên CQĐT chỉ làm thủ tục đưa vào trường giáo dưỡng.

Đại tá Phan Hữu Thúy cho biết thêm, khi 2 đối tượng nữ ra đầu thú, cơ quan tố tụng còn lưỡng lự, nghi 2 đối tượng này đứng ra nhận tội thay cho nhóm kia để bị xử lý nhẹ vì chưa đến tuổi thành niên. Do đó, công an chưa ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can mà chỉ cho tại ngoại. Nhưng qua điều tra cụ thể đã xác định Duyên và Xuyến là người thực hiện hành vi phạm tội, có chứng cứ thuyết phục.

Qua vụ việc này, Công an tỉnh Sóc Trăng thừa nhận thiếu sót trong việc khám nghiệm hiện trường, tử thi; chưa sử dụng hết các biện pháp nghiệp vụ của công an, quá tin vào lời khai của nhân chứng và các đối tượng, không đối chiếu so sánh, củng cố với các chứng cứ khác. “Tất cả vấn đề trên đã dẫn đến việc bắt, khởi tố, tạm giam các đối tượng trên là vội vàng, thiếu căn cứ, dẫn đến oan sai” - đại tá Thúy nhìn nhận.

Được biết, sau khi thừa nhận bắt oan sai với các đối tượng trên, Đảng ủy, BGĐ Công an tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các đơn vị, cá nhân liên quan tổ chức kiểm điểm, xác định vai trò trách nhiệm, hành vi sai phạm của từng người, kể cả Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra. Việc xử lý phải nghiêm minh, không bao che giấu giếm, sai đến đâu phải xử lý đến đó. Riêng trường hợp oan sai sẽ giao Thủ tưởng Cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Theo nguồn tin riêng của PV, trong ngày 26.5, cán bộ của Viện KSND Tối cao và Bộ Công an đã đến làm việc tại Sóc Trăng về vụ việc này. Đây cũng không phải là lần đầu Cơ quan CSĐT Công an Sóc Trăng làm oan sai công dân.
Dân trí (Theo Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem