Vụ ông Trần Hùng sắp xét xử: Bà bán đồ ăn sáng cũng tham gia bán sách giả

Bách Thuận Thứ ba, ngày 30/05/2023 19:27 PM (GMT+7)
Nhà chức trách xác định, trong vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là sách giáo khoa, có cả người bán đồ ăn sáng cũng tham gia buôn bán mặt hàng này.
Bình luận 0

Cô giáo trường tiểu học tham gia bán sách giả

Như Dân Việt đã đưa tin, vụ án mà ông Trần Hùng - cựu Phó Chánh văn phòng 389, nguyên Tổ trưởng Tổ 304 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường bị truy tố tội "Nhận hối lộ" đang đến giai đoạn xét xử.

Vụ sản xuất, buôn bán hàng giả này đã từng trải qua 4 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung trước khi được đưa ra xét xử. Tòa án nhân dân TP.Hà Nội cũng đã có quyết định đưa 36 bị cáo trong vụ án ra hầu tòa.

Trong vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố tới 36 bị cáo, có người bị cáo buộc "Nhận hối lộ" như ông Trần Hùng; có người bị quy kết "Sản xuất, buôn bán hàng giả"; có người bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và cũng có người bị truy tố tội "Môi giới hối lộ".

Trở lại diễn biến vụ án, theo cơ quan truy tố, đã có rất nhiều người giúp sức và liên quan trong vụ án mà Cao Thị Minh Thuận – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả.

Vụ ông Trần Hùng: Bà bán đồ ăn sáng cũng tham gia bán sách giả - Ảnh 1.

Ông Trần Hùng - cựu Phó Chánh văn phòng 389, nguyên Tổ trưởng Tổ 304 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh: Bộ Công an

Từ Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán, nhân viên Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội đến các chủ xưởng gia công sách, làm bản kẽm, in tem. Từ kế toán đến nhân viên công ty của Thuận và một số công ty khác.

Thậm chí, nhà chức trách còn phát hiện, có cả người bán đồ ăn sáng ở cổng trường tiểu học, cô giáo trường tiểu học cũng tham gia buôn bán sách giáo khoa giả.

Trước đó, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã ra quyết định ngày 31/5 sẽ xét xử ông Trần Hùng bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" và 35 bị cáo khác trong vụ án. Theo quyết định đưa vụ án xét xử, phiên tòa dự kiến kéo dài 7 ngày, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, dưới sự điều hành của thẩm phán Mai Văn Quang. Tuy nhiên, trước khi phiên xử diễn ra, luật sư tham gia phiên toà nhận được thông báo từ tòa án, phiên xử được rời sang ngày 30/6.

Cụ thể, Phan Thị Thanh Thoan – (SN 1973), giáo viên trường tiểu học Chúc Sơn V (Chương Mỹ, TP.Hà Nội) khai nhận đã thực hiện hành vi mua sách giáo khoa giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại nhà sách Minh Thuận để bán ra thị trường.

Theo cáo trạng, Thoan bắt đầu kinh doanh các loại sách giáo khoa từ năm 2018. Quá trình kinh doanh, Thoan mua nhiều loại sách để bán, trong đó có sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành tại cửa hàng sách ở Phố Vọng (Hà Nội) với chiết khấu 15% giá bìa; mua sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại nhà sách Minh Thuận, không có hóa đơn với chiết khấu từ 30% đến 65% giá bìa theo từng loại sách.

Theo đó, từ ngày 22/4/2021 đến ngày 17/6/2021, Thoan nhắn tin, gọi điện đến số điện thoại của nhà sách Minh Thuận, đặt 35 đơn hàng, mua tổng số hơn 3,5 nghìn thùng với hơn 400 nghìn quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tổng giá trị in trên bìa là hơn 10 tỷ đồng, giá mua thực tế hơn hơn 4 tỷ đồng.

Toàn bộ số lượng sách này được Thuận chỉ đạo nhân viên vận chuyển trực tiếp giao hàng cho Thoan. Khi nhận hàng, Thoan hoặc chồng, hoặc cháu ruột trực tiếp ký nhận đủ hàng trên các đơn hàng.

Cáo trạng thể hiện, Thoan đã thanh toán cho nhà sách Minh Thuận thông qua 8 lần chuyển khoản từ tài khoản của mình đến tài khoản của Thuận, tổng số tiền là 837 triệu, còn nợ hơn 3,2 tỷ.

Vụ ông Trần Hùng: Bà bán đồ ăn sáng cũng tham gia bán sách giả - Ảnh 2.

Một số đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả. Ảnh: Bộ Công an

Thoan thừa nhận việc đặt mua, nhận tổng số lượng sách nêu trên nhưng khai đã trả lại hết cho nhà sách Minh Thuận vì không bán được. Thoan thừa nhận chuyển khoản 837 triệu đồng cho Thuận nhưng không phải là thanh toán tiền sách mà để tạm ứng cho Thuận mua văn phòng phẩm.

Đến nay, Thoan khai nhận đã thực hiện hành vi mua sách giáo khoa giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại nhà sách Minh Thuận. Ngày 23/6/2022, gia đình Thoan tự nguyện nộp 40 triệu đồng vào tài khoản tạm giữ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Bà bán đồ ăn sáng cũng bán sách giả

Với Trịnh Thị Hồng Hạnh (SN 1979, Đống Đa, TP.Hà Nội) người này bán đồ ăn sáng tại cổng trường Tiểu học Đồng Tâm (Đại La, TP.Hà Nội), đồng thời kinh doanh, mua bán các loại sách giáo khoa cũng bị cơ quan truy tố xác định mua bán sách giáo khoa giả ở nhà sách Minh Thuận.

Cụ thể, từ ngày 14/4/2021 đến 17/6/2021, Hạnh nhắn tin, gọi điện cho nhà sách Minh Thuận đặt 66 đơn hàng, mua tổng số hơn 1,1 nghìn tùng với hơn 111 nghìn quyển sách giả các loại của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tổng trị giá theo giá in trên bìa là hơn 3 tỷ đồng, giá mua thực tế là hơn 1,2 tỷ đồng.

Toàn bộ sách của các đơn hàng đều do Hạnh và nhân viên của Hạnh nhận trực tiếp và ký nhận đủ hàng.

Việc mua bán không có hợp đồng, xuất hóa đơn cũng với mức chiết khấu theo thỏa thuận từ 30% đến 65% giá bìa theo từng loại sách. Hạnh đã thanh toán cho nhà sách Minh Thuận thông qua 3 lần nộp tiền mặt vào tài khoản của Thuận tổng 670 triệu đồng, còn nợ hơn 530 triệu đồng.

Quá trình điều tra, Hạnh khai nhận hành vi nêu trên và tự nguyện nộp 20 triệu đồng là số tiền thu lời bất chính vào tài khoản tạm giữ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Cáo trạng thể hiện, ngày 9/7/2020, khi Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát bị Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra, thu giữ 68 đầu sách, tổng hơn 27 nghìn quyển sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Cao Thị Minh Thuận thấy Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo nên đã nhắn tin, điện thoại cho Trần Hùng với mục đích nhờ giúp đỡ, chỉ đạo để xử lý nhẹ vụ việc.

Trần Hùng nói đồng ý "tha" với yêu cầu Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu. Mặc dù đã nhờ Trần Hùng nhưng vẫn lo sợ bị xử lý hình sự vì Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát vẫn còn trong thời hạn bị xử phạt hành chính theo quyết định ngày 29/8/2019 của Đội Quản lý thị trường số 11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội nên Thuận bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Duy Hải chi số tiền 400 triệu đồng cho Trần Hùng để xin xử lý nhẹ đối với vụ việc.

Ngày 14/7/2020, Hải gặp Trần Hùng, đặt vấn đề Thuận gửi Trần Hùng và Tổ công tác 304 400 triệu đồng, xin bỏ quan vụ việc vi phạm của công ty.

Trần Hùng đã hướng dẫn Hải bảo với Thuận phải thay đổi lại lời khai về nguồn gốc số sách cho Thuận mua bị thu giữ thành sách do người khác mang đến ký gửi. Sau khi tiếp nhận ý kiến của Trần Hùng, Hải nói lại nội dung này với Hà để trao đổi lại với Thuận, đồng thời nhận từ Hà 300 triệu đồng do Thuận đưa vào tối ngày 14/7/202.

Sáng ngày 15/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng đến phòng làm việc của Trần Hùng. Tại đây Hải gặp Trần Hùng và ông Kiều Nghiệp – Tổ viên Tổ công tác 304, Nguyễn Văn Kim – thành viên Tổ công tác 304. Hải nói Thuận đưa trước 300 triệu đồng và đưa túi tiền cho Trần Hùng nhưng ông Hùng nói cất đi.

Để chứng minh cho Thuận biết mình đang ở phòng của Trần Hùng, Hải điện thoại cho Thuận và đưa điện thoại cho Hùng nói chuyện với Thuận. Khi nói chuyện, Trần Hùng tiếp tục hướng dẫn Thuận viết lại bản giải trình thay đổi lời tường trình về nguồn gốc sách bị thu giữ do người khác gửi.

Sau đó ông Hùng nói có việc bận, bảo 2 người trong phòng đưa Hải đi ăn cơm trưa. Khi đi ăn, Hải vẫn cầm theo túi tiền này. Sau khi ăn xong, đầu đầu giờ chiều 15/7/2020, Hải cầm túi tiền đi theo ông Kiều Nghiệp, ông Nguyễn Văn Kim về Tổng cục Quản lý thị trường.

"Khi đi đến khu vực làm việc của Cục nghiệp vụ tại tầng 2 tòa nhà Tổng cục, Hải quay lại phía khu vực cầu thang tầng 2, đi lên tầng 3, men theo lối hành lang tòa nhà đi vào phòng làm việc của Trần hùng qua cửa sau, đưa cho Trần Hùng số tiền 300 triệu đồng" – cáo trạng nêu.

Theo cơ quan truy tố, Trần Hùng không thừa nhận hành vi phạm tội; Hải khai nhận hành vi phạm tội, lời khai của Hải phù hợp với kết quả thực nghiệm điều tra, diễn tả lại quá trình Hải đi bộ từ cửa Tổng cục Quản lý thị trường đến phòng làm việc của Trần Hùng đưa 300 triệu đồng.

Nhà chức trách nói căn cứ vào lời khai của các bị can, lời khai của những người liên quan, các biên bản đối chất giữa Trần Hùng với Hải, Thuận, sơ đồ do Hải vẽ, kết quả thực nghiệm điều tra và các nội dung dữ liệu khác, đủ cơ sở xác định Trần Hùng nhận 300 triệu đồng của Thuận thông qua Hải. Lời khai của Trần Hùng bị cho rằng "không có cơ sở chấp nhận".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem