Vụ phản gián hoàn hảo nhất miền Bắc

Thứ năm, ngày 13/05/2010 11:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chuyên án chống gián điệp biệt kích BK63 vừa được ngành công an công bố. Đó là một chiến công lạ lùng diễn ra gần 50 năm trước ở xã Tuấn Đạo, Sơn Động, Bắc Giang, một xã nhỏ nép dưới triền tây Yên Tử.
Bình luận 0
img
Quân dân xã Tuấn Đạo nhận cờ quyết thắng vì thành tích bắt gọn toán biệt kích.

Năm 1964, Mỹ bí mật thả dù một nhóm biệt kích được đào tạo bài bản xuống vùng rừng núi nơi đây.

Tên biệt kích đầu tiên và cuối cùng

Đây là đòn đánh phủ đầu vào âm mưu xâm nhập miền Bắc của cơ quan tình báo Mỹ CIA và chắc chắn cơ quan tình báo hàng đầu thế giới này sẽ còn đau đầu hơn khi biết rằng những người trực tiếp bắt toán học trò của bộ máy phản gián hùng mạnh nhất thế giới này lại là những cán bộ, dân quân của một xã nhỏ không hề có trên bản đồ của bất cứ giáo trình đào tạo điệp viên nào.

Đã hơn 80 tuổi nhưng ông Nguyễn Nam Sương - nguyên Bí thư chi bộ, người chịu trách nhiệm toàn bộ chiến dịch này vẫn còn nhớ rất rõ 7 ngày lịch sử ấy.

Ngày 27-7-1964, có thông báo của trên về việc một toán biệt kích nhảy dù xuống địa phương, cán bộ, lực lượng dân quân xã Tuấn Đạo đã triển khai ngay kế hoạch vây bắt với phương châm: Dùng lực lượng tại chỗ làm chủ lực.

Xác định phương châm như vậy bởi địa điểm bọn biệt kích chọn làm nơi tập kết là vùng rừng Đá Bờ, nơi hiểm trở bậc nhất, xa khu vực dân cư hơn 20km và có 12 con suối chảy vắt ngang. Từ nơi đây chỉ vài bước chân là có thể đi sang Quảng Ninh và xuôi ra phía biển. Chính vì thế việc tác chiến nhanh, chủ động mang yếu tố sống còn cho thắng lợi.

Ban chỉ huy chiến dịch nhanh chóng được thành lập: Bí thư chi bộ Nguyễn Nam Sương chịu trách nhiệm toàn bộ chiến dịch. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Túc phụ trách hậu cần. Trưởng công an, Chính trị viên xã đội Nguyễn Văn Đấu được giao trực tiếp chỉ huy lực lượng vây bắt. Ngay lập tức các mũi phục kích được triển khai thành thiên la địa võng chụp lên vùng rừng Đá Bờ...

Tuy nhiên, họ vẫn bị chậm một bước. Toán biệt kích đã gây ra tội ác man rợ: Bắt và hành hình ngay tại chỗ một người dân địa phương. Núi rừng nổi giận, mệnh lệnh không ban ra nhưng ai cũng hiểu: Chưa bắt hết được toán biệt kích này thì chưa được nghỉ ngơi.

Dù lúc ấy, Tuấn Đạo đang vào mùa đói khốc liệt nhất nhưng gạo vẫn được vét ở từng nhà để làm cơm nắm rải dọc các bờ suối chảy qua khu vực địch lẩn trốn. Mục tiêu là truy kích địch liên tục, không cho chúng định thần.

Đón tiếp "nồng hậu"

Đến tận bây giờ bà Nguyễn Thị Thuật, lúc ấy là liên lạc viên cho chiến dịch, vẫn ngạc nhiên về tác động của những bức điện mình mang về: Mỗi lần có chỉ thị mới là hướng truy kích lại được điều chỉnh, các vị trí di chuyển của địch sau này đối chiếu thấy không hề sai chút nào.

Đội hình địch bị chia cắt, không liên lạc trực tiếp được với nhau, buộc phải liên lạc bằng bộ đàm. Sau chưa đầy 1 ngày, địch đã bị hở sườn, "lạy ông tôi ở bụi này" qua sóng bộ đàm.

Sau đúng 24 giờ đặt chân lên miền Bắc Việt Nam, tên gián điệp đầu tiên đã bị mũi phục kích của đồng chí Nguyễn Văn Đấu và Nguyễn Văn Kiệm bắt sống. Chiến công này như một liều thuốc kích thích lực lượng quân dân Tuấn Đạo sau một ngày đêm rã rời đội mưa, băng rừng.

Các chiến công liên tiếp được báo về, ngày 29 - 7, mũi truy kích của các đồng chí Châu, Thuận, Đô, Hiền, Kiệu bắt sống tên biệt kích thứ hai. Ngay sau đó lại có tin vui, tên biệt kích thứ ba đã bị bắt khi cố vượt sang xã Lục Sơn, huyện Lục Nam giáp ranh.

Cơn mưa rừng ập xuống cắt đứt nguồn tiếp tế của ta nhưng những cơn lũ cũng chặn đứng đường tháo chạy của địch. Ăn củ rừng thay cơm, khoanh vùng những nơi có thể vượt sông trong mùa lũ, đội tác chiến của các đồng chí Đô, Kiệu, Minh đã bắt giữ tiếp hai tên biệt kích nữa.

Khi khai thác nóng nhóm biệt kích mới biết tên toán trưởng Lý A Phổ đã "bốc hơi" khỏi địa bàn mà ta khoanh vùng tới 30km. Ngay lập tức lực lượng dân quân đã đóng bè trôi theo dòng nước nguy hiểm đến vị trí bao vây bắt gọn tên biệt kích cuối cùng.

Thắng lợi đẹp như một kịch bản phim, không một người nào bị thương, bắt gọn cả nhóm biệt kích chỉ trong 7 ngày. Thắng lợi ấy đặt một câu hỏi lớn cho những người trực tiếp tham gia cuộc vây bắt. Tại sao cấp trên lại như thần thánh, nắm địch trong lòng bàn tay để có những thông báo, chỉ thị chuẩn xác để chiến dịch thành công nhanh gọn?

Lúc ấy và đến tận bây giờ, những người làm nên chiến công đó không hề biết rằng kẻ lót ổ cho kế hoạch biệt kích này đang “ngồi cùng bàn” với các chiến sĩ an ninh trong chuyên án BK 63. Lúc ấy, tên gián điệp đầu sỏ này vẫn đang gửi đi những thông điệp được viết sẵn cho đồng bọn và trung tâm CIA tại Sài Gòn.

Cùng với câu hỏi ấy, phía bên kia đại dương, CIA sau gần 50 năm (với các tài liệu mới được công bố) vẫn đang thắc mắc với câu hỏi: Điệp viên "Hạ Long" - ARES làm việc cho ai?

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem