Ai là người điều khiển chiếc siêu xe Ferrari va chạm với xe máy khiến một người tử vong?
Như Dân Việt đã đưa tin, một vụ va chạm giao thông nghiêm trọng đã xảy ra giữa siêu xe Ferrari và 1 xe máy vào rạng sáng ngày 31/10 ở quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội).
Theo báo cáo của Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, vào khoảng 3 giờ 45 phút cùng ngày, tại đường Lê Quang Đạo, thuộc phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), siêu xe Ferrari 488 mang biển số 80-346.ng.74 (biển ngoại giao) do anh Hoàng Bằng V. (SN 1997, Nam Từ Liêm) điều khiển đi theo chiều từ Mễ Trì hướng Lê Đức Thọ đến địa chỉ nêu trên thì xảy ra va chạm với 1 xe mô tô mang biển kiểm soát 29T1 – 33735, do ông Lê Đình H. (SN 1964, quận Hà Đông, TP Hà Nội) điều khiển.
Hậu quả của vụ tai nạn khiến ông H. tử vong tại chỗ, 2 xe liên quan bị hư hỏng.
Tại thời điểm vụ va chạm xảy ra, trên chiếc siêu xe Ferrari 488 còn có 1 người phụ nữ (chưa rõ danh tính). Sau khi xảy ra tai nạn giao thông, anh V. và người phụ nữ đã rời khỏi hiện trường.
Các vấn đề cần xử lý
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hiện nay cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ bên nào có lỗi để xác định trách nhiệm pháp lý.
Nếu kết quả xác minh cho thấy người điều khiển chiếc siêu xe đã đi quá tốc độ, thiếu chú ý quan sát dẫn đến vụ tai nạn hoặc có lỗi hỗn hợp, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 Bộ luật hình sự để tiến hành điều tra.
Ông Cường cho biết, trong vụ việc, một vấn đề được nhiều người quan tâm, đó là chiếc siêu xe gây tai nạn mang biển số ngoại giao, vậy sẽ xử lý thế nào?
Về việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ biển số trên là biển thật hay biển giả, người điều khiển phương tiện có phải là người của cơ quan ngoại giao đang thực hiện nhiệm vụ hay không.
Trong trường hợp biển số xe là biển thật, của cơ quan ngoại giao nhưng người điều khiển phương tiện lại là công dân Việt Nam, không phải là đang thực hiện nhiệm vụ ngoại giao, hoàn toàn không được miễn trừ.
Việc có tạm giữ phương tiện hay không, cơ quan chức năng sẽ xem xét làm rõ pháp lý của chiếc xe, làm rõ chủ xe. Tuy nhiên, trước tiên có thể tạm giữ để xác định thiệt hại, thu giữ dấu vết trên chiếc xe làm căn cứ giải quyết vụ việc.
Như vậy, trường hợp xác định chiếc xe là của cơ quan ngoại giao, có thể sẽ trả lại chiếc xe cho chủ sở hữu còn người gây tai nạn có lỗi vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý và bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Một vấn đề khác được nhiều người quan tâm, đó là có thông tin cho rằng, người điều khiển chiếc siêu xe ngay sau khi gây tai nạn đã rời khỏi hiện trường mà không cứu giúp nạn nhân. Vậy nếu bị chứng minh có lỗi, đây có phải là tình tiết tăng nặng?
Ông Cường cho biết, pháp luật Việt Nam quy định người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện cứu giúp nhưng không cứu giúp dẫn đến nạn nhân tử vong, người không cứu giúp người khác có thể bị xử lý hình sự về tội "Không cứu giúp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".
Trường hợp người không cứu giúp chính là người gây ra nguy hiểm cho nạn nhân, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đối với các vụ việc tai nạn giao thông, người gây tai nạn có trách nhiệm phải cứu giúp người bị nạn.
Nếu người gây tai nạn sau đó bị người dân đuổi đánh, có thể tránh mặt để đảm bảo an toàn đến tính mạng, sức khỏe của bản thân hoặc sau khi gây tai nạn tâm lý không ổn định, hoang mang, lo lắng nên chưa kịp trình diện với cơ quan chức năng nhưng có thông tin với cơ quan chức năng, nhận trách nhiệm về vụ việc, để lại xe trên hiện trường sẽ không được coi là bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm.
"Tuy nhiên, trong một số trường hợp người gây tai nạn có nồng độ cồn hoặc có chất kích thích mà không trình diện với cơ quan chức năng, cố tình kéo dài thời gian giải quyết để trốn tránh việc bị phát hiện vi phạm, đây là hành vi này cũng có thể được xem xét là thiếu tự giác, ý thức trong việc khai báo" – vị chuyên gia nêu quan điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.