Vụ sóng thần Tonga: Bất chấp cảnh báo, nhiều người Mỹ hiếu kỳ vẫn đổ ra biển
Vụ sóng thần Tonga: Bất chấp cảnh báo, nhiều người Mỹ hiếu kỳ vẫn đổ ra biển
Thứ hai, ngày 17/01/2022 23:59 PM (GMT+7)
Được mệnh danh là “Đảo Thiên đường” và “Quần đảo Thân thiện”, Tonga có rất nhiều điều thú vị khiến khách du lịch luôn nở nụ cười, nhưng vụ núi lửa phun trào dữ dội dưới biển gây ra sóng thần hôm 15/1 đã làm đảo lộn tất cả.
Hình ảnh ghi được qua vệ tinh Himawari-8 của Nhật Bản cho thấy vụ núi lửa phun trào dữ dội gây ra sóng thần ở Tonga. (Ảnh: AFP/JIJI)
Dư chấn sóng thần từ Tonga lan ra nhiều nước
Vụ núi lửa phun dữ dội gây ra trận động đất, theo tin báo Daily Mail ngày 16/1 là mạnh 7,4 độ Richter, trong khi cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ ước tính khoảng 5,8 độ Richter. Hình ảnh vệ tinh khi đó cho thấy một đám tro bụi và hơi nước khổng lồ rộng khoảng 5km bốc lên không trung và lan xa tới 20km.
Khoảng 20 phút sau "đảo Thiên đường" Tonga bị những đợt sóng khổng lồ ập tới nhấn chìm nhà cửa, đường sá… khiến người dân hoảng sợ tháo chạy lên những khu vực cao hơn. Tới ngày 16/1 theo giờ địa phương, do liên kết điện thoại và mạng internet bị phá hỏng nên phần lớn đảo Tonga vẫn chưa thể nối được liên lạc với bên ngoài.
Những người hiếu kỳ đổ tới bến cảng Santa Cruz ở California chờ xem "sóng thần" hôm 15/1. (Ảnh: phys.org)
Dư chấn sóng thần từ Tonga đã gây ra cảnh báo sóng thần tại một loạt quốc gia khác. Cùng ngày 15/1 tại Mỹ đã xuất hiện những đợt sóng cao hơn 1,2m ven bờ biển California. Các cảnh báo về sóng thần cũng đã được đưa ra với Hawaii, Alaska và vùng bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ cùng British Columbia của Canada. Với tiếng sóng gầm như sấm sét vẫn nghe thấy từ cách rất xa ở Alaska.
Tuy nhiên bất chấp cảnh báo hậu quả có thể sẽ thảm khốc, nhiều người Mỹ hiếu kỳ vẫn đổ ra các bãi biển để xem "sóng thần". Một số người lướt sóng thậm chí còn tìm cách nương theo hướng gió để "bắt sóng" bất chấp nguy hiểm.
Những đợt sóng dữ cũng được ghi nhận tại New Zealand và Australia. Tại Nhật Bản, hơn 200.000 người dân đã được khuyến cáo sơ tán khi những đợt sóng lớn cao hơn 1m ập vào một số khu vực ven biển Thái Bình Dương lúc chiều tối 15/1 và sáng 16/1. Tới 2 giờ chiều 16/1 khuyến cáo đã được dỡ bỏ.
"Vụ nổ (núi lửa phun) nghìn năm mới có một lần" này theo cách gọi của các nhà khoa học, xảy ra lúc 17 giờ 10 theo giờ địa phương ngày 15/1, nó lớn đến mức có thể nhìn thấy từ ngoài không gian. Cũng theo các nhà khoa học, sóng thần do núi lửa phun tạo ra chứ không phải do động đất là tương đối hiếm.
Những điều kỳ thú ở "Nơi chốn Tình yêu" Tonga sau sóng thần sẽ ra sao
Tonga là một Vương quốc Polynesia thuộc châu Đại Dương, bao gồm hơn 170 hòn đảo ở phía nam Thái Bình Dương, với diện tích gần 750km vuông và dân số chỉ hơn 105.000 người. Tonga là quốc gia đầu tiên trên thế giới nhìn thấy mặt trời và bắt đầu một ngày mới.
Khách du lịch thích thú chiêm ngưỡng Mapu‘a ‘a Vaea Blowholes (lỗ phun nước) kỳ lạ ở ngoài khơi ven bờ biển Tongatapu. (Ảnh: Alamy)
Tonga cũng cung cấp cho khách du lịch nhiều hoạt động để "lấp đầy" thời gian ban ngày, chủ yếu tại đảo chính Tongatapu (tên có nghĩa là "Nơi chốn Tình yêu") được "che chắn" bởi các đầm phá và vách đá vôi.
Sau khi khách du lịch làm quen được với nhịp sống chậm theo "thời gian Tonga", họ sẽ thỏa sức khám phá hòn đảo rất phong phú những vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ và kỳ thú này, bao gồm: Thủ đô Nuku'alofa, các resort bãi biển, những đồn điền ngoạn mục, những Mapu‘a ‘a Vaea Blowholes (lỗ phun nước) kỳ lạ bị xói mòn trên đá vôi, tạo ra những tia nước phun cao đến 30m mỗi khi có sóng ập tới…
Các Mapu‘a ‘a Vaea Blowholes (lỗ phun nước) kỳ lạ được hình thành theo thời gian, với các lỗ bị xói mòn trong đá vôi trên các rạn san hô. (Ảnh: Getty)
Đặc biệt là di tích đá cổ Ha'amonga ʻa Maui - cổng san hô hoành tráng có từ những năm 1200 mà theo truyền thuyết là do Thần Maui tạo nên, do đó tên của di tích có nghĩa là "Gánh nặng của Maui". Ha'amonga ʻa Maui được ví như "Stonehenge ở Nam Thái Bình Dương". Stonehenge là công trình tượng đài cự thạch cổ nổi tiếng ở Anh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.