Vụ tai nạn khiến 5 người chết ở Lạng Sơn: Ai phải chịu trách nhiệm?
Vụ tai nạn khiến 5 người chết ở Lạng Sơn: Ai phải chịu trách nhiệm?
Quang Trung
Thứ tư, ngày 01/11/2023 06:49 AM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã đưa ra góc nhìn về vụ xe ô tô 16 chỗ chở đoàn người đi lễ đâm vào xe đầu kéo dừng ven đường rồi đâm tiếp ô tô đi chiều ngược lại khiến 5 người chết ở Lạng Sơn.
Cục CSGT Bộ Công an đã có thông tin ban đầu về nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 5 người tử vong, 11 người bị thương, xảy ra ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Theo đó, khoảng 2h10 ngày 31/10, ô tô 16 chỗ mang BKS 14B-036.57 sau khi lễ tại đền Châu Lục (xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng), về đến Km70+830, quốc lộ 1A là đoạn đường dốc, cua, trời tối không có đèn đường, đã đâm vào phần đuôi bên trái của ô tô đầu kéo mang BKS 98C-016.45 rồi văng sang bên trái đường.
Cùng lúc này, ô tô đầu kéo khác do anh Nguyễn Thành Bảo, 27 tuổi, trú Bình Định, điều khiển đi đến, tiếp tục va chạm với xe 16 chỗ.
Thời điểm xảy ra tai nạn, xe đầu kéo BKS 98C-016.45 bị hư hỏng, đang dừng, đỗ trên phần đường dành cho xe cơ giới, hướng Lạng Sơn - Hà Nội.
Theo nội dung báo cáo, xe đầu kéo đang dừng đỗ có đặt vật cảnh báo phía sau, cách đuôi xe khoảng 16m. Qua test nhanh, cả 3 lái xe đều không có nồng độ cồn, không sử dụng chất ma túy.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm vi phạm trong vụ việc.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình các nạn nhân tử vong, động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương và khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn…
Trách nhiệm pháp lý trong vụ việc được xác định ra sao?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là vụ tai nạn giao thông thảm khốc, hậu quả khiến 5 người tử vong, nhiều người bị thương và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.
Bởi vậy, ngoài việc hỗ trợ nạn nhân gặp nạn, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân vụ việc, xác định lỗi của những người điều khiển phương tiện để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ông Cường, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào sơ đồ hiện trường, dấu vết để lại trên hiện trường, xác định điểm va chạm, vị trí các phương tiện, đặc điểm của đoạn đường, lấy lời khai của các tài xế, lời khai của người làm chứng…để xác định khả năng quan sát của các tài xế, làm rõ tốc độ, hướng di chuyển, phần đường, làn đường, vị trí chiếc xe ô tô đầu kéo dừng đỗ và khả năng làm chủ tốc độ của các phương tiện còn lại.
Đặc biệt, sẽ làm rõ khả năng quan sát và làm chủ tốc độ của người điều khiển chiếc xe ô tô 16 chỗ. Trong đó, làm rõ tốc độ, hướng di chuyển và thời điểm người lái xe ô tô 16 chỗ phát hiện ra có xe dừng đỗ là cách bao xa?
Với đoạn đường cong, ánh sáng yếu như vậy, cần phải thực nghiệm hiện trường để xác định khả năng quan sát của người lái xe 16 chỗ, từ đó xác định người này có chú ý quan sát, làm chủ tốc độ hay không.
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy, tài xe ô tô 16 chỗ hoàn toàn có thể phát hiện ra chiếc xe đang dừng đỗ phía trước (có cảnh báo) và hoàn toàn có thể giảm tốc độ, đánh lái để tránh một vụ tai nạn nhưng do thiếu chú ý quan sát nên đã không phát hiện ra dẫn đến vụ tai nạn...
Trong trường hợp này có thể xác định tài xe 16 chỗ có lỗi gây hậu quả tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Với hành vi điều khiển phương tiện có lỗi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Vị chuyên gia cho biết, đến nay cơ quan chức năng chưa làm rõ tốc độ và hướng di chuyển của chiếc xe 16 chỗ. Vấn đề này rất quan trọng để xác định người điều khiển chiếc xe có lỗi hay không.
Tuy nhiên, pháp luật quy định người điều khiển phương tiện xe cơ giới khi tham gia giao thông thì phải chú ý quan sát (không chỉ là quan sát thông thường) và phải làm chủ tốc độ. Khi gặp chướng ngại vật phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất, thậm chí có thể dừng lại.
Pháp luật cũng cho phép các phương tiện hư hỏng có quyền dừng đỗ bên phải của chiều đường di chuyển và có cảnh báo đặt phía sau để tránh va chạm với các phương tiện cùng chiều.
Vì vậy, trường hợp kết quả xác minh cho thấy nguyên nhân chiếc xe đầu kéo dừng là do hư hỏng, việc dừng đỗ không thuộc trường hợp pháp luật cấm (không có biển cấm dừng đỗ) và đã có cảnh báo, vị trí dừng đỗ đúng quy định thì người lái xe đầu kéo không có vi phạm, không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với vụ tai nạn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.