Vụ thối lại tiền âm phủ cho khách Tây: Tài xế taxi có bị khởi tố?

Xuân Lực Chủ nhật, ngày 22/07/2018 12:55 PM (GMT+7)
Bạn đọc thắc mắc, hành vi trả lại tiền âm phủ cho du khách nước ngoài của tài xế taxi sẽ bị xử lý thế nào? Các luật sư đã có giải đáp.
Bình luận 0

img

Tài xế taxi Trần Văn Phong

Liên quan tới vụ việc, hai du khách người Tây Ban Nha tới Hà Nội du lịch bị trả lại 3 tờ tiền âm phủ mệnh giá 900 nghìn, Công an quận Hoàn Kiếm đã làm rõ người thực hiện hành vi trên là Trần Văn Phong (SN 1989, trú tại Xuân Phương, Xuân Trường, Nam Định), không phải người đạp xe xích lô như thông tin trên mạng.

Theo lời khai của Phong, khoảng 19h ngày 16/7, anh Miguel (SN 1981) cùng bạn gái là Elena (SN 1981, cùng mang quốc tịch Tây Ban Nha) thuê Phong chở về khách sạn ở quận Long Biên, Hà Nội.

Quãng đường di chuyển hết tổng chi phí 37 nghìn đồng nhưng anh Muguel đưa cho Phong 500.000 đồng. Do không có tiền trả lại và nghĩ rằng hai du khách nước ngoài không rõ tiền Việt, cộng thêm việc bất đồng ngôn ngữ, nên Phong nảy lòng tham muốn chiếm đoạt tiền của du khách nước ngoài.

Phong sau đó lấy hai tờ mệnh giá 200.000 đồng và 1 tờ mệnh giá 500.000 đồng đưa cho anh Muguel.

img

Người trả lại tiền âm phủ cho du khách người Tây Ban Nha là một tài xế taxi

Theo cơ quan điều tra, việc chiếm đoạt số tiền cao hơn số tiền khách phải trả của Phong gây mất an ninh trật tự và làm ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh đẹp của du lịch Thủ đô Hà Nội.

Liên quan tới vụ việc trên, nhiều bạn đọc thắc mắc, hành vi của Phong sẽ bị xử lý như thế nào?

Trao đổi với PV về thắc mắc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi trả lại du khách nước ngoài tiền âm phủ không có giá trị sử dụng thay vì tiền thật của tài xế Phong đã xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác về tài sản được pháp luật bảo vệ. Phong đã dùng thủ đoạn gian dối, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tiền Việt Nam của du khách để chiếm đoạt tài sản, hành vi này đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

“Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là loại tội phạm có cấu thành vật chất nên tài sản chiếm đoạt thông thường phải từ 2 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự.

Trong trường hợp trả lại tiền âm phủ, số tiền tài xế Phong chiếm đoạt của 2 du khách dưới 2 triệu đồng nhưng tài xế vẫn có thể bị khởi tố xử lý hình sự nếu trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc cơ quan tố tụng đánh giá hành vi của Phong đã ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo quan điểm của tôi, hành vi phạm tội của Phong đã gây ảnh hưởng rất đến an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô, gây bất bình trong dư luận xã hội và làm giảm uy tín, thiện cảm trong con mắt người nước ngoài khi đến Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung”, luật sư Thơm nói.

Theo luật sư Thơm, hành vi lừa đảo của tài xế Phòng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho rằng, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tài xế Phong đã rõ. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự đối với tài xế này sẽ phụ thuộc vào đánh giá của cơ quan tố tụng.

“Nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh được hành vi của Phong  gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra”, luật sư Kiên nói.

Luật sư Kiên cho biết, trường hợp cơ quan điều tra xét thấy hành vi của tài xế Phong chưa đến mức xử lý hình sự thì đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính từ 1- 2 triệu đồng về hành vi “Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác” theo Nghị định 167/2013.

Lộ diện tài xế trả tiền âm phủ cho hai du khách nước ngoài

Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định được tài xế trả tiền âm phủ cho 2 du khách nước ngoài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem