Vụ trao nhầm con suốt 42 năm ở Hà Nội: Nên làm gì nếu cha mẹ không đồng ý xét nghiệm ADN?
Vụ trao nhầm con suốt 42 năm ở Hà Nội: Nên làm gì nếu cha mẹ không đồng ý xét nghiệm ADN?
Gia Khiêm
Chủ nhật, ngày 03/03/2024 12:38 PM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt, TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã chia sẻ dưới góc độ pháp lý trước sự việc trao nhầm con suốt 42 năm và người trong cuộc bị từ chối xét nghiệm ADN.
Vụ trao nhầm con suốt 42 năm ở Hà Nội: Người trong cuộc có quyền kiện ra toà yêu cầu xét nghiệm ADN hay không?
Mới đây, vụ việc chị Tạ Thị Thu Trang (50 tuổi, quận Ba Đình) đến làm việc với Thanh tra Sở Y tế Hà Nội kiến nghị "hỗ trợ xét nghiệm ADN, tìm bố mẹ đẻ".
Cách đây gần 8 năm, câu chuyện chị Trang đi tìm bố mẹ ruột gây xôn xao dư luận. Mẹ của chị Trang là bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (hiện 72 tuổi) sinh con gái tại nhà hộ sinh Hàng Bún (quận Ba Đình) vào ngày 10/10/1974 nhưng sau đó bị trao nhầm.
Ba tháng sau đó, bà Hạnh đã tìm được người con bị trao nhầm, chị Trang cũng biết bố mẹ mình là ai. Những tưởng câu chuyện đi tới đoạn kết có hậu nhưng đến hiện tại, nhiều vấn đề xảy ra khiến chị Trang cũng như bà Hạnh không khỏi hụt hẫng khi cả hai gia đình đều cắt đứt liên lạc.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Trang cho biết, ngày 2/3, chị đã gọi điện thoại cho người mẹ đã nhận mình trước đó với mong muốn cuối cùng là được xét nghiệm ADN để biết thực sự cha mẹ đẻ của mình là ai. Chị không muốn phải sống trong sự hoài nghi nhưng nhận được lời từ chối vì lý do "không muốn cuộc sống bị xáo trộn".
"Cho đến giờ 50 tuổi, trong đầu tôi vẫn hiện ra câu hỏi chưa lời đáp liệu rằng đó có phải là cha mẹ đẻ thực sự của mình hay không? Tôi chỉ có nguyện cầu xin mẹ được thử ADN một lần. Sau khi có kết quả chính xác, nếu mẹ tôi không muốn làm ảnh hưởng đến cuộc sống, tôi hoàn toàn chấp nhận. Tôi chỉ muốn tháo gỡ hoài nghi trong lòng bấy nhiêu năm qua mà thôi. Tại sao 8 năm trước mẹ nhận tôi là con sau lại đành lòng dứt bỏ?", chị Trang chia sẻ.
Liên quan đến vụ việc này, nhiều người đặt ra câu hỏi, chị Trang có thể yêu cầu hay cưỡng ép ông H. và bà D. đi xét nghiệm ADN được không? Nên làm gì nếu cha mẹ không đồng ý xét nghiệm ADN?
Trao đổi với PV Dân Việt, TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, từ một câu chuyện xúc động trở thành một câu chuyện buồn và rất đáng tiếc bởi cho đến nay thì mọi việc vẫn chưa thực sự rõ ràng. Những người trong cuộc cũng chưa dám khẳng định đâu là sự thật nhưng lại không thực hiện thủ tục giám định ADN để xác định cha, mẹ, con bằng luận chứng khoa học.
"Sự việc này diễn ra có liên quan đến nhiều người, không ai mong muốn bản thân mình rơi vào hoàn cảnh là cha, là mẹ hoặc là con mà lại bị nhầm lẫn đến mấy chục năm như vậy. Bởi vậy khi sự việc xảy ra thì nhiều người không khỏi xúc động, suy nghĩ, trăn trở về rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về nguồn gốc, về trách nhiệm, về tình nghĩa, báo hiếu...", luật sư Cường chia sẻ.
Theo luật sư Cường, việc từ chối giám định ADN là tình huống hoàn toàn có thể xảy ra trong sự việc này bởi có thể quan điểm suy nghĩ của mỗi người là khác nhau. Đặc biệt là với người cao tuổi dễ bị xúc động, cả nghĩ.
Đôi khi chỉ một lời nói của con khiến người mẹ không hài lòng cũng có thể làm cho người mẹ phật lòng và từ chối thực hiện thủ tục giám định ADN. Khi đã từ chối giám định thì sẽ phát sinh nghi ngờ mà nghi ngờ thì lại càng gây tổn thương cho nhau, đây là cái vòng luẩn quẩn khiến sự việc ngày càng phức tạp.
"Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý thì đây là quan hệ nhân thân, là một trong những vấn đề thuộc lĩnh vực dân sự. Bởi vậy nguyên tắc giải quyết vấn đề này là 'việc dân sự cốt ở đôi bên' - Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên. Những người cha, mẹ và những người con có thể bàn bạc thỏa thuận về phương án thực hiện các thủ tục để nhận cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật. Việc nhận cha mẹ cho con, con cho cha mẹ là việc dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án", luật sư Cường phân tích.
Luật sư cho rằng, nếu có tranh chấp về xác định cha mẹ cho con, con cho cha mẹ thì cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, trong trường hợp các bên tự nguyện xét nghiệm ADN, tự nguyện thực hiện các thủ tục để nhận trẻ con thì có thể đề nghị tòa án ghi nhận. Nếu có tranh chấp xảy ra, việc thực hiện thủ tục có sự cản trở thì một trong các bên có quyền khởi kiện để tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
"Tuy nhiên, một nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự là tòa án chỉ giải quyết khi các đương sự có yêu cầu và chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu của đương sự. Bởi vậy nếu không có ai gửi đơn đến tòa án thì vụ việc mãi mãi không được giải quyết bằng pháp luật", luật sư Cường nhấn mạnh.
Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cũng cho hay, trong vụ việc này, Thanh tra sở y tế không có thẩm quyền xác nhận cha mẹ cho con, con cho cha mẹ, cũng không có thẩm quyền giám định ADN. Bởi vậy việc các đương sự, công dân gửi đơn thư tới Thanh tra Bộ Y tế thì cơ quan này chỉ xác minh kiểm tra về các hoạt động liên quan đến lĩnh vực y tế, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ công vụ chuyên môn của các cơ quan tổ chức cá nhân liên quan đến ngành y tế. Đơn thư gửi đến Thanh tra Sở hay Bộ Y tế trong vụ việc này sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề.
"Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về thủ tục cưỡng chế để xét nghiệm ADN. Với các quốc gia khoa học công nghệ phát triển thì đều có dữ liệu quốc gia về đặc điểm sinh trắc học của công dân, trong đó mỗi công dân lại có đặc điểm ADN trong hệ thống dữ liệu dân cư, có sự quản lý của nhà nước.
Bởi vậy để xác định ADN khi đã có ngân hàng ADN quốc gia thì thủ tục là rất dễ dàng. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, việc xác định ADN của một người tương đối khó khăn nếu người đó không tự nguyện thực hiện. Việc lấy mẫu tóc, máu, màu da của cá nhân chủ yếu trên cơ sở tự nguyện.
Nếu trường hợp người con bị thất lạc trong trường hợp này đề nghị tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự thì người này vẫn có trách nhiệm phải cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình, trong đó có chứng cứ là kết quả giám định ADN để xác định cha mẹ cho con, con cho cha mẹ", luật sư Cường lý giải.
Trao nhầm con suốt 42 năm ở Hà Nội: "Cần cân nhắc cái được và mất"
Bên cạnh đó, một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự là các đương sự có quyền đưa ra yêu cầu đề nghị nhưng cũng có nghĩa vụ phải chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và đúng pháp luật. Bởi vậy trong trường hợp chị Tạ Thị Thu Trang gửi đơn đến tòa án để được xem xét giải quyết thì chị Trang có nghĩa vụ phải thu thập chứng cứ để cung cấp cho tòa án. Nếu không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị tòa án thu thập theo quy định của pháp luật.
"Việc thu thập chứng cứ là các văn bản tài liệu đang lưu giữ ở cơ quan tổ chức cá nhân thì không khó, tuy nhiên việc thu thập chứng cứ của đương sự và của tòa án về việc giám định ADN thì đó là vấn đề khá khó khăn nếu như các đương sự có liên quan không hợp tác, không cung cấp mẫu.", luật sư Cường cho hay.
Ngoài ra, đương sự có quyền yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc tòa án có quyền tự mình áp dụng. Khi đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì cơ quan thi hành án có quyền căn cứ vào đó để cưỡng chế tổ chức thực hiện, trong đó có biện pháp "cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định".
Như vậy nếu trong trường hợp các đương sự có khởi kiện và thủ tục giám định ADN gặp khó khăn, đương sự có thể đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là buộc thực hiện hành vi giám định ADN thì căn cứ vào đó, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành cưỡng chế tổ chức thi hành giám định ADN theo quy định của pháp luật.
"Những tình huống mâu thuẫn tranh chấp trong đời sống xã hội rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, pháp luật cũng có những dự liệu để đưa ra các giải pháp để giải quyết nếu có mâu thuẫn tranh chấp xảy ra, trong đó có tranh chấp về xác định con cho cha mẹ, cha mẹ cho con.
Tuy nhiên, công dân có khởi kiện hay không, có đề nghị tòa án giải quyết hay không, đó là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Trước khi đưa vụ việc đến tòa án để giải quyết cần cân nhắc cái được, cái mất và sự việc đưa ra tòa là có nên hay không, còn khi đã đưa ra tòa án thì tòa án buộc phải thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật", luật sư Cường nêu.
Thậm chí pháp luật còn quy định tòa án không có quyền từ chối đối với những tranh chấp mà chưa có luật để giải quyết. Trong trường hợp chưa có luật để giải quyết thì sẽ giải quyết theo tập quán pháp, tiền lệ pháp và có thể áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết.
"Trong vụ việc này có rất nhiều cách để giải quyết. Nếu những người trong cuộc thừa nhận một sự tồn tại như vậy và mặc nhiên xác định đó là cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của mình như câu chuyện của 8 năm về trước mà yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ, phụng dưỡng nhau thì không có gì để nói. Tuy nhiên trong cuộc sống hoàn toàn có thể xảy ra mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, khi mâu thuẫn thì sự việc lại được đào bới, mổ xẻ mà mọi chuyện chưa được rõ ràng thì có khi đó lại là sự việc đau lòng.
Nếu trường hợp chị Trang không muốn kiện tụng và không thể lấy được mẫu giám định của người mẹ đẻ thì cũng có thể nhờ người đã nhầm lẫn với mình giám định với người mẹ nuôi của mình thì đó cũng là chứng cứ gián tiếp để chứng minh quan hệ cha mẹ con của chị Trang với mẹ đẻ", luật sư nêu quan điểm.
Ngoài ra, có thể bỏ qua mọi suy nghĩ, hoài nghi để gần gũi với mẹ đẻ rồi thuyết phục bà đồng ý hoặc chăm sóc phụng dưỡng và có rất nhiều cơ hội để lấy tóc của bà đi giám định ADN khi có thời cơ thuận lợi.
"Sự việc này là không ai mong muốn và cũng không nên căng thẳng, bị xúc động mà có những thái độ, ngôn ngữ không phù hợp gây tổn thương lẫn nhau. Những người trong cuộc có rất nhiều cách giải quyết nhân văn, mềm mỏng có tình có lý để giải quyết vấn đề chứ không nhất thiết là cứ phải ép buộc nhau thực hiện thủ tục hoặc khởi kiện đến tòa án", luật sư Cường chia sẻ.
Luật sư Cường cũng phân tích thêm, một điều cũng cần lưu ý là khi đã xác định được cha mẹ cho con hoặc con cho cha mẹ thì các con có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Ngoài ra, mẹ còn có liên quan đến vấn đề thừa kế theo pháp luật. Đó là những vấn đề về trách nhiệm pháp lý mà các bên cần lưu ý trong các mối quan hệ này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.