Thưa ông, liên hệ tới vụ việc Trịnh Xuân Thanh được dư luận rất quan tâm thời gian qua có phải là biểu hiện của tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị T.Ư 4 khóa XII vừa kết thúc?
- Liên quan đến việc của Trịnh Xuân Thanh, theo tôi đó cũng là quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa. Trước đây, anh này là cán bộ của Đảng, của Nhà nước ở cấp Bộ. Khi về Hậu Giang cũng có chức sắc trong bộ máy quản lý nhà nước của tỉnh. Làm cán bộ lãnh đạo nhưng anh ta lại trở thành người có những biểu hiện tiêu cực, nhiều biểu hiện khác thường, điều đó thể hiện sự suy thoái cả trong đạo đức, lối sống.
Việc sắp xếp, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó Chủ tịch được xem xét kể từ vụ chiếc xe Lexus tư gắn biển xanh bị phát hiện. Ảnh: T.L
Tự chuyển hóa nghĩa là quá trình tự mình làm mình xấu đi, chứ không phải sự tác động từ bên ngoài. Chuyển hóa ở đây tức là chuyển hóa từ người tốt, người tích cực thành những người xấu, thậm chí chuyển sang cực bên kia, nghĩa là thành kẻ chống đối, kẻ phản động, chống lại lợi ích của dân tộc, của Đảng của đất nước, người ta gọi đó là tự chuyển hóa”.
PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc
|
Anh này thích sống khác người. Ví dụ như dân còn đang rất khổ, đang thiếu thốn nhưng trên cương vị phó chủ tịch UBND tỉnh, Trịnh Xuân Thanh lại đi chiếc xe Lexus 570, trị giá hơn 5 tỷ đồng. Rồi chiếc xe ôtô tư nhân đó lại được Trịnh Xuân Thanh gian dối lắp biển số xanh. Hành vi sai trái này lại có sự tiếp tay của những cán bộ khác.
Như vậy có thể thấy quá trình của Trịnh Xuân Thanh là tự biến chất chứ không phải thế lực nào, lực lượng nào làm cho anh ta thoái hóa biến chất. Sự biến chất của Trịnh Xuân Thanh mạnh tới mức anh ta đã làm đơn xin ra khỏi Đảng, sau đó lại chạy ra nước ngoài để trốn tội. Việc anh ta chạy trốn ra nước ngoài đã thể hiện việc chạy sang tuyến bên kia, tuyến phản động.
Việc tự chuyển hóa, tự diễn biến ảnh hưởng thế nào đến sự tồn vong của chế độ, thưa ông?
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong diễn văn bế mạc Hội nghị T.Ư 4 khóa XII của Đảng: Cái nguy hiểm nhất trong tự diễn biến, tự chuyển hóa là sự phai nhạt lý tưởng, không còn tin vào lý tưởng đấu tranh cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn, đặc biệt là con đường xây dựng CNXH.
Anh không trung thành với con đường cách mạng đó, thiếu bản lĩnh dẫn tới những hành vi trái với quan điểm đường lối, cương lĩnh của Đảng. Suy thoái đó là suy thoái về mặt tư tưởng chính trị. Từ đấy sẽ dẫn tới cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực.
Khi đã có quyền lực trong tay, anh có thể dẫn dắt thành nhóm, nhóm đó có thể có những hành vi phản động làm thay đổi cả đường hướng phát triển của đất nước, của dân tộc. Điều đó sẽ dẫn tới nguy cơ chế độ sụp đổ như đã diễn ra ở một số nước. Đấy chính là biểu hiện nguy hiểm nhất của tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Trong câu chuyện tự diễn biến, tự chuyển hóa, vấn nạn tham nhũng ảnh hưởng thế nào tới mỗi phẩm chất của người cán bộ, đảng viên, thưa ông?
- Tham nhũng cũng là biểu hiện của suy thoái, nó có quan hệ chặt chẽ với sự suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ đảng viên. Chúng ta có hai khái niệm tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống, hai cái đó có quan hệ mật thiết với nhau. Từ suy thoái về tư tưởng chính trị nghĩa là không còn tin, không còn bản lĩnh, không còn trung thành với đường hướng phát triển của đất nước thì sẽ dẫn tới sự buông thả trong đạo đức lối sống, dẫn tới chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, ăn chơi.
Ngược lại, nếu đã tham nhũng, có tiền bạc trong tay, phóng túng lại càng dấn sâu vào con đường phản bội chính trị, cơ hội chính trị, có thể phụ họa với các thế lực thù địch chống lại đường hướng phát triển của đất nước.
Hai khái niệm suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống có quan hệ mật thiết với nhau, nó làm suy thoái trong từng con người, nhất là cán bộ đảng viên có chức, có quyền. Nếu nhiều cán bộ đảng viên biến chất như vậy, suy thoái như vậy sẽ làm cho Đảng suy yếu đi, làm mất bản chất cách mạng của Đảng, làm cho Đảng mất sức chiến đấu, mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, đe dọa đến vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ.
Vấn đề tự diễn biến, tự chuyển hóa được Hội nghị T.Ư lần này nhấn mạnh, phải chăng đó chính là biểu hiện của một tình trạng cấp bách, thưa ông?
- Đúng như vậy. Như Tổng Bí thư đã nói, với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI của Đảng, tuy đã đạt được những kết quả ban đầu quan trọng như xử lý kỷ luật gần 1.400 tổ chức đảng, hơn 74.000 đảng viên các cấp, nhưng trên thực tế là thực trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Việc đó dẫn tới rất gần sự "tự chuyển hóa", "tự diễn biến", nên vấn đề càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Trên thực tế chúng ta chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng này. Nay phải tiếp tục làm chứ không thể bỏ dở giữa chừng, thậm chí phải làm quyết liệt hơn. Chính vì thế Hội nghị T.Ư 4 khóa XII lại nhấn mạnh. Nhấn mạnh rồi nhưng phải đặt trong tổng thể là xây dựng chỉnh đốn Đảng. Gốc căn bản vẫn là xây dựng chỉnh đốn Đảng cho thật mạnh, đồng thời chống và ngăn chặn những tiêu cực.
Ban Chấp hành T.Ư đã đề ra các giải pháp mang tính tổng thể. Khi cụ thể hóa, theo ông cần phải nhấn mạnh vào những vấn đề gì?
- Trong Nghị quyết của T.Ư nêu các giải pháp cơ bản, nếu chúng ta làm tích cực các giải pháp đã đề ra cũng sẽ tạo ra sự chuyển biến. Các nhóm giải pháp là: Giáo dục chính trị, tư tưởng; tự phê bình và phê bình; hệ thống cơ chế chính sách, kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể, nhân dân đóng góp vào xây dựng Đảng. Trong từng giải pháp phải cụ thể, sau này Ban Bí thư sẽ hướng dẫn cụ thể xem sẽ cần nhấn mạnh về vấn đề gì.
Theo tôi, cần phải nhấn vào những nội dung như tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Nếu như không khơi dậy vấn đề này để làm cho cán bộ, đảng viên thấy hết tinh thần trách nhiệm, tự tu dưỡng, rèn luyện thì rất khó, bao giờ cũng phải tu thân, tề gia, trị quốc. Nếu anh không tu dưỡng thì rất khó. Việc này trước đây chúng ta làm còn yếu.
Thứ hai, vấn đề kiểm soát quyền lực cần phải làm tốt hơn, đã giao cho anh chức, quyền gì thì phải có cơ chế giám sát anh làm tốt hay không. Nếu anh làm tốt thì biểu dương, làm kém phải xử lý.
Vấn đề thứ ba, theo tôi cần phải chú ý nhiều, cái này trước đây chúng ta làm chưa được, tức là phải coi việc xây dựng chỉnh đốn Đảng là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội chứ không phải chỉ là việc của Đảng. Sự giám sát của nhân dân, của báo chí rất quan trọng. Thời gian qua nhiều vụ tiêu cực do báo chí và nhân dân phát hiện. Cố gắng giải pháp này sẽ đem lại hiệu quả.
Việc Ban thường trực T.Ư về phòng, chống tham nhũng có những chỉ đạo đưa các vụ án trọng điểm ra xét xử có ý nghĩa thế nào trong việc đấu tranh chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, thưa ông?
- Trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, Ban thường trực T.Ư về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo đưa 8 vụ án điểm ra xét xử. Vừa qua có 6 vụ án điểm được chỉ đạo đưa ra xét xử từ nay đến năm 2017. Theo tôi đây là quyết tâm chính trị của Đảng trong việc chống tham nhũng, tiêu cực và nó cũng góp phần vào cuộc đấu tranh để ngăn ngừa, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và chống sự tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.