PVC thời “hậu” Trịnh Xuân Thanh bất nhất về con số lợi nhuận

Trần Giang Thứ ba, ngày 11/10/2016 12:45 PM (GMT+7)
Báo cáo của PVC gửi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy con số lợi nhuận năm 2014 không đồng nhất với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014 được thực hiện bởi Công ty kiểm toán Deloitte. Điều đáng nói, riêng năm 2014, có 3 con số về lợi nhuận của PVC. Vậy nhà đầu tư biết tin vào con số nào?
Bình luận 0

Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC – Mã CK: PVX) vừa công bố thông tin theo yêu cầu của HNX.

Theo bản giải trình ngày 7.10.2016 do ông Nguyễn Văn Đồng, Phó tổng giám đốc PVC ký, từ năm 2014 đến nay, tập thể cán bộ công nhân viên và người lao động công ty đã cố gắng nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn để ổn định các mặt hoạt động.

“Đến thời điểm hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty vẫn diễn ra bình thường và bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Năm 2014, lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn tổ hợp đạt 10,31 tỷ đồng trong đó công ty mẹ đạt 52,5 tỷ đồng; năm 2015, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 22,69 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 136,68 tỷ đồng”, văn bản giải trình viết.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn tổ hợp đạt 148,45 tỷ đồng trong đó công ty mẹ đạt 178,75 tỷ đồng. Tổng công ty đang tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, triển khai thi công tại các công trình, dự án trọng điểm như dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu, nhà giàn DK…;Tiếp tục triển khai công tác tái cơ cấu tại các đơn vị theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty đã được Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) phê duyệt; Tập trung thu hồi công nợ, hoàn nhập trích lập dự phòng, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, công việc làm và đời sống của trên 4.000 cán bộ công nhân viên và người lao động Tổng công ty.

Sẽ không có gì đáng nói, nếu con số lợi nhuận trong văn bản giải trình và báo cáo kiểm toán năm 2014 thống nhất. Thực tế, con số lợi nhuận của PVC năm 2014 giữa văn bản giải trình và báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014 được thực hiện bởi Công ty kiểm toán Deloitte lại có sự lệch pha.

Cụ thể, trong bản giải trình ngày 7.10.2016, PVC ghi: “Năm 2014, lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn tổ hợp đạt 10,31 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt 52,5 tỷ đồng”.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán bởi Deloitte năm 2014 ký ngày 31.3.2015, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2014 là 10,31 tỷ đồng trong đó phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 15,43 tỷ đồng.

imgPVC thời kỳ "hậu" Trịnh Xuân Thanh vẫn bất nhất về con số lợi nhuận

Còn theo số liệu báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015 cũng bởi Deloitte có trình bày điều chỉnh lại kết quả kinh doanh năm 2014 theo kết luận của kiểm toán Nhà nước thì lợi nhuận sau thuế năm 2014 hợp nhất là 102,5 tỷ đồng trong đó phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 49,78 tỷ đồng.

Vậy đâu mới là con số lợi nhuận chính xác của PVC trong năm 2014?

Một điểm nữa, trong bản giải trình ngày 7.10.2016, PVC ghi: “năm 2015, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 22,69 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 136,68 tỷ đồng”.

Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 mà công ty công bố, số liệu lợi nhuận sau thuế là 22,69 tỷ đồng trong đó phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 23,98 tỷ đồng.

Vậy, số liệu lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2015 thế nào mới đúng? Là 136,68 tỷ đồng hay 23,98 tỷ đồng mà công ty đã công bố vào ngày 4.4.2016 trên HNX?

Được biết, bản giải trình này là PVC gửi cho HNX về việc giải trình và xác định ảnh hưởng thông tin đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC sau quyết định công bố thanh tra toàn diện công ty của Thanh tra Chính phủ.

Ngày 6.10.2016, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định về việc thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra trọng tâm là việc đầu tư thực hiện các dự án tại Tổng công ty giai đoạn trước ngày 31.12.2013. Đây là giai đoạn Trịnh Xuân Thanh điều hành PVC với vai trò là Chủ tịch HĐQT và Vũ Văn Thuận với vai trò là Tổng giám đốc.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.

Theo đó, Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an đã điều tra, làm rõ các sai phạm trong việc thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC.

Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố 4 bị can, bắt tạm giam Vũ Đức Thuận, nguyên ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc PVC; Nguyễn Mạnh Tiến, phó tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên phó tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên kế toán trưởng PVC về hành vi cố ý làm trái.

Cơ quan điều tra cũng đã quyết định khởi tố bị can với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch HĐQT PVC về tội danh trên. Tuy nhiên do Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn trước khi bị khởi tố nên Bộ Công an đã phát lệnh truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem