Vụ trưởng vụ TDTT quần chúng Nguyễn Ngọc Anh: "Chú Hoàng Vĩnh Giang chính là TTVN"

Nguyễn Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng Tổng cục TDTT Chủ nhật, ngày 12/09/2021 13:10 PM (GMT+7)
Trên trang cá nhân của mình sáng nay, ông Nguyễn Ngọc Anh - Vụ trưởng vụ TDTT quần chúng Tổng cục TDTT đã chia sẻ bài viết xúc động, bày tỏ lòng biết ơn đối với vị lãnh đạo ngành đầy tâm huyết!
Bình luận 0

"Lời khen đúng lúc của chú Hoàng Vĩnh Giang đã tiếp thêm động lực cho tôi"

Trưa 11/9, PGS-TS Hoàng Vĩnh Giang, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội đã đột ngột qua đời vì bệnh tim, thọ 76 tuổi.

Thông tin này đã khiến các nhà quản lý, các thế hệ HLV, VĐV Thể thao Việt Nam (TTVN) vô cùng thương tiếc, đau xót. HLV ĐT bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung khi chia sẻ cùng Dân Việt đã khẳng định: "Không thể diễn tả hết công lao to lớn của chú Hoàng Vĩnh Giang đối với TTVN".

Còn cựu vô địch wushu thế giới Đàm Thanh Xuân bày tỏ: "TTVN không thể quên ơn ông!".

Sáng nay, trên facebook cá nhân, ông Nguyễn Ngọc Anh - Vụ trưởng vụ TDTT quần chúng Tổng cục TDTT đã đăng tải bài viết, tưởng nhớ một người lãnh đạo vừa có tâm, vừa có tầm, đã giúp những VĐV như anh nuôi dưỡng đam mê và sau này tiếp tục phát triển sự nghiệp trong vai trò quản lý, đóng góp một phần vào sự phát triển của TTVN.

Vụ trưởng vụ TDTT quần chúng Nguyễn Ngọc Anh: "Chú Hoàng Vĩnh Giang chính là TTVN" - Ảnh 1.

Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Hoàng Vĩnh Giang đã qua đời ở tuổi 76. Ảnh: Vietnam+

Được sự cho phép của ông Nguyễn Ngọc Anh, Dân Việt xin biên tập lại và đăng bài viết như một nén tâm nhang thành kính tiễn biệt ông Hoàng Vĩnh Giang:

"Sau khi nghe tin chú ra đi về cõi vĩnh hằng, trên tất cả các trang mạng, các phương tiện thông tin đã có những dòng chia sẻ, luyến tiếc, nhớ thương và cảm động về chú, một người anh hùng và là một trong những người lãnh đạo tài ba đã đi vào lịch sử phát triển của TTVN.

Trong lúc này cháu không biết nên phải làm gì, chỉ có thể ngồi viết mấy dòng chia sẻ với anh em, bạn bè đồng nghiệp ở góc độ cá nhân, một số ký ức rất đời, rất thường trong quãng thời gian được sống và làm việc với chú, như một lời tri ân với người đã khuất...

Không biết võ đi vào tâm trí tôi từ lúc mấy tuổi, chắc cũng bởi ảnh hưởng từ bố, vì ông là cán bộ trong ngành công an. Thời kỳ đó báo Công an Nhân dân như tài liệu mật và lưu hành nội bộ, chưa được phép phát hành ra bên ngoài như bây giờ, tôi may mắn hay được đọc, được xem, say mê với những câu truyện điều tra điều tra hình sự, săn bắt cướp, công an bắt gián điệp… trên những trang báo mà ông mang về, rồi những hình ảnh đó luôn theo tôi vào mỗi giấc mơ của tuổi ấu thơ, mơ lớn lên sẽ là một chiến sĩ công an dũng cảm, giỏi võ để có thể tả xung hữu đột đánh tan những băng cướp hung ác mang lại bình yên cho mọi nhà... Tình yêu võ thuật nhẹ nhàng đi vào trong tôi như thế.

Nhưng tình yêu võ thuật và thể thao chưa chắc trở thành cái nghiệp như bây giờ nếu tôi không được gặp chú...

Ngày đó vào khoảng những năm giữa thập niên 80, dậy võ học võ còn là một cái gì ghê gớm lắm, nhà nước kiểm soát rất chặt nên đâu phải yêu thích và muốn là có thể xin được học như bây giờ đâu.

Với tôi cứ được đi học võ là sung sướng rồi, không quan trọng học môn phái gì hay học ở đâu... Khoảng năm 1985, một hôm bố bảo tôi: "Bố có nhờ một chú xin cho con đi học Judo rồi". Ngay buổi tối hôm đó, hai bố con có mặt ở nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức theo lời giới thiệu của chú bạn bố.

Tối hôm đó là thời khắc tôi đến với võ, cũng từ đó cánh cửa võ thuật đã mở ra nhiều điều trong tôi, để giờ đây cuộc đời đã gắn chặt với sự nghiệp TDTT.

Lần đầu tiên được ngồi với bố trên khán đài nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, xem các anh chị võ sinh khoác trên mình những bộ võ phục màu trắng, màu nâu, màu đen đi quyền, tung cước với những tiếng hét vang dội hừng hực khí thế. Đó là khoảnh khắc đầu tiên trong đời tôi được hòa mình, hóa thân vào những câu chuyện lịch sử được học ở trường.

Bất chợt tất cả im phăng phắc, quay sang bên trái nhà thi đấu thấy chú bước vào, cũng là lần đầu tiên thấy chú, không nhớ chính xác nhưng lờ mờ trong ký ức, lúc đó chú vận chiếc quần màu sáng và mặc chiếc áo tối màu, một người đàn ông cao lớn trắng trẻo, đẹp, uy nghi nhưng nhìn rất khỏe khoắn, nhanh nhẹn.

Sau khi người đàn ông đó nhắc nhở mọi người mấy câu rồi tiến đến chỗ hai bố con tôi ngồi. Trong câu chuyện mà chú nói với bố tôi có mấy câu đã theo tôi đến tận bây giờ, đó là khi nghe bố tôi nói: "Cháu nhà tôi nó ham mê võ, có anh bạn giới thiệu lên gặp anh xin đăng ký cho cháu nó học Judo, môn đó học bao lâu có thể chiến đấu được hả anh?". Nghe bố tôi hỏi vậy, chú trả lời: "Muốn chiến đấu nhanh thì anh cho cháu học những môn đang tập kia kìa, chứ Judo là môn thể thao để chiến đấu được phải học lâu dài".

Ít lâu sau tôi mới biết đó là chú Hoàng Vĩnh Giang, lúc đó là Phó Giám đốc Sở TDTT Hà Nội. Cũng chỉ với những lời trao đổi nghe được từ chú và bố nói chuyện với nhau, ngay lúc đó đã bắt đầu giúp tôi hình thành con đường đi đến tương lai của mình sau này.

Thực tế, tôi có tập Judo ít lâu, nhưng vì cuộc nói chuyện kể trên, nên tôi không còn mặn mà lắm với môn võ thuật này nữa, chuyển qua tập luyện một số môn võ thuật khác như Quyền Anh, Việt Võ Đạo, Karatedo. Cho đến năm 1992, lúc đó đang là vận động viên đội tuyển Karatedo Hà Nội thì nghe nói có môn Pencak Silat mới du nhập vào Việt Nam rất hay, do chú Hoàng Vĩnh Giang- Giám đốc Sở TDTT Hà Nội mang về từ SEA Games 15 Kuala Lumpur, Malaysia năm 1989.

Vậy là tôi đã xin các thầy chuyển qua thi đấu ở môn võ thuật mới này, rồi thấy nó quá hay và phù hợp với mình nên đã xin nghỉ hẳn Karatedo và chuyển sang thi đấu Pencak Silat.

Nhớ lắm ngày đó, không biết phía nam có sân Tinh Võ thế nào chứ phía bắc có nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức như một thủ đô hoa lệ của võ thuật, nơi mà mỗi khi có một giải thi đấu võ thuật tổ chức, người hâm mộ khắp nơi nô nức đổ về, chật kín con đường phía trước, trong sân và trên bốn khán đài của nhà thi đấu. Muốn vào xem là phải chen nhau mua vé chứ không như bây giờ.

Thời đó mỗi khi có giải, đêm nào khán giả cũng chật cứng nhà thi đấu, reo hò, cổ vũ những kỹ thuật hay, những pha ra đòn đẹp mắt trên sàn đấu, tung hô, chúc tụng những VĐV chiến thắng mỗi khi họ gặp.

Một lần đánh xong trận đấu tôi chạy lên khán đài tới chỗ bố ngồi, len qua những hàng ghế khán giả đông kín, vui lắm, chỗ nào cũng bị mọi người kéo tay, kéo áo hồ hởi động viên. Bỗng có một người chạy đến trước mặt nói "nãy ngồi cạnh anh Giang (chú Hoàng Vĩnh Giang), mình có khen mấy trận đấu trước đánh hay, nhưng anh ý nói chưa đâu, rồi chỉ vào cậu bảo, phải xem thằng này đánh này. Cậu đánh hay lắm! cố lên nhé".

Chú là người lãnh đạo thể thao, đào tạo ra hàng trăm, hàng nghìn vận động viên xuất sắc, chắc chú không thể nhớ nổi những việc như thế. Nhưng lời khen đúng lúc, đúng thời điểm đó của chú, đã góp phần tiếp thêm sức mạnh, động lực để tôi hăng say làm việc hơn với niềm tin "cứ cống hiến đi, sẽ được nhìn nhận". Suy nghĩ đó đã giúp tôi trưởng thành, băng qua được những lắt léo trong cuộc sống, trong công việc cho đến tận bây giờ.

"Nó làm được tới 7 HCV chúng mày còn nói ra nói vào gì nữa..."

Như bao người khác, vừa thi đấu tôi vừa đi học, rồi tốt nghiệp ra trường, nghỉ thi đấu và về công tác tại Vụ Thể thao Thành tích cao nên không còn là VĐV của Hà Nội nữa, được phân công phụ trách môn Pencak Silat và nắm đội tuyển Quốc gia năm 23 tuổi.

Thời điểm đó là cán bộ trẻ, tâm huyết và quyết liệt, rắn đến mức giờ nghĩ lại thấy mặc dù mình làm đúng, nhưng cũng hơi cứng nhắc quá. Do vậy trong quá trình làm việc không tránh được và chạm với nhiều HLV của Hà Nội, là đơn vị đứng đầu và cái nôi của môn thể thao này.

Không ít những câu chuyện từ bé xé ra to, những thêu dệt lệch lạc đến tai chú mà một cán bộ như tôi không có cơ hội gặp để được giãi bày hoặc thanh minh. Thậm chí có những cái bẫy lớn nhỏ được giăng ra cũng phải tự mình cố gắng vượt qua, áp lực rất lớn với một cán bộ trẻ, đến mức vừa làm vừa chấp nhận có thể bị kỷ luật bất cứ lúc nào. Cũng có lúc tôi tưởng chừng như không chịu nổi và có ý định xin thôi việc.

Nhưng rồi mọi chuyện cứ cuốn đi, năm 1997 tại SEA Games 19 tổ chức ở Indonesia lần đầu tiên Pencak Silat Việt Nam có huy chương vàng, Việt Nam giành 3/22 huy chương vàng, đứng thứ 2 toàn đoàn sau Indonesia (chỉ Việt Nam và Indonesia là có huy chương vàng).

SEA Games 20 năm 1999 tại Brunei, Pencak Silat Việt Nam vượt qua Indonesia vươn lên vị trí số 1, đóng góp 7/17 huy chương vàng của đoàn TTVN.

Sau đó, tôi tình cờ được nghe câu chuyện, chú gọi một số người vào gặp chú mắng: "Nó làm được tới 7 HCV chúng mày còn nói ra nói vào gì nữa, từ nay cấm tham mưu lung tung".

Cộng thêm vài chuyện nữa lúc đó tôi mới biết rằng, chú tuy chỉ là Giám đốc một Sở TDTT thôi, nhưng lại là một chiến lược gia của ngành. Nếu không thích tôi, một lời nói của chú với lãnh đạo ngành lúc đó, không biết tương lai tôi sẽ đi về đâu. Từ đó trong tôi, chú không chỉ là lãnh đạo thể thao của Hà Nội nữa, mà chú chính là thể thao của Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem