Cho đến hôm nay, dư âm của vụ tai nạn thảm khốc xảy ra hôm 22.9 khiến 4 mạng người chết oan vẫn còn để lại những nỗi đau khôn nguôi cho những người ở lại. Đặc biệt, những người dân trực tiếp tham gia cứu hộ cho biết họ vô cùng day dứt khi nhìn thấy những người bị nạn vẫy vùng cố thoát khỏi bàn tay tử thần ngay trước mắt mà đành lực bất tòng tâm.
Nhiều người trong số họ cả đời thậm chí còn chưa từng leo lên xe ô tô con nên đã hết sức lúng túng khi phải xử trí tình huống này. Và họ đã không biết phải làm cách nào để có thể kéo những người bị nạn trong xe ra ngoài một cách nhanh chóng và hợp lý nhất.
Chiếc xe được đưa lên bờ trong tình trạng đầu xe bị hư hại nặng. (Ảnh: An Long)
Tai nạn hy hữu
Ông Lê Văn Toàn – Phó Trưởng Công an xã Tân Lập, người tham gia cứu hộ cho biết, vết trượt của chiếc ô tô trên lề cỏ đo được khoảng 64 mét. Theo quan sát của PV, sau khi trượt dọc lề cỏ, đâm gãy nhiều cây tràm và chuối ven đường, chiếc xe lao qua một mô đất cao rồi mới lộn nhào xuống nước trong tư thế chổng 4 bánh lên trời.
Do đặc thù vùng lũ, quốc lộ 62 được thi công cao hơn mặt ruộng khoảng 2 mét, 2 bên đường thường có trồng tràm, bờ taluy khá dốc. Có khả năng trong suốt quãng đường hơn 60 mét xe bị “lọt lề” và không thể lấy lại hướng lái, thân xe đã bị quăng quật khá nhiều vào cây cối nên đầu xe và hai bên thân xe, nóc xe đều móp méo. Tuy nhiên, do va chạm với các cây có thân nhỏ nên chiếc xe không bị chặn lại mà làm gãy hàng loạt thân, nhánh cây rồi lao xuống nước.
Chiếc xe đã được lật trở lại sau khi bị lật úp, cướp đi 4 mạng người. (Ảnh: An Long)
Anh Trương Văn Tuấn, người đầu tiên có mặt tại hiện trường vụ tai nạn xót xa kể lại: “Khoảng 5 giờ sáng, cả nhà tôi thức dậy. Vợ tôi lo cơm nước cho con gái chuẩn bị đi làm ở một xí nghiệp. Tôi giật mình nghe âm thanh cây cỏ ngã rạp và những tiếng động rất mạnh. Khi tôi chạy ra đường thì đã thấy chiếc xe lật úp dưới cái ao đầy năng lác cặp lộ, phần đầu xe chúi xuống đáy ao, phần đuôi đang chìm từ từ. Những người trong xe kêu cứu. Ông Sáu Hồng kề nhà tôi lội xuống ao, cố mở cửa nhưng không được. Vợ tôi chạy bộ lại một ngôi nhà cách đây vài trăm mét để kêu cứu. Còn tôi thì đứng ngoài đường, ngoắc các xe chạy ngang nhờ hỗ trợ. Có 2 chiếc xe chở khách loại 12 và 16 chỗ lần lượt chạy ngang. Thấy tài xế chạy chậm lại, tôi hét lên “Cứu người, cứu người” nhưng họ chỉ nhìn rồi chạy luôn trong khi chiếc xe chìm dần. Khoảng 10 phút sau, khi chiếc xe thứ 3 dừng lại, tài xế đã vác ống tuýp sắt để phá cửa, người dân cũng chạy lại lật xe lên nhưng không kịp nữa”.
“Giá chúng tôi biết cách mở cửa xe...”
Cũng theo lời anh Tuấn, khi chiếc xe mới tiếp nước trong tình trạng lật úp, anh vẫn còn thấy kính xe nhô cao hơn mặt nước khoảng một gang tay, sau đó mới chìm từ từ. Khi đưa các nạn nhân ra khỏi xe, hầu hết mọi người đều nhận ra bác sĩ Phạm Thị Ngọc Liên (Trưởng khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Kiến Tường) và bác sĩ Đặng Chí Đông Giang (chuyên khoa Nội Nhi). Trong quá trình quẫy đạp để tìm cách thoát ra ngoài, 2 bàn chân bác sĩ Giang bị nhiều vết trầy xước.
“Vợ chồng bác sĩ Giang chuyên cứu người, nhưng chúng tôi đã không cứu được họ. Lẽ ra không ai phải chết nếu chúng tôi biết cách mở cửa xe” – chị Lê Thị Chúc - vợ anh Tuấn - rớm nước mắt.
Chiếc xe được kéo khỏi hiện trường.(Ảnh: An Long)
Anh Tuấn kể, các nạn nhân có thắt dây an toàn, nhưng anh và những người khác không biết cách nào tháo dây an toàn, có người còn chạy đi lấy dao để cắt. Có người còn nói, ven quốc lộ có những viên đá to để đập vỡ cửa kính. Nhưng, chiếc xe ô tô đời mới đối với họ là một tài sản lớn, không ai dám dùng đá hay dao, búa để đập. Đến khi một tài xế dừng lại, dùng ống tuýp sắt đập vỡ kính xe thì lúc đó đã quá muộn.
Chị Lê Thị Chúc kể, cách hiện trường vụ tai nạn vài trăm mét có một gia đình tổ chức lễ cưới nên có khá đông người tại đây. Chị đã chạy đến đây để kêu cứu, nhưng do chạy bộ nên cũng phải hơn 10 phút sau mọi người mới có mặt tại hiện trường và lúc đó thì đã quá muộn.
Ông Nguyễn Văn Thắng, nhà ở xã Tân Lập, kể: “Khi nghe chị Chúc nói có xe lọt xuống ao, nhiều thanh niên đang tụ tập ở đám cưới nửa tin nửa ngờ. Tập tục ở quê, nhà có đám tiệc cánh đàn ông thường gom lại lớp uống rượu, lớp chơi đánh bài xuyên đêm, chờ hôm sau vào tiệc chính. Thường vào lúc gần sáng, nhiều người còn lơ mơ vì buồn ngủ nên phải đến khi chị Chúc gọi lần thứ 2, đám thanh niên mới bổ nhào ra hiện trường. Nhưng chiếc xe nặng quá, dưới đáy ao thì toàn bùn nên lội xuống bị lún gần tới đầu gối, cả nhóm hì hục mãi mới lật được chiếc xe quay nóc trở lên. Lúc này, người thì nâng xe, người thì đập kính, chỉ hy vọng các nạn nhân còn sống...”.
Ở vùng Đồng Tháp Mười, mùa lũ thường xảy ra chuyện đuối nước nên người dân rất rành kỹ năng cứu người chết đuối. Thế nhưng, những người nhiều kinh nghiệm nhất cũng đành phải lắc đầu, vì thời gian để giải cứu quá lâu.
Ông Nguyễn Văn Đát - Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa (áo trắng, bìa trái) thăm hỏi gia đình nạn nhân (Ảnh: An Long)
Chứng kiến cảnh anh Trương Văn Tuấn cầu cứu 2 chiếc xe chạy ngang nhưng tài xế không dừng, ông Thắng tiếc nuối nói: “Ở đây đám thanh niên say xỉn lâu lâu hứng chí cũng ra đường chặn xe, nên lúc trời còn chưa rõ mặt, thằng Tuấn thì bị tật chân thấp chân cao chạy ra nên mấy ông tài xế sợ chạy luôn. Ông Sáu Hồng lội ngay xuống ao, loay hoay tìm cách mở cửa xe nhưng cũng không làm gì được. Nếu bình tĩnh hơn, có lẽ chúng tôi đã làm được điều gì đó tốt hơn cho họ. Từ hôm đó tới giờ, cả xóm đều buồn và day dứt lắm”.
Chuyến xe xấu số
Sáng 22.9, xe ô tô 4 chỗ hiệu Toyota Vios do tài xế Nguyễn Anh Thi (SN1984, ngụ phường 1, thị xã Kiến Tường) điều khiển, lưu thông từ thị xã Kiến Tường về hướng TP.HCM, đến quốc lộ 62 đã mất lái, lao xuống ruộng nước rồi lật úp. Do đang mùa lũ, nước ngập qua xe khiến cả 4 người trên xe chết ngạt dù được người dân phát hiện ngay khi tai nạn vừa xảy ra. Ngoài tài xế Thi, 3 nạn nhân còn lại cùng một gia đình, gồm vợ chồng bác sĩ Đặng Chí Đông Giang (sinh năm 1967) - bác sĩ Phạm Thị Ngọc Liên (SN 1974), em ruột bác sĩ Giang là Đặng Thị Tuyết Trinh (sinh năm 1969, làm nghề buôn bán quần áo). Ở vùng Đồng Tháp Mười, vợ chồng bác sĩ Giang rất được người dân tín nhiệm. Bác sĩ Giang mới 47 tuổi, sau nhiều năm là Trưởng phòng tổng hợp Trung tâm y tế thị xã Kiến Tường, ông vừa được giải quyết nghỉ hưu sớm hơn quy định kể từ tháng 9.2014 vì chứng thoát vị đĩa đệm. Phòng mạch ông rất đông khách. Nhiều người được ông chữa khỏi bệnh dù trước đó đã chữa nhiều nơi. Không riêng gì người Việt, người Khmer bên kia biên giới Campuchia cũng từng tìm đến với phòng khám của ông và nhờ đó mà sức khỏe tốt hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.