Vua Lê Tương Dực làm con dấu giả lừa triều đình Trung Quốc thế nào?

Lê Tiên Long Chủ nhật, ngày 09/12/2018 09:05 AM (GMT+7)
Lê Tương Dực, vị vua thứ 9 triều Lê sơ bị hậu thế gọi là “vua lợn”, từng là chủ mưu một vụ làm giả con dấu để “đánh lừa” triều đình nhà Minh của Trung Quốc.
Bình luận 0

Vua Lê Tương Dực (1495 - 1516), vốn tên thật là Lê Oanh, là một tôn thất nhà Lê, đời vua Lê Uy Mục đã được phong tước Giản Tu công.

Mất ấn quốc bảo

Xếp về thế thứ, Lê Oanh là cháu nội Lê Thánh Tông, con của Kiến vương Lê Tân và là em họ Lê Uy Mục. Năm 1509, Lê Oanh bị Lê Uy Mục bắt giam, ông đã tìm cách trốn ra khỏi Thanh Hóa, họp quân tiến đánh và giết Uy Mục. Lê Oanh lên ngôi, tức Tương Dực đế, trị vì từ năm 1509 đến năm 1516, tổng cộng 7 năm.

Thời kỳ đầu ở ngôi, Tương Dực đế có một số cố gắng chỉnh đốn triều chính, sửa sang giáo dục, khôi phục Văn miếu, biên chép sử sách.

img

(Tranh minh họa) Lê Tương Dực xây cất Cửu Trùng Đài

Trong quan hệ ngoại giao, Lê Tương Dực đã làm một việc mà có lẽ chưa vị vua nào của Việt Nam dám làm: Giả dối với triều đình phong kiến Trung Quốc.

Sử nước ta chép rằng, đời vua Lê Tương Dực do làm mất ấn quốc bảo, không có gì để khớp với phù khế của nhà Minh. Nhân vua biết viên quan Kim quang môn đãi chiếu tên là Nguyễn Huệ biết làm ấn quốc bảo, vua sai khắc ấn mới để khớp với phù khế của nhà Minh, quả nhiên khớp với ấn của nhà Minh đã ban cho.

Năm Hồng Thuận thứ 5 (1513), khi sứ nhà Minh là bọn Huy Tăng, Nhược Thuỷ sang phong cho vua làm An Nam Quốc vương và ban cho một bộ áo mũ quan võ bằng da, một bộ thường phục thì Huệ đã lui về vì tuổi già. Vua nghĩ đến công làm ấn giả của ông, lại gọi ra để dùng, thăng ông làm Lễ bộ Tả thị lang hành Kim quang môn đãi chiếu, tri Thượng bảo giám các cục.

Nhưng chẳng bao lâu sau ông lại sa đoạ như vua Uy Mục trước đây. Tháng 5 năm 1514, nghe lời của Hiệu uý Hữu Vĩnh, Tương Dực giết chết 15 vương công, cho gọi các cung nhân của triều trước vào cung để gian dâm.

Năm 1516, Tương Dực sai Vũ Như Tô xây dựng điện 100 nóc, lại xây công trình quy mô lớn là Cửu Trùng Đài, làm nhiều cung điện quy mô hơn xung quanh.

Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua bắt các nha môn trong ngoài kinh thành phải làm, tập hợp nhau lấy hồ, khiêng đất. Vua hàng ngày bất thần ngự chơi các nơi, chỗ nào vừa ý thì thưởng cho bài vàng, bài bạc. Có chỗ đã làm xong lại phải làm lại, sửa đổi xây đắp lại, hết năm này qua năm khác, liên miên không dứt. Quân lính đắp thành mắc chứng dịch lệ đến một phần mười”.

Cũng vì vậy, tài nguyên dần suy kiệt, người lao động bị sai đi xây dựng kiệt sức, tạo mầm mống để cho nhiều cuộc bạo loạn xảy ra, như các cuộc nổi dậy của Trần Tuân (1511) và Trần Cảo (1516) nổi dậy khiến nhà vua và các tướng phải đánh dẹp rất vất vả.

Khi sứ thần nhà Minh đi sứ sang phong tước An Nam Quốc Vương cho vua Tương Dực, nhìn thấy dung mạo của vua, sứ thần Huy Tăng nói với người đồng hành là Nhược Thủy rằng: “Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không lâu đâu”. Do đó, sau này người ta gọi Lê Tương Dực là Vua lợn.

Tính háo dâm của vua Lê Tương Dực được sử cũ kể lại ở chuyện ông ra lệnh làm thuyền chiến thật trang hoàng lộng lẫy rồi bắt các cung nữ trần truồng, tay cầm cái chèo đánh nhịp làm đại nhạc để hoàng đế thưởng sắc. Ở trong cung thì vua ngày đêm uống rượu đánh bạc.

Cái chết bi thảm của vua Lê Tương Dực

Cái chết của Lê Tương Dực cũng rất bi thảm khi so sánh với các bậc vua chúa Việt Nam thời phong kiến. Nó bắt nguồn từ sự trả thù của viên tướng từng được nhà vua sủng ái, nhưng sau đó lại bạc đãi.

Câu chuyện bắt đầu từ cuộc nổi dậy của Trần Cảo ở huyện Thủy Đường (Hải Phòng), tụ tập được nhiều người lấy đất Hải Dương, Thủy Đường, Đông Triều, rồi tự xưng là vua Đế Thích giáng sinh. Trần Cảo thành lập quân đội, người đi theo đến hàng vạn.

Trần Cảo đem quân về đóng ở đất Bồ Đề, bên kia sông Hồng, định đánh chiếm sang kinh đô Đông Kinh (Thăng Long). Vua Tương Dực đích thân xuất chinh đi đánh giặc, ngự ở trên điện ra lệnh điều động các tướng. Khi quân triều đình sang sông đánh, Trần Cảo lui về đóng ở Trâu Sơn, thuộc phủ Từ Sơn. Tương Dực sai An Hòa hầu là Nguyễn Hoằng Dụ sang đóng quân ở Bồ Đề để chống giữ.

Nguyên Quận công là Trịnh Duy Sản, trước có công đi đánh dẹp Trần Tuân, nhiều lần trái ý Tương Dực, bị đem đánh bằng roi, nên sinh lòng thù hận. Duy Sản bất mãn mưu với thái sư Lê Quảng Độ và Trình Trí Sâm để lập người khác làm vua, sửa sang binh giới ở bến Thái Cực, nói dối là đi đánh giặc.

Đêm ngày 6 tháng 4 (âm lịch) năm 1516, hồi canh hai, Trịnh Duy Sản đem hơn 3.000 người ở các vệ Kim ngô và Hộ vệ vào cửa Bắc Thần. Vua Tương Dực nghe tin ấy, ngờ là có giặc đến, bèn ngự ra ngoài cửa Bảo Khánh.

Mờ sáng ngày mồng 7, vua đi tắt qua cửa nhà Thái Học, chỉ có Hàn lâm viện thừa chỉ là Nguyễn Vũ. Đến hồ Chu Tước, phường Bích Câu (ở đoạn phố Nguyễn Thái Học ngày nay), vua gặp Trịnh Duy Sản và hỏi: Giặc ở phương nào? Duy Sản không trả lời, quay nhìn chỗ khác cười ầm lên.

Vua Tương Dực ngờ ngợ, quất ngựa chạy về phía tây. Duy Sản sai võ sĩ là tên Hạnh cầm giáo đâm ông ngã ngựa rồi giết chết. Nguyễn Vũ cũng bị giết chết theo.

Sau đó Duy Sản sai người đem xác vua Tương Dực về quán Bắc Sứ, khâm liệm rồi đem thiêu. Khâm Đức hoàng hậu cũng nhảy vào lửa theo để tự thiêu. Quân sĩ đem hai quan tài về chôn ở huyện Ngự Thiên, giáng phong hoàng đế làm Linh Ẩn Vương.

Phải đến khi Lê Chiêu Tông được Trịnh Duy Sản đưa lên ngôi, vua mới cho cải thụy hiệu vua cũ là Tương Dực Đế, mộ phần được cải thành Nguyên Lăng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem