Vực dậy nền kinh tế Nga, Tổng thống Putin tính chuyện tịch thu tài sản của các nhà tài phiệt Nga

Huỳnh Dũng Thứ tư, ngày 04/01/2023 14:13 PM (GMT+7)
Putin sẵn sàng bắt đầu tịch thu tài sản có giá trị của các nhà tài phiệt, mà ông cho là không đủ trung thành vào lúc mà sự cô lập quốc tế do cuộc chiến của ông ở Ukraine đang khiến kinh tế Nga lao đao, Nga cũng muốn đánh thuế những công dân giàu nhất nước này diễn ra vào thời điểm cấp bách về kinh tế.
Bình luận 0

Vốn dĩ, khả năng phục hồi của Nga trước các lệnh trừng phạt đã khiến các chuyên gia ngạc nhiên trong những tháng đầu của cuộc chiến ở Ukraine, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy, sự cô lập ngày càng sâu sắc sẽ dẫn đến một nền kinh tế khô héo trong nhiều năm tới, và vị thế siêu cường năng lượng bị suy giảm đáng kể.

Các chuyên gia nói với Insider rằng, sự cô lập của Nga với phương Tây là một thảm họa đối với sức khỏe lâu dài của nền kinh tế nước này. Ảnh: @AFP.

Các chuyên gia nói với Insider rằng, sự cô lập của Nga với phương Tây là một thảm họa đối với sức khỏe lâu dài của nền kinh tế nước này. Ảnh: @AFP.

Kể từ khi hứng chịu những đòn trừng phạt ban đầu của phương Tây, Nga phần lớn đã trả đũa bằng cách đóng cửa với phương Tây, độc quyền giao dịch với các quốc gia "thân thiện", và củng cố quan hệ đối tác với các quốc gia có thể cam kết kinh doanh với một quốc gia bị bỏ rơi như Nga.

Nga đã có một số thành công trong việc gieo rắc hỗn loạn thông qua vũ khí hóa thương mại năng lượng, nước này gần đây cũng đã tạm dừng dòng khí đốt đến đường ống Nord Stream 1 quan trọng của châu Âu, trong khi bán nguồn cung cấp nhiên liệu còn sót lại cho các khách hàng như Trung Quốc và Ấn Độ. Tất nhiên, việc bán năng lượng cho hai quốc gia đó đã mang lại cho Nga hơn 24 tỷ đô la chỉ trong ba tháng đầu tiên của cuộc chiến.

Theo Yuriy Gorodnichenko, nhà kinh tế học của UC Berkeley, bên trong sự thể hiện kiên cường đầy thách thức của Putin đang có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga sẽ phải trả giá đắt cho việc bị cô lập trong thời gian dài.

"Những gì họ đề xuất làm là một công thức dẫn đến tình trạng trì trệ lâu dài", Gorodnichenko nói với Insider, ông còn chỉ ra các quốc gia từng bị cô lập khác có nền kinh tế yếu nhất thế giới, cụ thể đó chính là Triều Tiên, Afghanistan và Cuba, và Nga rất khó để thoát khỏi tình trạng tương tự. Vấn đề chỉ là ở thời gian.

Một người đàn ông đi ngang qua cửa hàng cà phê Krunchy Dream ở Moscow vào tháng trước. Nó được mở tại địa điểm của một cửa hàng Krispy Kreme trước đây, sau khi chuỗi cửa hàng của Hoa Kỳ rời khỏi thị trường Nga. Ảnh: @Evgenia Novozhenina/Reuters.

Một người đàn ông đi ngang qua cửa hàng cà phê Krunchy Dream ở Moscow vào tháng trước. Nó được mở tại địa điểm của một cửa hàng Krispy Kreme trước đây, sau khi chuỗi cửa hàng của Hoa Kỳ rời khỏi thị trường Nga. Ảnh: @Evgenia Novozhenina/Reuters.

Việc Nga bị cô lập thực sự đã dần bắt đầu vào năm 2014, làm xấu đi vị thế kinh tế của nước này trước thềm cuộc chiến tại Ukraine. Quốc gia này ghi nhận GDP 1,78 nghìn tỷ đô la vào năm 2021, giảm so với mức trung bình là khoảng 2,06 nghìn tỷ đô la của bảy năm trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính, GDP của Nga sẽ tiếp tục giảm thêm 6% trong năm nay.

"Điều xảy ra là chủ nghĩa cô lập này cũng làm giảm số lượng sản phẩm mà Nga có thể mua", Jay Zagorsky, giáo sư thị trường tại Đại học Boston cho biết. "Nga chỉ có thể mua hàng hóa nông nghiệp của Ấn Độ, hoặc chỉ có thể mua hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, đại loại là kiểu như vậy. Và khi bạn giới hạn mình ở một quốc gia cụ thể, bạn thường không nhận được mặt hàng có chất lượng cao nhất hoặc giá tốt nhất".

Việc bị cô lập cũng dẫn đến lệnh cấm thanh toán của Nga đối với đồng đô la Mỹ "không thân thiện" – vốn chiếm 88% giao dịch ngoại hối toàn cầu, tất nhiên nó cũng sẽ là một rào cản lớn, cho phép người bán tính phí bảo hiểm và khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.

Lợi thế về năng lượng đang phai nhạt

Tất cả những biến động hiện tại đã và đang tạo ra một cú đấm đặc biệt mạnh mẽ cho xuất khẩu năng lượng của Nga. Thực tế thì doanh thu bán xăng dầu năm 2021 chiếm 45% GDP của Nga, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Tuy nhiên, việc thúc đẩy và duy trì sản xuất năng lượng trong dài hạn lại phụ thuộc vào khả năng mua máy móc và công nghệ cần thiết để cung cấp năng lượng cho ngành, phần lớn chúng lại được sản xuất ở phương Tây.

Gazprom của Nga chứng kiến xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài quan trọng giảm 46% trong năm 2022. Ảnh: @Bloomberg.

Gazprom của Nga chứng kiến xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài quan trọng giảm 46% trong năm 2022. Ảnh: @Bloomberg.

"Nhiều bộ dụng cụ và máy móc thăm dò mỏ dầu là công nghệ cực kỳ cao. Chúng ta đang nói về hệ thống GPS và rô-bốt điều khiển mọi thứ nằm sâu dưới lòng đất. Đó không chỉ là một nhóm người với một cái ống lớn và một đống búa tạ can thiệp vào lòng đất là được", Zagorsky nói.

Việc không thể đầu tư vào công nghệ đó sẽ là rào cản lớn đối với sự thống trị của Nga trên thị trường năng lượng trong tương lai, đặc biệt là khi châu Âu thiếu năng lượng đang chi hàng tỷ USD để tăng sản lượng trong thập kỷ tới.

Nó cũng phức tạp hơn bởi thực tế là Nga hiện đang bán dầu của mình cho một số khách hàng chọn lọc. Điều đó khiến các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ được giảm giá mạnh đối với dầu thô của Nga. Điều đó không chỉ làm giảm doanh thu năng lượng của Nga, mà còn buộc nước này phải nhượng lại phần lớn quyền lực của mình trên thị trường dầu mỏ, Gorodnichenko nói.

Đó có thể là một trong những lý do khiến Nga lặng lẽ ghi nhận những tổn thất của mình kể từ sau chiến tranh. Bộ tài chính Nga không công bố báo cáo hàng tháng, nhưng các tài liệu nội bộ được xem xét bởi tờ Bloomberg phát hiện ra rằng, Nga đã phải gánh chịu "tổn thất trực tiếp" hàng tỷ đô la từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây và ngân sách thặng dư đã giảm 137 tỷ rúp, hay tương đương 2,1 tỷ đô la Mỹ, tính đến tháng 8/2022.

"Việc họ không công bố nhiều dữ liệu kinh tế cho thấy rằng, họ biết có những tổn thất nặng nền về chi phí, nhưng họ muốn che giấu mức độ của những chi phí đó", Don Hanna, một nhà kinh tế tại UC Berkeley nói với tờ Insider. "Tất cả những điều đó được thiết kế để che đậy hậu quả của cuộc tấn công Ukraine đối với nền kinh tế Nga".

Nhu cầu tiêu dùng yếu là một trong những thách thức kinh tế chính của Nga

Việc thúc đẩy sự phục hồi nhu cầu của người tiêu dùng, và giúp khu vực doanh nghiệp có lãi là những nhiệm vụ lớn nhất mà chính phủ Nga phải giải quyết vào năm 2023, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Andrei Belousov vừa cho biết.

Phó Thủ tướng Nga Andrey Belousov tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC (AELM) lần thứ 29 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 19 tháng 11 năm 2022. Ảnh: @Jack Taylor/Pool qua REUTERS.

Phó Thủ tướng Nga Andrey Belousov tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC (AELM) lần thứ 29 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 19 tháng 11 năm 2022. Ảnh: @Jack Taylor/Pool qua REUTERS.

Nền kinh tế Nga dự kiến sẽ suy giảm trong năm thứ hai kể từ năm 2023, với các biện pháp trừng phạt sâu rộng của phương Tây đối với Moscow về các hành động của nước này ở Ukraine, và việc "huy động một phần" hầu hết nam giới trong độ tuổi lao động làm tăng thêm các vấn đề dài hạn như thiếu nguồn lao động, giảm nhu cầu tiêu dùng, cũng như thu nhập khả dụng giảm.

"Thị trường tiêu dùng đang phục hồi rất chậm", Belousov cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước. Ông gọi tình hình là một cái gì đó "gần như đình trệ".

Đồng thời, Belousov cho biết, hoạt động cho vay tiêu dùng, một công cụ đắc lực trong việc hỗ trợ nhu cầu việc làm, cũng đang giảm mạnh. Về phía doanh nghiệp, lợi nhuận của các công ty giảm khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát được dự báo ở mức 5-6% trong năm 2023, nhưng Belousov dự đoán tỷ lệ này sẽ giảm xuống thấp hơn, điều này có thể cho phép Ngân hàng Trung ương Nga nới lỏng chính sách tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, đánh giá đó trái ngược với quan điểm của các nhà kinh tế được tờ Reuters thăm dò vào tuần cuối cùng của tháng 12/2022, những người tiên đoán rằng lạm phát sẽ tiến gần đến giới hạn trên của phạm vi đó, điều này sẽ hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất.

Nga cảnh báo năm 2023 sẽ đầy thách thức đối với kinh tế, tài chính

Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Andrey Belousov cũng tuyên bố rằng năm 2023 "sẽ khá khó khăn" đối với nền kinh tế nước này về tài chính, và thâm hụt ngân sách. Ông lưu ý rằng vào năm 2022, nền kinh tế Nga bị suy giảm dưới 3% do "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine nhưng năm tới dự kiến sẽ còn nhiều thách thức hơn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp liên hợp công nghiệp-quân sự ở Nga vào ngày 23 tháng 12 năm 2022. (Ảnh: @Văn Phòng Báo Chí Tổng Thống Nga/ Sputnik Pool/ AP).

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp liên hợp công nghiệp-quân sự ở Nga vào ngày 23 tháng 12 năm 2022. (Ảnh: @Văn Phòng Báo Chí Tổng Thống Nga/ Sputnik Pool/ AP).

Trong một cuộc phỏng vấn với Kênh truyền hình Rossiya-24, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga cho biết Bộ Phát triển Kinh tế đang nghiên cứu tốc độ tăng trưởng GDP gia tăng trong các dự án lớn để hạn chế những gợn sóng kinh tế, mà trước đây ông tuyên bố sẽ xảy ra trên khắp thế giới.

Belousov đã mô tả cú sốc kinh tế là "cơn bão hoàn hảo", nói thêm rằng tổng sản phẩm quốc nội của Nga sẽ giảm "hơn 2% một chút" và năm 2023 sẽ là năm khá khó khăn đối với chúng tôi về mặt tài chính. Đó là lúc chúng tôi đặt ra mức thâm hụt ngân sách cho năm 2023". Hơn nữa, ông tiếp tục, "tất cả những điều đó đã được thống nhất bàn bạc với Ngân hàng Nga".

Thế giới sắp bước vào thời kỳ chấn động khủng khiếp vào năm 2023: Belousov

Trong hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 11 năm 2022, Phó Thủ tướng thứ nhất Nga từng tuyên bố rằng, thế giới sắp bước vào thời kỳ của những cú sốc khủng khiếp vào năm 2023, trở nên tồi tệ hơn bởi các vấn đề chưa được giải quyết.

"Bây giờ chúng ta mới bắt đầu hiểu được mức độ nghiêm trọng của các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt. Thực tế là vài năm tới là thời kỳ của một cơn bão hoàn hảo, khi các xu hướng tiêu cực tích tụ trong một thời gian dài vốn đã bị hội tụ trong một khoảng thời gian giới hạn", Belousov nói với các phóng viên bên lề hội nghị thượng đỉnh.

Ông đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng kinh tế là do những nỗ lực của phương Tây nhằm trừng phạt Nga. Ông khẳng định, thế giới "đang bắt đầu hiểu rằng những nỗ lực cô lập Nga chỉ làm trầm trọng thêm những thách thức kinh tế toàn cầu".

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó cũng tuyên bố rằng, phương Tây đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và "làn sóng lạm phát tàn khốc", bằng cách áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại đối với Nga trong lịch sử gần đây để đáp trả sự can thiệp quân sự của nước này vào Ukraine.

"Lỗi cho điều này hoàn toàn thuộc về giới tinh hoa của các nước phương Tây, những người sẵn sàng hy sinh phần còn lại của thế giới để duy trì sự thống trị toàn cầu của họ", Putin đã nói trong một cuộc họp chính phủ về kinh tế được truyền hình trực tiếp.

"Nga đang tự tin đối phó với những thách thức bên ngoài nhờ vào cả các chính sách kinh tế vĩ mô có trách nhiệm trong những năm gần đây, và các quyết định mang tính hệ thống nhằm tăng cường chủ quyền kinh tế, công nghệ và an ninh lương thực", ông Putin khẳng định thêm, đồng thời gọi Moscow là nhà sản xuất tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới.

Người đi bộ đi ngang qua hai người lính khi họ đứng ở Quảng trường Đỏ gần Nhà thờ Saint Basil ở Moscow vào tháng trước. Ảnh: @Yuri Kadobnov/AFP.

Người đi bộ đi ngang qua hai người lính khi họ đứng ở Quảng trường Đỏ gần Nhà thờ Saint Basil ở Moscow vào tháng trước. Ảnh: @Yuri Kadobnov/AFP.

Putin nhắm đến các nhà tài phiệt để vực dậy nền kinh tế Nga, những tai ương trên chiến trường

Các doanh nhân có ảnh hưởng, những người trước đây đại diện cho nguyên lý trung tâm về tính hợp pháp của Putin giờ đã trở thành mục tiêu của Điện Kremlin, để bù đắp cho những thất bại đáng xấu hổ của họ.

Trong động thái mới nhất, Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng bắt đầu tịch thu tài sản có giá trị của các nhà tài phiệt, mà ông cho là không đủ trung thành vào thời điểm mà sự cô lập quốc tế do cuộc chiến vô cớ của ông ở Ukraine đang khiến nền kinh tế Nga lao đao.

Putin trước đó đã gọi những người chạy trốn khỏi nước Nga để đáp trả cuộc xâm lược của ông vào cuối tháng 2 là "mối nguy hiểm" đối với quê hương, ông chỉ ra những doanh nhân ưu tú mà ông tin rằng, họ đã và đang rút tiền của Nga để đổ vào thiên đường ở nước ngoài. Lời chỉ trích của ông cũng bao gồm cả những người cố gắng trốn tránh mệnh lệnh của ông, khi vận động đưa 300.000 lính nghĩa vụ vào chiến trường hồi tháng 9/2022.

Một học viên quân đội Nga đứng trước một bảng quảng cáo quảng cáo nghĩa vụ quân sự theo hợp đồng ở St. Petersburg vào đầu tháng 10. Nga đã và đang chịu tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của nước này, nhưng cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn. (Hình ảnh: @Olga Maltseva/AFP/Getty).

Một học viên quân đội Nga đứng trước một bảng quảng cáo quảng cáo nghĩa vụ quân sự theo hợp đồng ở St. Petersburg vào đầu tháng 10. Nga đã và đang chịu tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm bóp nghẹt nền kinh tế của nước này, nhưng cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn. (Hình ảnh: @Olga Maltseva/AFP/Getty).

Thậm chí, giờ đây, cơ quan lập pháp Nga đã chuẩn bị một dự luật tăng thuế suất đối với những người Nga đã bỏ trốn kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, mà Putin, vì lý do và hình ảnh trước công chúng, mà trước đây đã khăng khăng gọi đây là "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Các nhà phân tích tin rằng, động thái này đóng vai trò là điều kiện tiên quyết để quốc hữu hóa tài sản, và các tài sản khác của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mà trước đây ông đã coi là yếu tố quan trọng đối với tính hợp pháp của mình.

"Putin có thể lo ngại về việc giới tinh hoa không ủng hộ cuộc chiến của ông ấy ở Ukraine", Viện Nghiên cứu Chiến tranh độc lập Quốc tế kết luận trong ghi chú phân tích mới nhất của mình. "Điện Kremlin có thể sẽ sử dụng tiền thu được thông qua thuế để tài trợ cho cuộc chiến của họ ở Ukraine".

Việc Nga dần mất khả năng tài trợ và cung cấp cho cuộc xâm lược của mình đã trở nên rõ ràng gần như ngay lập tức, dẫn đến một loạt các giai đoạn đáng xấu hổ ở cả cấp độ chiến thuật và chiến lược.

Một người phụ nữ đi ngang qua một cửa hàng đóng cửa ở Moscow vào tháng 12/2022. Ảnh: @Yuri Kadobnov/AFP/Getty.

Một người phụ nữ đi ngang qua một cửa hàng đóng cửa ở Moscow vào tháng 12/2022. Ảnh: @Yuri Kadobnov/AFP/Getty.

Viện này trước đây đã ghi nhận những tuyên bố bất thường từ Yeveniy Prigozhin, nhà tài chính của công ty quân sự tư nhân Wagner Group có ảnh hưởng của Nga, cũng là công ty đã đóng một vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga và đặc biệt là cuộc chiến ở Ukraine. Trong khi tham dự đám tang của một lính đánh thuê đã chết ở St. Petersburg, Prigozhin nhấn mạnh sự cần thiết phải tịch thu tài sản xa xỉ và các tài sản có giá trị khác từ các nhà tài phiệt, những người dường như ưu tiên sự thoải mái của họ hơn nhu cầu của nhà nước.

Các blogger quân sự Nga lưu ý rằng lời khẳng định từ Prigozhin thể hiện một bước đi táo bạo bất thường đối với một nhà lãnh đạo bên ngoài giới chức chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, có thể là dấu hiệu cho thấy nỗ lực của ông nhằm nâng cao ảnh hưởng của mình trong xã hội Nga để đổi lấy một số tài sản từ những nỗ lực mới nhất nhằm mở rộng công tác nỗ lực quốc hữu hóa.

Nỗ lực mới của Nga nhằm đánh thuế những công dân giàu nhất nước này diễn ra vào thời điểm cấp bách về kinh tế đối với Putin. Đồng rúp gần như rơi tự do, và đã xuất hiện các báo cáo rằng các ngân hàng Nga đang từ chối cho phép khách hàng của họ rút tiền.

Kể từ khi xâm lược vào ngày 24 tháng 2, các nhà lãnh đạo phương Tây đã cố gắng cô lập Nga về kinh tế bằng các lệnh trừng phạt chưa từng có và các biện pháp trừng phạt khác. Điện Kremlin trước đây đã vượt qua hình phạt tài chính, phần lớn bằng cách chuyển sang một số đối tác mà họ duy trì, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ, để có thị trường bán năng lượng và mua hàng hóa sản xuất cho Nga.

Tuy nhiên, giờ đây, các nhà phân tích tin rằng sự ngăn chặn quốc tế đã bắt đầu làm tê liệt nền kinh tế Nga, khiến nước này rơi vào tình trạng giống như một số nền kinh tế suy yếu trên thế giới, chẳng hạn như Triều Tiên và Cuba.

Cựu lãnh đạo Nga Dmitry Medvedev, phó chủ tịch hiện tại của hội đồng an ninh Nga, được nhìn thấy đi thăm Uralvagonzavod, một nhà máy sản xuất xe tăng ở Nizhny Tagil, Nga, vào tháng 10. (Hình ảnh: @Sputnik/AFP/Getty).

Cựu lãnh đạo Nga Dmitry Medvedev, phó chủ tịch hiện tại của hội đồng an ninh Nga, được nhìn thấy đi thăm Uralvagonzavod, một nhà máy sản xuất xe tăng ở Nizhny Tagil, Nga, vào tháng 10. (Hình ảnh: @Sputnik/AFP/Getty).

Các chuyên gia cho biết, việc cô lập khỏi việc sử dụng đồng đô la Mỹ kết hợp với việc có ít lựa chọn hơn trong thương mại chắc chắn sẽ đẩy giá cả lên cao và làm giảm thu nhập.

Yuriy Gorodnichenko, nhà kinh tế tại Đại học California – Berkeley, nói với tờ Business Insider rằng: "Những gì họ đề xuất làm là một công thức dẫn đến tình trạng trì trệ lâu dài".

Và nó cũng đến vào thời điểm quân đội Nga phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trên chiến trường ở Ukraine để tạo ra kết quả như mong muốn, nhưng họ đã không làm được như vậy.

Tình báo quân sự phương Tây đánh giá rằng quân đội Nga đã tập trung hoàn toàn vào các vị trí cấp bách ở miền đông Ukraine, khu vực được gọi là Donbas, mà Nga đã xâm chiếm lần đầu tiên vào năm 2014. Mặc dù đã tập trung nguồn lực và đẩy nhanh mức độ tàn bạo của các chiến dịch ném bom và pháo kích – hiện nay xung quanh thành phố Bakhmut, nhưng các lực lượng trung thành với Putin vẫn chưa giành được bất kỳ vùng đất mới nào.

"Nga tiếp tục khởi xướng các cuộc tấn công quy mô nhỏ thường xuyên ở những khu vực này", tình báo quân sự Anh kết luận trong một đánh giá mới, "mặc dù có ít lãnh thổ đã đổi chủ".

Huỳnh Dũng- Theo Businessinsider/Finance.yahoo/Reuters/Usnews/ republicworld

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem