Vực lại những vườn hồ tiêu ở Quảng Trị sau mưa lũ: Chuyên gia bày cách phục hồi nhanh nhất

Ngọc Vũ Thứ tư, ngày 23/12/2020 13:21 PM (GMT+7)
Sáng 22/12, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) và Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị đã phối hợp tổ chức tọa đàm giải pháp phục hồi sản xuất cây hồ tiêu sau bão, lụt.
Bình luận 0

Các chuyên gia, nhà khoa học đã trả lời thắc mắc của bà con nông dân, đưa ra những giải pháp nhằm phục hồi cây hồ tiêu nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Xót xa nhìn hồ tiêu chết sau lụt

Gia đình ông Hoàng Hữu Chung (thôn Cu Hoan, xã Cam Nghĩa, Cam Lộ, Quảng Trị) có 250 gốc tiêu đang ở tuổi thứ 8 - độ tuổi sung sức, cho năng suất cao nhất. Hàng năm, mỗi gốc tiêu cho ông Chung thu hoạch từ 3-3,5kg hạt. Tuy nhiên, đợt mưa lụt dài ngày vừa qua khiến vườn tiêu nhà ông Chung bị ngập úng, 50% diện tích bị chết, thiệt hại kinh tế rất lớn.

Giúp nhà nông vực lại vườn hồ tiêu sau mưa lũ - Ảnh 1.

Cây hồ tiêu ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị bị ngập úng gây rụng lá rồi chết dần. Ảnh: N.V

img

"Giống tiêu ở Quảng Trị, đặc biệt là tiêu Vĩnh Linh rất nổi tiếng, chất lượng tốt. Mong chính quyền, người dân Quảng Trị tuân thủ đúng các giải pháp khoa học kỹ thuật, chú trọng phát triển theo hướng hữu cơ để không những phục hồi mà còn phát triển, trở thành nguồn hồ tiêu đầu dòng chất lượng cao cung cấp cho cả nước, vươn tầm thế giới".

PGS - TS Trần Thị Thu Hà

"Tiêu sau khi trồng có thể cho thu hoạch từ 15-17 năm, nhưng nay mới thu hoạch được một nửa thời gian thì nhà tôi đã mất nguồn thu. Việc tái thiết vườn tiêu rất khó khăn nên tôi mong cơ quan chức năng có phương án hỗ trợ người dân phục hồi vườn tiêu" - ông Chung nói.

4 năm trước, gia đình ông Trần Ngọc Lập (trú thôn Hà Trung, xã Gio Châu, Gio Linh, Quảng Trị) vay tiền ngân hàng, tập trung vốn liếng trồng 5 sào hồ tiêu (2.500m2). Đợt mưa lũ kéo dài xảy ra ở địa bàn miền Trung vừa qua đã làm hơn 50% diện tích hồ tiêu của ông chết rụi. 

"Cuộc sống gia đình tôi dựa vào vườn tiêu nhưng nay bị thiệt hại nặng khiến tôi không biết xoay xở thế nào trong thời gian tới. Tôi hy vọng Nhà nước, chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật khôi phục vườn tiêu cho nhân dân" - ông Lập mong muốn.

Ông Nguyễn Thuận Tình - Phó Giám đốc HTX sản xuất hồ tiêu Vĩnh Linh, cho biết, đơn vị cũng bị thiệt hại hơn 50% diện tích trong tổng số 110ha hồ tiêu. Sau đợt mưa kéo dài, nước mạch ngầm dâng lên, nước không thoát được gây ngập úng khiến tiêu rụng lá, chết dần chết mòn.

Ở quy mô toàn tỉnh, ông Trần Thanh Hiền - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, Quảng Trị có 2.525ha hồ tiêu, đợt mưa lũ vừa qua đã có 550ha hồ tiêu bị thiệt hại, trong đó có 230ha bị ngập úng, tiêu lụi tàn và chết. 

Các diện tích hồ tiêu bị ngập úng đều có hiện tượng rụng lá, rụt đốt và gây chết với tỷ lệ 15-40%, một số vườn bị chết 100%. Mưa lớn, độ ẩm cao còn tạo điều kiện cho một số loại bệnh trên cây hồ tiêu phát sinh.

Theo ông Hiền, nếu không có giải pháp kỹ thuật can thiệp kịp thời, các vườn tiêu có nguy cơ tiếp tục chết.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Nhằm giúp nhân dân tái các vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ sớm tái thiết sản xuất, Bộ NNPTNT đã cử nhiều đoàn chuyên gia, cán bộ khuyến nông về các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Trị để hướng dẫn bà con khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón… Cây tiêu là 1 trong 6 cây chủ lực của tỉnh nên rất được quan tâm, chú trọng.

Tại tọa đàm giải pháp phục hồi sản xuất cây hồ tiêu sau bão, lụt, PGS -TS Trần Thị Thu Hà - giảng viên Trường Đại học Nông lâm Huế cho biết, sau thời gian bị ngập úng, hồ tiêu có triệu chứng bệnh chết nhanh, nguyên nhân do nấm Phytophthora phát triển mạnh.

PGS Hà cho hay, để phục hồi vườn tiêu, đầu tiên cần xử lý thuốc hoá học ngăn ngừa bệnh lây lan trong mùa mưa (lưu ý tạnh mưa mới xử lý) bằng các hóa chất như Boodeaux, Alliette, Agipphote 400, Ridomil Gold. 

Thứ hai là đào rãnh thoát nước, vệ sinh, xử lý các vườn tiêu bị bệnh bằng vôi, đốt các bộ phận cây bị bệnh, khử trùng hố trồng, tuyệt đối không sử dụng lá rụng trong vườn ủ phân. Thứ ba là bón phân cân đối, kết hợp phân đa vi lượng.

Theo bà Hà, muốn phát triển hồ tiêu bền vững cần chú trọng khâu phòng bệnh hơn chữa bệnh, xây dựng vườn hồ tiêu đầu dòng, cung cấp giống khoẻ sạch bệnh cho người trồng. Với nhu cầu thị trường ngày càng khó tính, cần ứng dụng các chế phẩm sinh học và phân hưu cơ vi sinh trong sản xuất hồ tiêu để nâng cao chất lượng.

"Campuchia, Lào đi sau nhưng phát triển hồ tiêu theo hướng hữu cơ nên bền vững. Việt Nam đi trước, song lại lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học nên có những thời điểm một số lô hàng bị thị trường khó tính như châu Âu cảnh báo chất lượng sản phẩm, nếu không cải thiện sẽ ngừng nhập khẩu" - bà Hà cho hay.

Bên cạnh đó, để hạn chế bệnh cho cây tiêu, PGS-TS Trần Thị Thu Hà khuyến cáo người trồng cần thiết kế làm mương thoát nước tốt, cắt tỉa cành tạo tán trước mùa mưa, trồng cây che phủ; nên trồng tiêu bằng trụ sống như cây muồng đen, lồng mức, trụ cây trôm thay vì trụ bê tông để phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu.

"Người dân có thể làm phân bón từ cá trộn với men vi sinh, trồng cây lạc dại, cỏ, cúc vạn thọ, đậu muống và cây sài đất để giữ đất khỏi bị xói mòn đồng thời thu hút thiên địch bảo vệ hồ tiêu" - bà Hà nói.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Trúc Quỳnh - nghiên cứu viên chính Trung tâm Đấu tranh sinh học, Viện Bảo vệ thực vật cũng giải đáp một số thắc mắc của người dân và khuyến cáo, với những vườn tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm cần xử lý như hướng dẫn ở trên, sau đó trồng cây ngắn ngày khoảng 2-3 năm mới quay lại trồng tiêu. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem