Vùng Đồng Tháp Mười ở Long An có con kênh dài 45km sao lại mang tên Dương Văn Dương?
Một con kênh dài 45km nối sông Tiền với sông Vàm Cỏ Tây ở Long An sao mang tên Dương Văn Dương?
Thứ sáu, ngày 25/08/2023 05:22 AM (GMT+7)
Kênh Dương Văn Dương vùng Đồng Tháp Mười thông với kênh Nguyễn Văn Tiếp ở gần khu vực Gãy Cờ Đen, đưa nước ngọt sông Tiền nối thông sông Vàm Cỏ Tây. Đây cũng là một trong những tuyến giao thông thủy quan trọng nhất của huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.
Về huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An hỏi kênh Dương Văn Dương, không người dân nào không biết. Đó là một trong những dòng kênh chính của huyện phục vụ giao thông và tưới tiêu.
Kênh Dương Văn Dương còn “chứng kiến” nhiều câu chuyện về một giai đoạn lịch sử kháng chiến hào hùng của dân tộc nói chung và Long An nói riêng.
Mang tên thiếu tướng được truy phong đầu tiên ở miền Tây
Kênh Dương Văn Dương là một trong những con kênh lớn chảy qua địa bàn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.
Kênh Dương Văn Dương dài khoảng 45km, chạy từ Vàm Cỏ Tây đến Gãy Cờ Đen và chia thành 2 đoạn từ Gãy Cờ Đen đến ngã tư kênh 12 được đào năm 1900 và từ Vàm Cỏ Tây đến kênh 12 được đào năm 1932.
Kênh Dương Văn Dương thông với kênh Nguyễn Văn Tiếp ở gần khu vực Gãy Cờ Đen, đưa nước ngọt sông Tiền nối thông sông Vàm Cỏ Tây. Đây cũng là một trong những tuyến giao thông thủy quan trọng nhất của huyện Tân Thạnh.
Trước đây, kênh có tên La Grandière, viên tham biện tỉnh Tân An, người đứng ra điều hành công việc đào kênh.
Đến năm 1947, Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ đổi tên kênh La Grandière thành kênh Dương Văn Dương.
Dương Văn Dương là vị tướng được truy phong đầu tiên miền Tây Nam bộ.
Ông sinh năm 1900 tại Bến Tre, trong gia đình lưu dân miền Trung. Là người trượng nghĩa, ông thu phục được nhiều giang hồ từ khắp nơi, họ tôn ông như thủ lĩnh giang hồ Bình Xuyên.
Kênh Dương Văn Dương vùng Đồng Tháp Mười dài 45km nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây là một trong những dòng kênh chính của huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Dương Văn Dương là vị tướng được truy phong đầu tiên miền Tây Nam bộ, ông thu phục được nhiều giang hồ từ khắp nơi, họ tôn ông như thủ lĩnh giang hồ Bình Xuyên. (ảnh: Duy Thanh)
Năm 1945, cả nước sôi sục chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, ông cũng đưa hết lực lượng của mình theo cách mạng.
Từ một hảo hán giang hồ khét tiếng, Dương Văn Dương trở thành chỉ huy quân sự tài năng. Ông hy sinh năm 1946 khi đang giữ cương vị Khu bộ phó Khu 7 và được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy phong quân hàm Thiếu tướng.
Đặc biệt, từ khi Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ đổi tên dòng kênh thành Dương Văn Dương thì tên gọi ấy được người dân ghi nhớ và sử dụng mặc dù chính quyền ngụy có giai đoạn đổi tên dòng kênh là Kỳ Hương.
Tên tuổi kênh Dương Văn Dương đi vào lịch sử kháng chiến của quân và dân Nam bộ vì nơi đây từng là căn cứ các cơ quan cấp xứ của Nam bộ trong giai đoạn 1947-1950, được xem là trung tâm chiến khu Đồng Tháp Mười, đầu não phong trào chống Pháp của Nam bộ trong 9 năm (1945-1954).
Các cơ quan lãnh đạo Đảng và chính quyền cấp xứ đã đóng ở Đồng Tháp Mười, dọc kênh Dương Văn Dương.
Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ ghi dấu chiến khu Đồng Tháp Mười năm xưa được nhiều du khách ghé thăm
“Đây! Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến”
Là nơi “cả Nam bộ có mặt”, kênh Dương Văn Dương “chứng kiến” nhiều sự kiện quan trọng, đánh dấu sự linh hoạt, tài năng của chính quyền cách mạng.
Năm 1946, cơ sở bào chế thuốc được thành lập tại kênh Dương Văn Dương, cung cấp thuốc cho các cơ quan kháng chiến Đồng Tháp Mười. Những nhân viên phòng bào chế sau này giữ nhiều trọng trách trong ngành Y tế Việt Nam.
Khu vực kênh Dương Văn Dương ngày nay là vùng quê trù phú (Trong ảnh: Trường Mẫu giáo Hậu Thạnh Đông bên bờ kênh Dương Văn Dương, huyên Tân Thạnh, tỉnh Long An).
Đặc biệt, đúng 19 giờ ngày 01/12/1947, tiếng phát thanh viên dõng dạc vang lên: “Đây! Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến” trong buổi phát sóng đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến tại chốn bưng biền, trong khu vực kênh Dương Văn Dương.
Đó là điều không ai có thể ngờ tới! Trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, một đài phát thanh được duy trì phát sóng đều đặn lại chỉ “có thể đặt gọn trong một cái rương nhỏ, trên một cái lán bên dưới một đám tràm ở xã Nhơn Hòa Lập, huyện Mộc Hóa (nay thuộc xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An)”.
Đội ngũ cán bộ đài lúc đó có khoảng 10 người, bao gồm cả cán bộ kỹ thuật, biên tập viên, phát thanh viên, người phụ trách văn nghệ, bảo vệ,...
Đài duy trì phát sóng 2 buổi/tuần. Mỗi chương trình kéo dài 15 phút với nhiều chuyên mục: Bình luận, xã luận, tin trong nước, tin về vùng giải phóng,... Qua làn sóng của đài, nhân dân, bạn bè quốc tế tiếp cận được thông tin của cách mạng.
Nhờ đó, nhiều nhân sĩ trí thức tìm vào chiến khu tham gia cách mạng, các nhà báo tiến bộ của nước ngoài cũng tìm đến Đồng Tháp Mười để ca ngợi cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An - Nguyễn Tấn Quốc từng nhận định: “Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến ra đời đập tan luận điệu của thực dân Pháp khi chúng huênh hoang cho rằng đã bình định Nam bộ, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ tuyên truyền đường lối cách mạng, động viên, cổ vũ tinh thần yêu nước hướng về kháng chiến và củng cố niềm tin thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Pháp của nhân dân Nam bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Khu vực kênh Dương Văn Dương, được xem là trung tâm “chiến khu” Đồng Tháp Mười, đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong 9 năm kháng chiến: Bộ phim điện ảnh cách mạng đầu tiên ra đời, đồng chí Lê Duẩn cùng bộ máy lãnh đạo cao nhất của cuộc kháng chiến sống và làm việc tại đây,...
Nhiều đơn vị chủ lực đầu tiên của Nam bộ cũng ra đời ở chiến khu Đồng Tháp Mười.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay, dòng kênh Dương Văn Dương vẫn êm đềm chảy, giữ vai trò quan trọng trong việc tưới tiêu và giao thông tại huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) nói riêng và khu vực Đồng Tháp Mười nói chung. Dòng kênh mang lại nhiều nguồn lợi thủy sản, giúp người dân chủ động tưới tiêu, góp phần tạo nên những cánh đồng xanh mướt và những mùa vụ bội thu...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.