Vùng khó tìm cách giữ giáo viên hợp đồng

Thứ ba, ngày 28/05/2024 06:23 AM (GMT+7)
Trước tình trạng thiếu giáo viên, nhiều trường phải chủ động hợp đồng và tự bồi dưỡng giáo viên từ nhiều nguồn khác nhau để đảm bảo không trống lớp.
Bình luận 0

Tuy nhiên, với mức lương khá thấp, chỉ ký hợp đồng trong 9 tháng của một năm học, các trường vùng khó rất khó để giữ chân giáo viên.

Đỏ mắt tìm người dạy

Ngoài 2 giáo viên hợp đồng cho vị trí Tổng phụ trách Đội và Thể dục, năm học 2023 - 2024, Trường THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam) thiếu 3 giáo viên ở các môn học Anh văn, Âm nhạc và Mỹ thuật. “Chúng tôi đã thông báo tuyển giáo viên hợp đồng, nhờ cả thầy cô trong trường giới thiệu nhưng không có ai tham gia ứng tuyển. Nhà trường buộc phải ký hợp đồng một giáo viên thỉnh giảng đang dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My để đứng lớp môn Anh văn”, thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Với môn Mỹ thuật và Âm nhạc, để không bỏ trống tiết, Trường THCS Trà Mai “chia” thời khóa biểu cho giáo viên Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý… đứng lớp. Trái chuyên môn, không có năng khiếu nên thầy cô rất vất vả khi tổ chức các hoạt động dạy - học.

Trong khi đó, năm học 2022 - 2023, do không tìm đủ người hợp đồng, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) phải phân công giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc… đứng lớp dạy văn hóa. Theo như nhận xét của thầy Hiệu trưởng Trương Công Một, giáo viên trái ngành vừa dạy vừa phải bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, học hỏi đồng nghiệp, rất vất vả và cũng khó đảm bảo hiệu quả. Nhưng để không trống tiết, không dồn học sinh thì buộc phải chấp nhận giải pháp chẳng đặng đừng này.

Dù đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia, nhưng 2 năm trở lại đây, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) chưa bao giờ đạt tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp như chuẩn quy định. Như những tháng cuối của năm học 2022 - 2023, trong số 4 giáo viên đang dạy hợp đồng, có 2 người thi đậu viên chức ở vùng đồng bằng.

Nhà trường rơi vào cảnh thiếu giáo viên trầm trọng vì vốn dĩ trước đó đã có 4 giáo viên trong biên chế xin nghỉ. Không thể tìm người để hợp đồng giáo viên đứng lớp nhưng chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm học, nhà trường phải động viên thầy, cô giáo nhận dạy tăng – thay.

Ông Nguyễn Minh Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết, gần như trường mầm non nào trên địa bàn cũng thiếu giáo viên. “Dù đã hạ chuẩn đào tạo, thậm chí là chấp nhận ký hợp đồng trái chuyên môn nhưng rất khó để tìm được người.

Trong điều kiện thu nhập quá thấp, lại công tác ở vùng cao với nhiều khó khăn trong khi các trường học ở vùng đồng bằng vẫn đang tuyển không đủ giáo viên, gần như không có giáo viên mầm non nào chấp nhận dạy hợp đồng ở các trường địa bàn vùng sâu, vùng xa”. Vậy nên, các trường mầm non ở Sơn Tây đành chấp nhận giải pháp tăng số trẻ/lớp hoặc giảm tỉ lệ giáo viên/lớp thấp hơn nhiều so với quy định của chuẩn.

Đầu năm học 2023 - 2024, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) thiếu 74 giáo viên. Trong đó, nhiều nhất là ở bậc tiểu học với 49 người, mầm non thiếu 17 giáo viên. Nhiều trường tìm không đủ người để ký hợp đồng. Như Trường Tiểu học Ba Tô (Ba Tơ) trắng giáo viên Tin học dù được giao 2 chỉ tiêu biên chế. UBND huyện Ba Tơ đã phải tăng cường một giáo viên Tin học từ Trường Tiểu học Ba Dinh (Ba Tơ) để có giáo viên đứng lớp cho khối lớp 3 và 4, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Thị xã Đức Phổ là địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất của Quảng Ngãi với 190 giáo viên trong chỉ tiêu biên chế. Trong đó, cấp mầm non thiếu 38 giáo viên, tiểu học: 102 giáo viên, THCS: 49 giáo viên. Gần như năm nào, ngành GD-ĐT Đức Phổ cũng nằm trong tình trạng thiếu giáo viên do không thể tuyển dụng đủ so với yêu cầu.

Ông Phan Bường, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT Đức Phổ cho biết: “Ngay cả tìm giáo viên để ký hợp đồng cũng khó. Lãnh đạo các trường cũng đến nhiều địa phương lân cận như huyện Ba Tơ và tỉnh Bình Định để tìm nguồn giáo viên đủ chuẩn ký hợp đồng dạy học, nhưng cũng chỉ vài giáo viên có thể đến với địa phương. Vì vậy, các trường phải vận động giáo viên đã nghỉ hưu hoặc hạ chuẩn đào tạo đối với giáo viên hợp đồng”.

Vùng khó tìm cách giữ giáo viên hợp đồng- Ảnh 1.

Một đoạn đường vào điểm trường Ông Thái, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam). Ảnh: NTCC

Nơm nớp lo “mất” người

Chưa kết thúc năm học 2023 - 2024 nhưng thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập đã lo đến chuyện vận động 5 giáo viên tiếp tục gia hạn hợp đồng. Trong số này, cô Nguyễn Thị Hoạt đã nghỉ hưu được nhà trường mời trở lại dạy học. Số giáo viên còn lại, đang theo học chuyển tiếp đại học sư phạm.

“Nhà trường cam kết với các thầy cô trong diện hợp đồng, dù trong thời gian nghỉ hè vẫn nhận lương đầy đủ như trong năm học. Thầy cô cứ yên tâm tiếp tục theo học lớp nâng chuẩn, nhà trường sẽ tạo điều kiện để đi học nhưng hè vẫn có lương”, thầy Phương cho biết.

Ba năm trở lại đây, chưa năm nào Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập có sự ổn định về đội ngũ. “Trong điều kiện thu nhập của giáo viên hợp đồng là như nhau, người lao động sẽ có sự so sánh về điều kiện dạy – học. Chính vì vậy, các trường ở địa bàn vùng khó rất khó giữ chân được giáo viên vì họ sẽ tìm các trường gần trung tâm, đường sá giao thông thuận tiện hơn” - thầy Phương nhận xét. Vì vậy, vào hè, thầy Phương phải đôn đáo tìm kiếm nguồn giáo viên hợp đồng để có sự chủ động trong bồi dưỡng chuyên môn, chuẩn bị cho năm học mới.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn có 15 giáo viên hợp đồng trong tổng số 34 giáo viên toàn trường. Thầy Trương Công Một cho biết, đa số giáo viên có trình độ trung cấp, cao đẳng sư phạm, không đủ điều kiện để đăng ký thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục. Hầu hết các thầy cô đều đang theo học nâng chuẩn để có thể đáp ứng yêu cầu về trình độ đào tạo. Vì vậy, nhà trường luôn tạo điều kiện để thầy cô vừa giảng dạy vừa tham gia học nâng cao trình độ.

Thầy Trương Công Một chia sẻ: “Năm nào cứ đến gần hè và sau các đợt kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục là Ban giám hiệu nhà trường lại nơm nớp lo thiếu giáo viên. Chúng tôi bị mất cả giáo viên biên chế chứ không chỉ dừng lại ở giáo viên hợp đồng. Nhiều giáo viên biên chế vẫn đăng ký thi tuyển viên chức ở các địa phương vùng thuận lợi hoặc thi để chuyển về gần nhà. Rồi giáo viên đang trong diện hợp đồng cũng tham gia dự thi. Thế nên đã thiếu người dạy lại càng thêm thiếu”.

Cuối năm 2023, khi có kết quả kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn có 2 giáo viên biên chế xin nghỉ việc. Trong số này, có một giáo viên có thâm niên dạy học 7 năm tại trường. Một giáo viên khác vừa được phân công về trường được một năm học.

Vùng khó tìm cách giữ giáo viên hợp đồng- Ảnh 2.

Ban giám hiệu cùng giáo viên nòng cốt của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập nắm tình hình dạy học ở các điểm trường lẻ. Ảnh: NTCC

Bù đắp cho giáo viên hợp đồng

Giáo viên dạy hợp đồng của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập đều được phân công đứng lớp tại điểm trường chính ngay trung tâm xã. Theo thầy Lê Huy Phương, với mức lương hợp đồng chỉ khoảng hơn 4 triệu/tháng, nếu phân công giáo viên hợp đồng đứng lớp ở các điểm trường lẻ, có khi họ không đủ chi phí sửa chữa xe cộ do đường đi lại quá vất vả.

Trong khi đó, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn, nhiều giáo viên diện hợp đồng đảm nhận dạy – học ở các điểm trường lẻ. Thầy Trương Công Một giải thích rằng, các điểm trường thôn đều có lớp ghép. Với những giáo viên dạy lớp ghép, thu nhập của thầy cô sẽ được tăng khoảng 1,5 lần theo chế độ.

Thay vì tháng 9 mới bắt đầu ký hợp đồng với giáo viên, nhiều trường học ở Nam Trà My (Quảng Nam) đã đề xuất phương án ký hợp đồng từ tháng 7, cho dù tháng 9, giáo viên mới bắt đầu đứng lớp. Với cách làm này, theo thầy Bùi Quang Ngọc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng, giáo viên hợp đồng vừa có thu nhập để “giữ chân” họ, xem như là chế độ đãi ngộ của trường. Trong tháng 7 giáo viên hợp đồng sẽ làm các phần việc như sắp xếp, tổ chức lại thư viện, điều tra phổ cập, hoàn thiện hồ sơ lưu trữ của trường…

“Dù quỹ lương khoán về các trường được cấp đủ cho 12 tháng/số chỉ tiêu biên chế được giao. Các trường đều tiến hành hợp đồng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế này nhưng theo yêu cầu của tài chính thì không được chi trả quá 11 tháng lương/năm đối với lao động hợp đồng. Vì vậy, số kinh phí còn lại, nhà trường cân đối để trả tiền dạy tăng - thay cho giáo viên” - thầy Ngọc thông tin.

Trong khen thưởng các dịp lễ, Tết, giáo viên diện hợp đồng của Trường THCS Trà Mai đều được hưởng quyền lợi như giáo viên biên chế. “Các khoản khen thưởng lễ, Tết đều từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên nên chúng tôi không phân biệt người lao động nằm trong biên chế hay hợp đồng, thỉnh giảng. Khối lượng công việc của các thầy, cô là như nhau” - thầy Điệp giải thích.

Những giáo viên chưa có chỗ ở đều được nhà trường bố trí phòng ở được cải tạo từ khu nội trú của học sinh. Các điều kiện sinh hoạt ban đầu như giường tủ, bếp… đều được nhà trường trang bị đầy đủ và hỗ trợ cả chi phí điện, nước sinh hoạt.

Theo hướng dẫn của huyện Nam Trà My, lương giáo viên hợp đồng đều không được vượt quá mức 5,3 triệu đồng/tháng, dù là giáo viên hợp đồng theo chỉ tiêu biên chế. Thế nên, để tăng thêm thu nhập cho giáo viên hợp đồng, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam tạo điều kiện để các thầy, cô nhận thêm 0,3% tiền quản lý học sinh nội trú.

Với những giáo viên hợp đồng đào tạo trái ngành, nhà trường tự cân đối kinh phí để mua tài khoản bồi dưỡng giáo viên trực tuyến để các thầy cô có thể đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Từ năm học 2023 - 2024, Đà Nẵng tổ chức kỳ thi tuyển dụng riêng cho các giáo viên diện hợp đồng. Kỳ thi này sẽ được tổ chức sau kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục nếu không tuyển đủ chỉ tiêu. Những giáo viên này vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi như một giáo viên biên chế, kể cả phụ cấp 30% đứng lớp. Điều này góp phần rút ngắn sự chênh lệch trong quyền lợi, thu nhập của giáo viên hợp đồng so với giáo viên biên chế. Hiệu trưởng các trường học chỉ ký hợp đồng lao động trong trường hợp có giáo viên nghỉ chế độ thai sản.

Theo Hà Nguyên (giaoducthoidai.vn)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem