Vườn ươm công nghệ cao "đắt hàng", kì vọng thoát khỏi luỹ tre làng

Thứ bảy, ngày 20/01/2018 07:02 AM (GMT+7)
Thành lập từ năm 2006 nhưng từ năm 2014 trở về sau này, Vườn ươm của khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) mới bắt đầu cung cấp cho thị trường những cây giống công nghệ cao. “Kết quả chưa như mong đợi, nhưng những gì đã làm được, hối thúc chúng tôi phải tìm nhiều cách làm mới hơn để tạo ra những giống cây có đủ sức khoẻ để tồn tại trên thị trường khắc nghiệt”, ông Lê Thanh Nguyên, giám đốc Vườn ươm SHTP, nói.
Bình luận 0

Làm nhiều việc

Năm 2017, Vườn ươm SHTP đã tiếp nhận mới 10 dự án khởi nghiệp. Tính đến cuối năm 2017, Vườn ươm đang ươm tạo 29 dự án. Trong năm qua, theo ông Nguyên, trong số 29 dự án đang ươm tạo, đã có 7 dự án thương mại thành công sản phẩm trên thị trường. Dẫn lời ông Nguyên, dù doanh thu trong năm 2017 của các doanh nghiệp tham gia ươm tạo chỉ 5 tỷ đồng, nhưng đó là tín hiệu tích cực của mô hình ươm tạo doanh nghiệp công nghệ tại SHTP.

img

Xưởng robot, mô hình hợp tác giữa Vườn ươm của khu Công nghệ cao TP.HCM và công ty Toyooka.

Không chỉ ươm tạo công nghệ cho các doanh nghiệp, trong năm 2017, Vườn ươm còn giúp các doanh nghiệp và dự án được tham gia những hoạt động như: xác lập quyền sở hữu trí tuệ (11 dự án), nghiên cứu thị trường (4 dự án), hoàn thiện sản phẩm mẫu (2 dự án), xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu (7 dự án), kiểu dáng công nghiệp (1 dự án), kỹ năng kêu gọi và thu hút nguồn vốn đầu tư (7 dự án), tham gia hội chợ, triển lãm (8 doanh nghiệp), giới thiệu sản phẩm mới (5 dự án)…

Đặc biệt, năm 2017, Vườn ươm đã tổ chức 4 đợt kết nối 10 dự án với 2 chương trình đầu tư và 2 quỹ đầu tư. Theo ông Nguyên, hầu hết các dự án kết nối trên đã nhận được đầu tư.

Vườn ươm SHTP còn tổ chức nhiều hoạt động cho cộng đồng khởi nghiệp. Tháng 3.2017, tổ chức cuộc thi khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT năm 2017, với chủ đề “Connected Devices” đã có 80 dự án nhiều lĩnh vực như: bán lẻ, sức khoẻ, nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng, tự động hoá ngôi nhà… đến từ TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Thái Nguyên, Cần Thơ… đăng ký tham gia. Tháng 6.2017, tổ chức cuộc thi Xamarin Crazy Hackathon về công nghệ lập trình di động trên các hệ điều hành iOS, Android.

Trong năm 2018, Vườn ươm SHTP đặt ra mục tiêu: phải tiếp nhận 10 dự án ươm tạo, tổ chức tốt nghiệp 3 dự án ươm tạo, chọn 10 dự án tham gia dự án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch của Chương trình vi mạch TP.HCM, hỗ trợ kết nối ít nhất 3 dự án nhận đầu tư từ cộng đồng, tổ chức một cuộc thi khởi nghiệp với quy mô cả nước, để từ đó tìm kiếm 5 dự án ươm tạo…

“Vấn đề cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp chính là tìm mọi cách để thương mại hoá được sản phẩm, có được những hợp đồng đầu tiên. Nhà nước cần có những cơ chế đặc thù dành cho những doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia cung ứng những sản phẩm, giải pháp cho những dự án công”, ông Nguyên đề xuất.

Phải bước ra khỏi “luỹ tre làng”!

Từ năm 2014 đến nay, Vườn ươm đã làm lễ “tốt nghiệp” cho 9 dự án và hỗ trợ hơn 20 dự án. Còn xét về giá trị doanh thu, từ năm 2014 cho đến 2017, doanh thu của các dự án ươm tạo là 41,4 tỷ đồng. Trong đó, có những doanh nghiệp không chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa, mà còn xuất khẩu như: Acis, Gremsy, Vexere...

Nói về hoạt động của mô hình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ tại SHTP, TS Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý SHTP, nói: “Vườn ươm đã có nhiều nhiều cố gắng để đạt được những kết quả ban đầu, nhưng để tạo ra một mô hình ươm tạo hấp dẫn cộng đồng, cần phải thay đổi tư duy và phương thức tổ chức, phải kết nối với các quỹ đầu tư và tương tác với các mô hình khởi nghiệp hiện đại của thế giới”.

Theo ông Nguyên, phần việc của Vườn ươm SHTP là tạo ra những doanh nghiệp công  nghệ cao, nhưng sau khi họ “tốt nghiệp” phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thực tế thương trường! “Do đó, rất cần những doanh nghiệp lớn và các nhà đầu tư đồng hành với doanh nghiệp vừa trưởng thành, không chỉ từ Vườn ươm SHTP mà còn từ những mô hình khác”, ông Nguyên chia sẻ.

Cũng theo vị giám đốc này, hoạt động ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay không chỉ từ chính sách, nguồn vốn mà còn từ những tồn tại của chính các doanh nghiệp khởi nghiệp: số lượng các dự án khởi nghiệp dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo và những giải pháp đột phá chưa nhiều, nhiều ông chủ trẻ các dự án chưa đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để bắt đầu và phát triển một dự án khởi nghiệp...

Nhìn về tương lai, ông Nguyên cho rằng, để thu hút các dự án khởi nghiệp tốt, không chỉ là tổ chức những cuộc thi mà cần có kế hoạch kết nối với các trường đại học trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng du học sinh; mời gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm vào các hoạt động ươm tạo…

“Điều trăn trở từ nhiều năm nay là cần có cơ chế chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tham gia khởi nghiệp”, ông Nguyên bộc bạch.

Được biết, năm 2017, SHTP đã có nguồn vốn hỗ trợ hoạt động nghiên cứu tại các doanh nghiệp, nhưng đó là phần dành cho các doanh nghiệp trưởng thành. Còn các dự án ươm tạo, dù đã được các nhà đầu tư chi 26,8 tỷ đồng, nhưng các doanh nghiệp đang trong quá trình ươm tạo vẫn luôn luôn… khát tiền!           

Những doanh nghiệp ươm tạo thành danh

Năm 2012, công ty cổ phần công nghệ Acis hoạt động trong lĩnh vực điện tử – tự động hoá được Vườn ươmSHPT tiếp nhận để giúp thêm về công nghệ, vốn, trang thiết bị và mặt bằng nghiên cứu. Sản phẩm chính của Acis là hệ thống Easy Control với các sản phẩm như bảng điều khiển cảm ứng gắn tường, màn hình điều khiển trung tâm, thiết bị kết nối master… Hiện Acis đã thiết lập 20 đại lý bán lẻ trên toàn quốc.

Công ty cơ điện tử Xanh (Gremsy) được thành lập tháng 4.2011 chuyên về chế tạo robot và các thiết bị tự động. Sản phẩm đầu tay của Gremsy là thiết bị bay mang camera chụp ảnh và quay phim, gọi tắt là gStabi với các dòng: gStabi H14, gStabi H16, gStabi H3, gStabi H6, gStabi H7… Dù trưởng thành tại Vườn ươm SHTP, nhưng thị trường Việt Nam chỉ chiếm 2% doanh thu, còn lại là: châu Âu – 55%, Mỹ và Canada – 33%, Hong Kong, Singapore – 10%...

Công ty khoa học và kỹ thuật Laser Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực: điện tử, cơ khí chính xác, tự động hoá, y khoa, da liễu… với sản phẩm chính là sản xuất thiết bị laser phẫu thuật ứng dụng công nghệ laser vi điểm. Hiện thiết bị này có giá bán 295 triệu đồng/máy. Ngoài sản xuất và kinh doanh sản phẩm chính, Laser Việt Nam còn cung cấpdịch vụ cân chỉnh, bảo hành bảo trì.

Hoàng Triều (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem